Tri ân cùng đồng đội

08:19, 08/10/2010

Mặc dù đã nghỉ chế độ 18 năm nay, nhưng CCB Nguyễn Duy Quyết, trú tại tổ 8, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên dường như chưa được nghỉ ngày nào. Vừa tham gia hoạt động đoàn thể ở địa phương ông vừa lặng lẽ vẽ các sơ đồ cung cấp thông tin cho gia đình liệt sĩ và cùng họ về chiến trường xưa tìm đồng đội

 

“Thái Nguyên ngày 6/8/2008. Gia đình tôi vô cùng xúc động và cảm kích trước tình đồng đội vào sinh ra tử của anh Nguyễn Duy Quyết đã thông báo kịp thời cho gia đình tôi biết thân nhân đã hy sinh 37 năm qua giờ gia đình tôi được gặp lại. Thay mặt gia đình, chúc anh mạnh khoẻ, hạnh phúc. Các linh hồn liệt sĩ phù hộ anh và gia đình”, Lê Hữu Trúc, thôn Tam Nông, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Đó là những lời của em trai liệt sỹ Lê Hữu Bao, sinh năm 1949, C11-D6 E46.F1, hy sinh tại Campuchia ngày 11/6/1971 lưu bút tại cuốn sổ của gia đình CCB Nguyễn Duy Quyết.

 

Đó chỉ là 1 trong hàng trăm những lời cảm tạ xúc động được ghi lại trong cuốn sổ tay, các bức thư của gia đình thân nhân các liệt sỹ ở các tỉnh, thành trong cả nước được ông Nguyễn Duy Quyết lưu giữ cẩn thận. Sau khi đưa được hài cốt về quê hương, nhiều gia đình còn gửi ảnh, băng hình lên thông báo cho ông biết. Hôm chúng tôi liên lạc để gặp đúng ngày ông đang cùng 2 người cháu của liệt sĩ Nguyễn Văn Bội, quê ở xã Đức Chính, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vào nghĩa trang thị xã Hà Tiên để đưa hài cốt của liệt sỹ về an táng tại quê nhà. Chiến sĩ Nguyễn Văn Bội hy sinh khi vừa bước sang tuổi 21 tại huyện Công Bông Trách, tỉnh Căm Pốt (Campuchia) ngày 18/4/1972. Sau 38 năm, mẹ liệt sĩ năm nay bước sang tuổi 101 mới được ôm nắm xương của con trai mình. Chuyến đi này của ông Quyết vừa tròn 10 ngày. Khi đưa được đồng đội của mình về quê nhà, ông lại lặng lẽ bắt xe khách về nhà. 4 năm nay, cô Nguyễn Thị La vợ chú cũng như hàng xóm quen với hình ảnh thi thoảng lại thấy chú khoác ba lô lên đường đi tìm hài cốt đồng đội. Rồi có những đợt hàng chục người đến nhà chú khóc vì vui sướng khi tìm được mộ của người thân lúc đầu trở thành chuyện lạ đối với hàng xóm, nhưng giờ thì họ đã quen và cảm thấy niềm vui ấy lan tỏa sang cả bản thân mình.

 

Sinh ra ở mảnh đất Bình Thành (Định Hoá), năm 1966 khi đó mới 17 tuổi đang học lớp 9, Trường cấp 3 Định Hoá chàng thanh niên Nguyễn Duy Quyết quyết định xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau 6 tháng huấn luyện, Quyết cùng đơn vị hành quân vào Nam biên chế vào Sư đoàn I chiến đấu. Suốt từ năm 1967 đến tháng 4/1975, chiến sĩ Nguyễn Duy Quyết chiến đấu trực tiếp tại các tỉnh Kom Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, rồi về Long Châu Hà (gồm các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên). Trong lần đi trinh sát trận địa ở xã Lạc Cuối, huyện Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc nay là An Giang, anh bị thương nặng. Sau một thời gian điều trị từ tháng 12/1969 đến tháng 4/1970 anh cùng đơn vị tham gia chiến đấu giúp nước bạn ở 6 tỉnh tây Nam Campuchia. Hoà bình lập lại đơn vị của anh được giao nhiệm vụ ra đảo Phú Quốc. Đến cuối năm 1978, lại được điều động sang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pônpốt. Năm 1985, chú Quyết được chuyển về Phòng Tổ chức của Quân khu 1, sau đó về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến năm 1992 về nghỉ chế độ. Trong quá trình công tác, cũng như những năm sau khi nghỉ chế độ, chú Quyết thường xuyên dành thời gian tìm đến thăm hỏi, động viên các gia đình liệt sĩ là đồng đội của mình. Trở về sau mỗi chuyến đi ông thường mang tâm trạng không vui vì nhiều đồng đội bị thương trong chiến đấu chưa được giám định thương tật; nhiều thân nhân liệt sĩ chưa biết phần mộ con em mình yên nghỉ ở nơi nào. Bản thân anh trai chú Quyết hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cũng trong tình trạng như vậy. Trong lòng nặng trăn trở, ông quyết tâm trở lại chiến trường xưa để phối hợp, giúp đỡ, chỉ chỗ cho các lực lượng chuyên làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ. Đồng thời vẽ lại nhiều sơ đồ mộ chí, nghĩa trang liệt sĩ đơn vị mà mình biết, thu thập nhiều giấy tờ, thư từ có liên quan đến liệt sĩ để các đội quy tập mộ tìm kiếm.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi ông Quyết bảo: Cơ may cho tôi là trong thời gian chiến đấu có một số năm được đơn vị giao làm chính sách thương binh, liệt sĩ nắm giữ sổ sách về chế độ. Ngoài một số trường hợp tôi và anh em trong đơn vị trực tiếp chôn cất thì các trường hợp khác khi chôn cất, anh em phải báo địa điểm về để tôi ghi lại. Sau này hoà bình đơn vị bàn giao lại sổ sách cho cấp trên. Sau này đi tìm mộ đồng đội tôi quay lại Phòng chính sách Quân khu 7, Quân khu 9 họ cho xem để tìm lại. Sau hơn 30 năm hoà bình, cảnh vật xưa tuy đã thay đổi nhiều, nhưng với cách đánh dấu toạ độ các mộ liệt sĩ khoa học nên phần lớn những đợt ông trực tiếp cùng các gia đình đi tìm hoặc vẽ lại sơ đồ cho các đội quy tập đều tìm được. Lần đầu tiên đồng đội là ngày 19-4-2006 tìm mộ liệt sĩ Trần Văn Hoan, quê ở xã Hải Đường và liệt sỹ Trần Văn Nhậm, quê xã Hải Thanh, cùng ở huyện Hải Hậu (Nam Định). Đây là 2 trường hợp ông trực tiếp chôn cất ở huyện Kilivông, tỉnh Tà Keo, Camphuchia.

 

- Sau hơn 30 năm, cảnh vật thay đổi nhiều, mộ liệt sĩ lại nằm ở đất nước bạn vậy tìm sao được? chúng tôi thắc mắc.

 

Ông chỉ cười hiền hậu: Khi chôn Hoan, tôi đã lấy góc một ngôi chùa làm vật chuẩn, cách bậc tam cấp đúng 20 thước. Vừa chôn cất tôi vừa nói với đồng đội: các anh em đều hy sinh ở tuổi đôi mươi, vì thế tôi chọn vật chuẩn như vậy, sau này nếu tôi còn sống có cơ may có thể tìm và đưa anh em về với quê nhà. Sau khi quấn tăng bạt lên người liệt sĩ Hoan, tôi đặt anh nằm lên 1 cánh cửa vẫn còn bản lề rồi chôn cất. Khi cùng gia đình liệt sĩ sang tìm, mặc dù ngôi chùa không còn, song những bậc tam cấp vẫn còn. Chúng tôi đào lần 1 không thấy, sau khi xác định lại thì đào lần 2 đã tìm thấy mộ của liệt sĩ Hoan. Hài cốt gần như còn nguyên, bên dưới chỗ nằm vẫn còn mảnh gỗ và tấm bản lề bằng sắt. Nằm cạnh liệt sĩ Hoan, thứ tự còn lại là mộ liệt sĩ Trần Văn Nhậm, rồi đến Đào Xuân Thái, quê ở Chợ Chu (Định Hoá), Trương Trọng Tường, ở Chí Linh (Hải Dương). Chuyến đi này, ngoài mang hài cốt liệt sĩ Hoan, ông Quyết đã trực tiếp mang hài cốt về trao cho gia đình liệt sĩ Nhậm. Đối với hài cốt liệt sĩ Thái và liệt sĩ Tường, ông mang về đặt tại nghĩa trang tỉnh An Giang. Sau đó ông đã thông báo cho 2 gia đình trên biết và gần đây ông đã dẫn các gia đình vào tận nghĩa trang làm các thủ tục xin chuyển về nghĩa trang quê nhà. Khó có thể kể hết những kỷ niệm trong quá trình ông Quyết đã đi tìm mộ. Vui vì tìm thấy mộ đồng đội, còn buồn cũng có bởi có những chuyến đi vất vả 2 đến 3 lần mà vẫn chưa tìm được phần mộ.

 

Được biết, trong những năm qua, ông Quyết đã viết 320 bức thư để báo tin về phần mộ liệt sĩ đã quy tập, giúp các gia đình liệt sĩ có điều kiện thăm viếng, di chuyển hài cốt về quê hương theo chính sách hiện hành. Sau khi nhận thư, nhiều gia đình đã đến tận nhà ông Quyết để nắm bắt cụ thể. Những gia đình không đến được thì viết thư, gọi điện cảm ơn. Theo như các gia đình liệt sĩ báo lại, đến nay đã có hơn 150 gia đình di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương. Được gia đình tin tưởng, ủy quyền ông Quyết đã trực tiếp dẫn đường đưa 17 gia đình liệt sĩ vào Nam, sang Camphuchia tìm, bốc, di chuyển phần mộ về quê nhà. Ngoài ra, ông còn tư vấn, giúp đỡ 12 đồng chí thương binh làm hồ sơ để vào hạng, nâng hạng thương tật theo chính sách hiện hành của Nhà nước. Song điều trăn trở nhất đối với Trung tá Nguyễn Duy Quyết, thương binh hạng 4/4, 40 năm tuổi Đảng khi tâm sự với chúng tôi là anh trai chú tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam; cũng như 2 người bạn thân nhất cùng đơn vị của ông là liệt sĩ Trịnh Quang Hai, quê ở Vĩnh Hồng, Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) và Phùng Khắc Thơm, ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây, ông đã nhiều lần đi tìm mà vẫn chưa thấy phần mộ.

 

Thấm nhuần đạo đức, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin yêu, kính trọng. Những nghĩa cử cao đẹp của ông đối với những đồng đội đã hy sinh.