Hình thành ý thức từ việc làm nhỏ nhất

17:01, 09/11/2010

Đã thành nếp, sau mỗi lần lấy phân bón, thuốc trừ sâu… toàn bộ túi nilon, vỏ chai lọ đều được bà con xóm Trại Đông Hạ, xã Đông Cao (Phổ Yên) gom lại rồi vứt vào bể chứa rác của xóm. Khi đầy, xóm lại tổ chức tiêu hủy 1 lần. Việc làm này đã và đang góp phần làm cho môi trường ở đây thêm trong sạch…

 

Xóm Trại Đông Hạ có 48 hộ, với 175 nhân khẩu. Từ lâu, bà con trong xóm đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và nắm bắt nhu cầu của thị trường để gieo trồng các loại rau màu cho giá trị kinh tế cao. Xóm có 22ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, 15ha là đất trũng, thích hợp với trồng rau vụ Đông. Từ nghề trồng rau mà đời sống của bà con nơi đây khá sung túc. Cả xóm có tới 70% số hộ là khá giàu và chỉ còn 3 hộ nghèo (do tàn tật, neo đơn). Không chỉ làm kinh tế giỏi, đến với xóm Trại Đông Hạ, điều mà chúng tôi dễ dàng nhận thấy là ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Bất kể ai, dù già hay trẻ, dù đi chơi hay đi làm đồng, hễ nhìn thấy túi nilon, vỏ chai lọ rơi vãi là đều tự giác bỏ vào bể chứa rác của xóm.

 

Vào những ngày này bà con nhân dân xóm Trại Đông Hạ đang tập trung sản xuất vụ Đông. Đi khắp cánh đồng bát ngát rau xanh, chúng tôi không hề bắt gặp một chiếc túi nilon hay vỏ chai lọ vứt bừa bãi trên đồng ruộng. Chỉ cho chúng tôi xem 1 bể chứa rác thải của xóm, đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Cả xóm có 3 chiếc bể như thế này, chúng được xây dựng từ năm 1998. Trước kia, vì không có bể chứa nên sau khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học xong, bà con thường vứt bừa bãi chai, lọ, túi nilon trên đồng. Các bờ ruộng thường là nơi tập kết nhiều nhất. Nhận thấy có nhiều mối nguy hại từ những vật dụng này, đồng thời gây mất mĩ quan, ô nhiễm môi trường nên cac đồng chí cán bộ xóm và một số người dân đã có ý tưởng xây dựng bể chứa rác thải tại tại những cánh đồng. Ngay sau đó, ý tưởng này đã được thực hiện. Lúc xây bể, người thì góp gạch, người thì góp công, có người thì góp xi măng. Mỗi chiếc bể rộng 1m2, sâu 1m, đặt gần 3 bến tưới của xóm. Sở dĩ nó được bố trí gần các bến tưới là để bà con khi pha thuốc xong có thể vứt ngay vào bể. Sau 1 tháng, xóm lại tổ chức tiêu hủy. Từ khi 3 chiếc bể được xây dựng, bà con đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, không còn rác thải vứt trên đồng ruộng.

 

Cùng với việc xây các bể chứa rác, theo kỳ, xóm lại huy động bà con dãy dọn cỏ tại các bờ ruộng, nạo vét kênh mương để phục vụ sản xuất. Đến nay, đã thành thói quen, cứ vào đầu vụ, bà con ở đây đều tự giác vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương quanh khu ruộng nhà mình. Để hình thành được ý thức trong mỗi người, Chi bộ xóm đã chỉ đạo Đoàn thanh niên, Chi hội Phụ nữ tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi dậm mỗi tháng 1 lần, đồng thời, động viên các hộ dân thường xuyên vệ sinh, quét dọn quanh khu vực nhà mình.

 

Cùng với đó, bà con trong xóm còn đóng góp tiền xây dựng đường bờ ruộng để đảm bảo vệ sinh chung. Là một trong những hộ đầu tiên xây bờ ruộng, anh Vân Văn Mạnh tâm sự: Nhà tôi có 4 sào ruộng, chuyên trồng các loại su hào, bắp cải, su su, hành, cà chua… Trước đây, mỗi lần đi thăm đồng về là quần áo lấm lem bùn đất, có khi trời mưa còn trơn ngã, thỉnh thoảng mưa to vỡ bờ lại mất công đắp rất vất vả. Vì thế, năm 2009, tôi đã đầu tư gần 10 triệu đồng để xây trên 200m bờ ruộng. Nhờ đó, không chỉ có gia đình tôi đi lại được dễ dàng mà những hộ có ruộng xung quanh cũng được hưởng lợi.

 

Nhận thấy việc xây bờ ruộng có nhiều cái lợi, đó là tránh được vỡ bờ, chống thoát nước, ngăn không cho cỏ mọc, tiết kiệm đất, đi lại dễ dàng… nên nhiều hộ dân trong xóm đã làm theo. Đến nay, xóm đã xây được hàng nghìn mét đường bờ ruộng, góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn nơi đây thêm khang trang, sạch đẹp.