Nuôi tiền lẻ, đẻ tiền vàng

10:10, 23/12/2010

Trò chuyện với chúng tôi, bà Đỗ Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Phái (Phổ Yên) cho biết: Đời sống kinh tế của người dân thôn Nông Vụ chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, hầu hết các gia đình hội viên phụ nữ còn khó khăn, vì thế Chi hội vận động chị em học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng cách thực hành tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, để qua đó dành tiền đóng học cho con, hoặc thêm thắt mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Để minh chứng lời mình nói, bà Tâm đưa chúng tôi về thôn Nông Vụ. Hôm đó, vào ngày Chi hội phụ nữ thôn tổ chức sinh hoạt. Điểm danh sĩ số có 167 hội viên, dự đủ 100%. Như các buổi sinh hoạt trước đây, hôm nay, các hội viên được nghe cán bộ Hội nói chuyện về thông tin thời sự trong nước, quốc tế nổi bật; phổ biến tình hình chung của Hội Phụ nữ các cấp và thông báo những việc có liên quan tới đời sống của chị em, như việc vay vốn ngân hàng; giúp chị em học nghề; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống HIV/AIDS... và trao đổi kinh nghiệm chi tiêu trong gia đình, thực hành tiết kiệm để sao cho những đồng tiền lẻ gom lại thành tiền vàng.

 

Giữa các nội dung sinh hoạt được đan cài bằng những tiết mục văn nghệ tự biên, tự diễn, do đó buổi sinh hoạt không nhàm chán. Đặc biệt, các tiết mục văn nghệ thường gắn với cuộc sống hằng ngày ở nông thôn, nhất là phong trào ống tiền tiết kiệm mà Chi hội phụ nữ đang triển khai... Chị Nguyễn Thị Lệ, Chi hội trưởng cho biết: Phong trào “ống tiền tiết kiệm, làm theo lời Bác” được Chi hội phụ nữ thôn Nông Vụ triển khai thực hiện từ tháng 9/2009 đến nay. Sau hơn 1 năm, các hội viên trong Chi hội đã tiết kiệm được số tiền gần 40 triệu đồng. Từ những đồng tiền lẻ tiết kiệm hằng ngày, khi gom lại đã trở nên có ý nghĩa hơn với cuộc sống của mỗi gia đình hội viên. Phong trào đã thu hút được hầu hết các gia đình hội viên tham gia. Những lần tập hợp, chị em cùng nhau bổ ống vui như hội. Người tiết kiệm được dăm trăm nghìn đồng, người được vài triệu đồng, rồi lại cùng về nhà ai đó, hạ cây tre, nhờ mấy ông lực điền khoẻ tay cưa ra thành từng đốt, chia mỗi người 1 ống mang về đặt ở nơi trang trọng trong nhà.

 

Nhà chị Lệ ở xóm Nông Vụ 4. Chị đặt ống tiền tiết kiệm cạnh ban thờ tổ tiên. Hằng ngày, chị vận động chồng, con cùng tham gia thực hành tiết kiệm. Có ngày, chị thả vào ống 500 đồng, có ngày thả vài chục nghìn đồng... Cứ như vậy sau 1 năm, chị đã có được khoản tiền hơn 1,5 triệu đồng. Số tiền này chị dùng mua thức ăn chăn nuôi gia cầm. Điển hình trong phong trào ống tiền tiết kiệm của Chi hội phải kể tới chị Lê Thị Hường, xóm Nông Vụ 2. Sau 2 lần bổ ống, chị Hường có được khoản tiền hơn 8,6 triệu đồng. Số tiền này chị sử dụng đóng học cho con và thêm thắt đủ mua gạch lát lại nền nhà. Bà Nguyễn Thị Ngân, xóm Nông Vụ 4 thì cho biết: 2 lần bổ ống, tôi có hơn 7 triệu đồng tiết kiệm để góp với chồng mua được cái xe máy trị giá hơn 20 triệu đồng. Ngay bên trục đường của xóm Nông Vụ 3, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Vinh với chiếc xe máy mới mua với số tiền hơn 17 triệu đồng. Bà Vinh cho biết: Ngoài làm ruộng, tôi còn tranh thủ ngày nông nhàn đến các vùng chè của Tân Cương (T.P Thái Nguyên) để mua chè về bán. Mỗi ngày tôi cho vào ống tiền tiết kiệm vài nghìn đồng, vậy mà cuối năm bổ ống cũng có được hơn 5 triệu đồng. Có mặt ở đó, bà Nguyễn Thị Thương, xóm Nông Vụ 2 khi được hỏi cũng cho biết: Nhờ tham gia phong trào “Ống tiền tiết kiệm, làm theo lời Bác mà tôi luôn có tiền cho con đóng học kịp thời...

 

Mỗi người một cách làm, có chị hằng ngày bớt một khoản tiền tương đương với 1 mớ rau, có chị lại tiết kiệm số tiền có giá trị ngang bằng với bơ gạo. Bà Nguyễn Thị Thi, xóm Nông Vụ 3 cho biết: Thỉnh thoảng chồng tôi lại nhắc nhở “Mẹ nó đừng để cái ống tiền tiết kiệm bị bỏ đói”. Rặt những đồng tiền lẻ, vậy mà sau 1 năm, khi bổ ống, vuốt phẳng lại những tờ tiền, tôi cùng các chị  trong Chi hội đếm được gần 4 triệu đồng. Nhờ có số tiền lẻ này, tôi có điều kiện hơn khi đưa chồng về Hà Nội chữa bệnh...

 

Cứ như vậy, những đồng tiền lẻ từ phong trào thực hành tiết kiệm, làm theo lời Bác của các hội viên Chi hội phụ nữ thôn Nông Vụ đã trở thành một khoản tiền kha khá, và các chị lại sử dụng số tiền tiết kiệm này để mua sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt trong gia đình, đóng học cho con... Hơn thế, hầu hết các hội viên trong Chi hội đều vận động được chồng, con cùng tham gia thực hành tiết kiêm. Trong nhà, ai đi chợ hoặc đi đâu đó về, có đồng tiền lẻ lại mau mải cho vào ống. Dần thành thói quen, mọi người trong nhà cùng “chăm sóc” ống tiền, cũng nhờ thế mà các gia đình ở thôn Nông Vụ bớt đi khó khăn.