Bắt đất cằn “nở hoa”

09:49, 25/11/2010

Dù cuộc sống có khó khăn, thử thách đến đâu nhưng nếu có ý chí và nghị lực, con người sẽ vượt qua và gặt hái thành công. Tôi thường được nghe nhiều người nói thế và càng thấy đúng hơn khi được chứng kiến thành quả lao động của 2 anh em Lường Văn Triệu – Lường Văn An, xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) khi các anh đã “bắt” đất cằn “nở hoa”…

 

Sau 2 tiếng leo núi, vượt qua chặng đường núi dốc lởm chởm nguy hiểm với đá tai mèo sắc cạnh, với nhiều đoạn phải bò trên vách đá dựng đứng, tôi đã đứng ở giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng Phượng Hoàng, thỏa mắt ngắm nhìn bát ngát đồi quýt Bắc Sơn với những trái vàng ươm chuẩn bị được thu hoạch mà thấy lòng trào dâng một niềm vui khó tả. Trên đường lên, tôi đã gặp mấy người dân từ trên núi xuống, người thì trên vai gánh chừng 40kg than, người thì gánh đầy hai thùng quýt đi lại rất nhanh nhẹn, nhẹ nhàng mà không khỏi ngạc nhiên hỏi:

 

- Sao họ đi tài thế! Người  đi không còn vất vả huống hồ mang hàng trên lưng?

 

- Người dân ở đây từ nhỏ đã quen với việc leo núi rồi. Buổi sáng họ lên núi, trưa ở lại ăn cơm, chiều lại xuống núi. Tổng thời gian cả đi cả về của họ chỉ mất hơn 1 tiếng. Anh Lường Văn Triệu, dẫn đường cho chúng tôi hôm ấy đã nói như thế.

Anh chia sẻ kinh nghiệm: Đường núi không được đi nhanh quá, nếu đi nhanh, sức dồn nhiều về phía trước sẽ gây căng cơ chân, rất chóng mệt, cứ thong thả đi, sẽ thấy quen dần. Một điều cấm kỵ là khi leo núi không được nhìn xuống đoạn đường phía dưới, nếu không sẽ có cảm giác chóng mặt như say tàu xe.

 

Trong ngôi nhà sàn dựng tạm giữa thung lũng Phượng Hoàng (người dân ở đây vẫn quen gọi là lũng Lân Phượng Hoàng), anh Lường Văn Triệu không giấu khỏi sự tự hào. Anh là người đầu tiên đã khai sơn, phá thạch vùng đất đá này để hôm nay, mỗi năm được thu lãi hàng chục triệu đồng từ trên dưới 600 cây quýt Bắc Sơn. Ngược dòng thời gian về những năm 1990, khi đó, nghề giúp anh Triệu kiếm sống nuôi cả gia đình là buôn bán quýt từ huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), chở trên chiếc xe đạp cà tàng về thị trấn Đình Cả và xuống chợ Thành phố bán. Lên tận những cao nguyên núi đá xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn, anh cùng người anh trai Lường Xuân An đã bị hút hồn bởi những vườn quýt trĩu quả. Lúc ấy, anh Triệu đã nghĩ, ở đỉnh núi Phượng Hoàng cạnh nơi mình sinh sống cũng có thể trồng được loại cây này. Nghĩ là làm, anh bàn với anh trai mua cây giống về trồng. Phượng Hoàng khi ấy vẫn còn rừng rậm um tùm, hoang vu nhưng anh Triệu chắc chắn mình sẽ gặp may mắn và thành công khi khai hoang trên ngọn núi đầy huyền thoại và linh thiêng mà theo truyền thuyết là nơi được chim thần chọn làm tổ này. Vì vậy, trong khi những người dân ở địa phương trèo lên đỉnh núi tìm nguồn lợi từ khai thác các loại gỗ quý hiếm thì gia đình anh và anh trai lại cặm cụi làm đất để trồng quýt trong lũng Lân. Mặc những lời dèm pha, bàn tán của xóm làng, lời can ngăn của vợ “nhà mình 1 mẫu ruộng, thiếu gì việc làm mà anh phải ngược núi làm giàu”  anh Triệu cùng anh trai vẫn quyết tâm phát rẫy với suy nghĩ rất đơn giản “Cây rừng tự nhiên quý và nhiều thật đấy nhưng chặt mãi rồi cũng hết. Mình trồng cây ăn quả sẽ cho nguồn thu lâu dài, ổn định và chân chính”.

 

Phải mất hàng tháng ăn, ngủ trên núi, hai anh em mới phát cỏ xong 2 mẫu đất đá hoang. Ngày trồng gần 2.000 cây quýt trong thung lũng cũng là ngày họ nuôi ước vọng tràn đầy về mùa quả bội thu. Khi chăm sóc cần chú ý cách phòng bệnh và đốn cành đúng thời gian quy định cũng như bắt sâu đục thân cho cây là coi như thành công. Giữa thung lũng núi đá, để đảm bảo nước tưới cho quýt là điều không hề đơn giản. Ngoài trông vào sự “dễ tính” của ông trời ban mưa thuận, gió hoà, khi mùa khô, anh phải dùng can 20 lít xuống hang Phượng Hoàng xách nước lên tưới từng gốc cây. Giống quýt Bắc Sơn hợp với thổ nhưỡng núi đá nên phát triển rất tốt. Tuy nhiên, sau 6 đến 7 năm cây mới được thu hoạch nên để lấy ngắn nuôi dài, hàng năm anh đã trồng và được thu hàng tấn ngô, khoai lang, khoai tàu, bí đỏ, bí xanh. Cần cù, gắn bó và say mê với cây quýt Bắc Sơn như thế trong 6 năm, vụ thu hoạch đầu tiên cũng đến.

 

Hôm cầm trái quýt trên tay, đưa cho vợ con nếm thử, anh Triệu, anh An đã không khỏi rưng rưng nước mắt. Vậy là bao mồ hôi, nước mắt, bao vất vả, mệt nhọc của mình đã được đền đáp xứng đáng. Vụ đầu, quả thu được chưa nhiều vì nên anh hầu như không bán mà đem biếu họ hàng, làng xóm để họ cùng chia vui. Vài năm sau khi thu hoạch, thấy vườn quýt của hai anh em An - Triệu đúng thật “hái” ra tiền, một số hộ dân bắt đầu đến nhà học kinh nghiệm, mua giống cây do anh Triệu chiết cành và trồng trên những mảnh đất đá còn lại của lũng Lân. Hiện có khoảng 4-5 hộ đã trồng quýt trên núi đá và bước đầu được thu hoạch 2 năm như anh Lường Văn Nhân, Hoàng Văn Hương, Lăng Văn Tý... Giống quýt Bắc Sơn sống quen ở núi đá, không ngọt đằm mà ngọt pha lẫn vị chua rôn rốt rất dễ bán trên thị trường. Trung bình hàng năm vườn quýt của anh Triệu thu từ 4-5 tấn. Với giá bán buôn 10 nghìn đồng/kg như năm nay, gia đình anh cầm chắc thu về trên 40 triệu đồng. Gần 1.000 cây quýt của gia đình anh An cũng mang lại số tiền lãi trên dưới 100 triệu đồng. Anh Triệu cho biết thêm, tháng 11 âm lịch quýt chín rộ anh mới bắt đầu thu hoạch, không để sang Tết vì tháng Giêng cây đã ra hoa.

 

Ngồi trên nhà sàn của gia đình anh Triệu, nhìn ra bốn hướng đều bắt gặp núi Phượng Hoàng hiên ngang, hùng vĩ, bỗng dưng tôi cứ tưởng tượng mỗi ngọn núi ấy như từng cánh chim Phượng Hoàng đang vươn lên đầy kiêu hãnh. Với tay kéo cành quýt sai trĩu cành, nằm bên cạnh một tảng đá to như lời anh Triệu giới thiệu thì đây là cây quýt tơ, tức là quýt mới bói quả năm đầu, tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của loài cây này, đồng thời cũng cảm phục vô cùng về nghị lực và quyết tâm làm giàu của những nông dân cần cù, chịu khó như anh Triệu, anh An.