Trọn đời với văn hóa Tày

17:43, 21/11/2010

Ông là một nông dân thực thụ nhưng lại là tác giả và chủ biên gần chục cuốn sách, thơ và truyện cổ tích – điều mà nhiều nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp cũng phải mơ ước. Và cả đời ông tâm huyết với văn hóa Tày. Ông là Ma Đình Thu, dân tộc Tày, xóm Bản Cái, xã Thanh Định (Định Hóa).  

Trong căn nhà nhỏ 3 gian của ông Ma Đình Thu, chúng tôi nhìn thấy đầy ắp sách và bản thảo dở dang, đây là những tài liệu ông đang tập hợp cho cuốn Truyện cổ tích Bó Ngần dự định sẽ xuất bản cuối năm nay. Cầm trên tay cuốn sách Lượn lùng tùng xuất bản năm 2009, ông giới thiệu: “Đây là cuốn sách mà tôi tâm huyết nhất, bao gồm 700 câu lượn cổ bằng tiếng Tày (dịch ra chữ quốc ngữ là gần 1.400 câu) trong Lễ hội Lồng Tồng ở Định Hóa mà tôi đã dày công nghiên cứu và sưu tập trong hơn 30 năm”.

 

Sinh năm 1943, tại mảnh đất chiến khu Định Hóa, niềm đam mê văn hóa Tày sớm được vun đắp trong con người ông. Từ nhỏ, ông đã được bố dạy cho nhiều câu lượn Tày bằng tiếng bản địa. Được tham dự nhiều lễ hội Lồng Tồng tại địa phương, ông nhận thấy những làn điệu lượn chính là phần hồn của lễ hội, là sợi dây tâm linh nối con người với tổ tiên, thần linh sông núi và kết nối con người với con người. Chính vì vậy, ông luôn mong muốn tìm hiểu những nét độc đáo của lượn Lồng Tồng Định Hóa, đồng thời sưu tập lại để giữ gìn cho con cháu sau này. Với ý niệm đó, từ những năm 1970, ông cùng với nhà thơ Ma Trường Nguyên đã dong duổi xe đạp qua nhiều tỉnh như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn… để tìm hiểu hát lượn của người Tày ở những nơi này. Sau những chuyến đi này, ông đã rút ra kết luận hát lượn Lồng Tồng ở Định Hóa là hoạt động văn hóa mang tính bản địa, có giọng điệu “hới lơi hợi hới” rất độc đáo mà không nơi nào có được. Từ đó, ông bắt đầu sưu tập những làn điệu lượn cổ ở địa phương.

 

Ông cho biết: Suốt hơn 30 năm qua, tôi đã tiếp xúc với hầu hết những “bô lão” ở địa phương để nghe các cụ hát, kể chuyện và ghi chép lại. Mãi đến năm 2009, với sự giúp đỡ của Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên, cuốn sách Lượn lùng tùng (viết song ngữ) mới được ra đời. Điều khó nhất khi xuất bản cuốn sách là dịch từ tiếng Tày ra tiếng phổ thông nên có nhiều đoạn không sát nghĩa nên ông đã nhờ đến sự giúp đỡ của các bậc cao niên am hiểu hát lượn Tày ở địa phương.

 

Bên cạnh lượn cổ, ông cũng dành rất nhiều thời gian và công sức để sưu tầm những truyện cổ tích và những bài dân ca của dân tộc Tày. Đến nay, ông đã xuất bản được nhiều truyện cổ của dân tộc Tày như: Nàng Hợi (1998), Mèo và Hổ (2004) và Dấu chân Ải Poóng (2009). Đồng thời ông cũng tham gia viết thơ, truyện, ký tập hợp trong các tập thơ: Tiếng lượn vượt đèo (1976); Nguồn suối (1996); Gửi về đâu (2007) và Giữa cánh rừng (2009). Ông tâm sự: Sưu tầm truyện cổ tích của người Tày rất vất vả và tốn nhiều thời gian vì đây đều là những chuyện được lưu giữ theo lối truyền miệng, những người còn nhớ để kể lại không nhiều. Bên cạnh đó, mỗi câu chuyện đều có nhiều dị bản khác nhau đòi hỏi tác giả phải tham khảo ý kiến nhiều người, chắt lọc nội dung và biên tập trước khi được in thành sách.

 

Đã gần bước sang tuổi 70, vẫn tất bật với 7 sào ruộng lúa, vườn tược và dăm chục con gà trong chuồng nhưng cứ rảnh đôi chút là ông lại vùi đầu với công việc sưu tập và nghiên cứu những giá trị văn hóa dân tộc Tày. Ông chia sẻ: “Công việc nhà nông giúp tôi có “kinh phí” để tiếp tục công việc sưu tầm. Trong năm nay, tôi dự định sẽ xuất bản cuốn sách “Bó Ngần” gồm 21 truyện cổ tích người Tày và tái bản cuốn Lượn lùng tùng”. Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Dân tộc thiểu số Việt Nam (1992), Hội Văn học Nghệ thuật Việt Bắc (1975), Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên (1987), ông cũng đồng thời là một trong những người sáng lập và lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Định Hóa. Trên cương vị nào ông cũng hoạt động tích cực và có những đóng góp lớn về nghệ thuật; có những đóng góp lớn trong việc khôi phục, bảo tồn vốn văn hóa cổ của người Tày, đặc biệt là lượn cổ Tày trong lễ hội Lồng Tồng ở Định Hóa. Ông là một bông hoa đẹp trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.