Thực tế cơ sở - Môi trường nghiêm khắc rèn luyện cán bộ

11:09, 15/11/2010

Bác Hồ dạy: Cán bộ là gốc của công việc. Điều đó khẳng định cán bộ có vai trò quyết định đối với sự thành - bại của công việc. Chính vì vậy, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến việc rèn luyện cán bộ. Và việc luân chuyển cán bộ trong nhiều năm gần đây của tỉnh được xem là một trong những bước rèn luyện nghiêm khắc.

 

Đi là để làm việc

 

Để viết bài này, tôi đã tiếp cận với một số cán bộ (CB) được luân chuyển (LC). Họ là lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện được luân chuyển về huyện, phường (xã) đảm nhiệm chức danh chủ chốt. Có người mới đi được 1, 2 năm, có người đã “cắm chốt” ở cơ sở đến 5, 6 năm.

 

Trải lòng cùng họ những buồn vui khi chân ướt, chân ráo về vùng đất mới, bao điều lạ nước lạ cái, bao khó khăn cản trở nhìn thấy và cả những chông gai của lòng người khó thấy, trong khi đa số kinh nghiệm lãnh đạo chưa nhiều, những cọ xát ở cơ sở, đặc biệt là với người dân còn mỏng manh. Làm thế nào để “mảnh ghép” là mình hòa nhập được “cơ thể” là nơi mình đến, cùng thúc đẩy địa phương thịnh vượng là điều họ luôn phải quan tâm, suy nghĩ? Trong cuộc thử thách khắc nghiệt ấy, có người đã thất bại; không ít cơ sở nghĩ cán bộ luân chuyển (CBLC) chỉ là người “ăn tạm, ở nhờ” nên không tạo điều kiện. Những điều đó, tuy chưa có văn bản nào nói ra nhưng ở chỗ này, chỗ khác, người này, người khác đó là thực tế.

 

Cũng như “lửa thử vàng”, thành công hay thất bại của CBLC đã chứng minh bản lĩnh, khả năng làm việc, lãnh đạo ở cơ sở của cán bộ đó. Bác Hồ dạy: Dễ một lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Và bí quyết thành công của một số CBLC tôi tiếp cận cũng xuất phát từ lời dạy đó của Bác, đó là từ Nhân dân.

 

Trước khi đến gặp đồng chí Chủ tịch UBND Phường, mới đây được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Phường Hương Sơn (TP Thái Nguyên) Nguyễn Doãn Dũng, tôi đã chạy xe vào nhiều đường ngang, ngõ tắt, vào các khu dân cư của phường. Điều dễ thấy là sự quy củ, ngăn nắp của 1 phường “nửa đồng, nửa núi”: 100% trục đường chính đã bê tông hóa, Đài Tưởng niệm các liệt sĩ đỏ rực màu hoa Sứ mới được xây lên ở chỗ trước đây là ao tù, điểm gây ô mhiễm môi trường đã tồn tại từ mấy chục năm; trường mầm non, tiểu học khang trang mới được công nhận đạt chuẩn mức độ 1. 5 năm qua, phường đã làm thêm được 19 nhà văn hóa, 10 nhà đại đoàn kết. Trong khi năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của phường còn tới trên 10% (đứng thứ 4 trong tốp có số hộ nghèo nhiều nhất của thành phố) thì nay tỷ lệ này chỉ còn 1,94% (thấp hơn tỷ lệ trung bình của thành phố).

 

Anh Nguyễn Doãn Dũng không muốn nói đến những việc anh làm 5 năm qua, từ lúc đang là Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy được tổ chức LC về làm lãnh đạo phường Hương Sơn, nhưng tôi rút ra được một chữ Nhân dân từ những câu chuyện “bao đồng” của anh. Chỉ đơn cử như việc xây Đài tưởng niệm: Xin ý kiến của dân, mời thanh tra nhân dân và các đoàn thể giám sát công trình, làm đến đâu báo cáo tiến độ trước dân đến đó. Tôi thật sự ấn tượng khi tiếp cận với tập đơn thư khiếu kiện dễ đến hàng trăm chiếc được anh Dũng lưu giữ. Trên lề của mỗi lá đơn đều có dòng chữ: Đã giải quyết xong; đã hòa giải; đã họp dân... Anh Dũng cho biết đó là tập đơn anh nhận được từ năm 2005 đến 2008, còn 2 năm gần đây (2009-2010) số đơn nhận được không đáng kể.

 

- Tôi xác định những “va đập” của công việc cũng là niềm vui, giúp tôi từng trải hơn, bản lĩnh hơn. Có người quý, có người ghét, đó là tự nhiên của cuộc sống, tôi luôn giữ và tìm niềm vui trong cái mình đang có - anh Dũng tâm sự.

 

Một trong những CBLC cũng được đánh giá là thành công của Đảng bộ Thành phố Thái Nguyên thời gian qua là anh Lê Văn Tâm, hiện là Bí thư Đảng ủy phường Tân Thịnh. Những năm trước, phường Tân Thịnh có không ít vấn đề nổi cộm, nhưng từ năm 2007 đến nay, Đảng bộ liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh (TSVM) và TSVM tiêu biểu, kết quả đó có sự đóng góp của đồng chí Chủ tịch UBND phường (trước đây) và là Bí thư Đảng ủy hiện nay. Nguyên là chuyên viên Phòng Tổ chức - lao động thành phố, cách đây 6 năm, anh Tâm được luân chuyển về phường Tân Thịnh công tác. Những cố gắng của anh đã thể hiện bằng những kết quả cụ thể. Anh được nhân dân tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch UBND phường và 2 khoá gần đây được bầu làm Bí thư Đảng uỷ phường.

So với những CBLC trong khu vực thành phố, các CBLC về các huyện gặp nhiều khó khăn hơn. Họ phải sống xa gia đình, có khi hàng tuần mới có điều kiện về nhà 1-2 ngày. Một trong những CBLC như thế là anh Lê Văn Tuấn, nguyên là Phó Giám đốc Sở Tài chính được điều động về giữ chức Chủ tịch UBND huyện Phú Bình - một huyện thuần nông vào tháng 6-2008.

 

Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ trong cuộc trao đổi với tôi đã nhấn mạnh vai trò của anh Tuấn: Đó là con người của công việc, chân thành, giản dị, có ảnh hưởng tốt đối với tập thể. 2 năm về trước, Phú Bình là điểm “nóng” với nhiều vụ việc phức tạp: Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ 37; ô nhiễm môi trường của Nhà máy Kẽm điện phân; công tác xét tuyển giáo viên vào biên chế của ngành Giáo dục huyện…. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình cùng với kinh nghiệm đã trải qua, anh và tập thể lãnh đạo đã có nhiều quyết sách phù hợp ở từng vụ việc. Và đến nay các điểm “nóng” này cơ bản được giải quyết. Cùng với đó là những thay đổi đáng kể của huyện trên nhiều lĩnh vực, mà nổi bật phải kể đến công tác giải phóng mặt bằng để triển khai nhiều dự án về giao thông cũng như để thu hút đầu tư. Với phương pháp vận động, tuyên truyền, trong hơn 2 năm qua, toàn huyện đã có hơn 2.000 hộ dân tự nguyện hiến gần 250 nghìn m2 đất để xây dựng gần 30 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 80km, tạo nên bước đột phá về hạ tầng giao thông, tạo đà để huyện Phú Bình thoát khỏi thế thuần nông trong nhiệm kỳ này. Từ sự nỗ lực đó, sau 2 năm LC, tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 mới đây, đồng chí Lê Văn Tuấn đã được bầu giữ chức Bí thư Huyện uỷ với số phiếu tín nhiệm cao và hiện đang đảm nhiệm 2 vai trò quan trọng là Bí thư Huyện uỷ và Chủ tịch UBND huyện Phú Bình.

 

Sẽ tiếp tục luân chuyển mạnh

 

Những cán bộ mà chúng tôi đề cập đến ở trên chỉ là con số nhỏ trong hàng trăm cán bộ đã được LC. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ,  tính từ năm 2005 đến 2010, đã có gần 200 lượt cán bộ từ tỉnh được điều động luân chuyển về huyện, cơ sở và ngược lại. Trong số đó, đối tượng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 59 cán bộ.

 

Đồng chí Đặng Văn Ngự, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho rằng: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tốt nhưng công tác LCCB thời gian qua của tỉnh còn bộc lộ một số điểm yếu. Cụ thể như việc LCCB giữa các địa phương còn hạn chế, chưa thực hiện tốt chủ trương bố trí một số chức danh không phải là người địa phương… Trước thực tế này, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, trong đó có việc đẩy mạnh hơn nữa công tác LCCB. Trong đó sẽ chú trọng luân chuyển cán bộ trẻ đã được quy hoạch về cơ sở để rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm hoặc tiếp cận chức danh được quy hoạch; xây dựng các quy định cụ thể về đối tượng, thời gian, các chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển; mở rộng việc bố trí bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND cấp huyện, các chức danh: Chánh án Toà án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, cán bộ cấp trưởng các ngành: Thanh tra, Tài chính, Thuế không phải là người địa phương; tích cực LCCB khối Đảng sang khối quản lý Nhà nước và ngược lại.

 

Có thể khẳng định, nếu thực hiện tốt các yêu cầu theo quy định và bản thân cán bộ được luân chuyển ý thức được chức năng, nhiệm vụ của mình ở cương bị mới, đồng thời nhận được sự giúp đỡ, hợp tác từ phía cơ sở thì LCCB sẽ là một trong những cách tốt nhất để rèn luyện, đào tạo cán bộ; trong nhiều trường hợp còn giảm được tư tưởng cục bộ, địa phương, hẹp hòi; và về cả hai phía là cán bộ - địa phương đều cùng có lợi. Hy vọng rằng, với những biện pháp tích cực hơn nữa về công tác LCCB trong nhiệm kỳ này sẽ góp phần tích cực trong việc nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó đáp ứng tốt hơn công việc được giao.