Nhìn cơ ngơi khang trang nhà ngang, nhà dọc, bể xây nuôi cá, nhà kho và vườn cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng, mấy ai biết được chỉ cách đây chưa đầy 10 năm, bà chủ của dinh cơ này là một phụ nữ nghèo, hằng ngày đạp xe đến các cơ sở sửa chữa xe máy, ô tô, các địa điểm thay dầu máy để mua gom dầu thải bán lại cho cơ sở tái chế dầu trong T.P Thái Nguyên để kiếm sống.
Đó là chị Lưu Thị Lịch, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại & Dịch vụ Phúc Lợi, tổ 11, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên)- đây chỉ là nơi chị ở và điều hành công việc- cơ sở sản xuất, chế biến đặt tại xóm Hồng Thái, xã Tân Cương. Ở đó đang có 20 lao động làm việc, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng, để có được những thành quả như ngày hôm nay, chị đã phải đổi rất nhiều mồ hôi, công sức và trí tuệ.
Cuộc mưu sinh của chị Lịch được bắt đầu từ năm 1997, khi đó chị 21 tuổi, không có việc làm lại phải nuôi con nhỏ 2 tuổi. Ông Tạ Đức Thọ, nhà cạnh bên thấy vậy nên bảo chị Lịch đi thu mua dầu thải về bán lại cho ông. Kể từ đó, chị Lịch lọc cọc với chiếc xe đạp cũ, 3 cái can loại 20 lít buộc sau gác - ba - ga, đạp theo dọc các trục đường lên Võ Nhai, Đại Từ rồi xuôi xuống Phổ Yên để gom từng cân dầu cặn... Chị kể: Ngày nào cũng đạp xe rộc người nhưng không dám ăn nhiều. Có lần qua xã Cổ Lũng (Phú Lương), ông Nguyễn Văn Phụng thấy tôi yếu quá, cho 2.000 đồng ăn bát phở - đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là bát phở ngon nhất của cuộc đời mình.
Sau 3 năm lọc cọc với chiếc xe đạp cũ, tằn tiện từng đồng lẻ, chị đã mua được chiếc xe máy làm phương tiện. Nhờ biết giao tiếp, sống chân tình, chị được nhiều Công ty, doanh nghiệp... giúp đỡ bằng cách để chị đến thu gom các loại dầu, mỡ phế thải. Vì thế, lượng dầu thải chị thu gom được nhiều hơn và phải thuê xe vận chuyển đi tiêu thụ. Tháng 10/2004, chị có một quyết đinh táo bạo: đứng ra thành lập HTX Thương mại & Dịch vụ Phúc Lợi, với tâm nguyện tạo được việc làm cho nhiều người lao động và có thu nhập cho chính bản thân gia đình mình. Song có lẽ không có duyên với cái nghề này nên chị mau chóng trở lại gom dầu, mỡ thải. Chị bảo: Trời sinh ra con người, cho mỗi người một nghề, nghề của mình là thứ dầu, mỡ đã đổ đi. Trách nhiệm của mình là phải làm cho những thứ đổ đi ấy trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị.
Để thành công trong nghề, chị đã dành nhiều thời gian đến các lò nấu tái chế dầu ở Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh để “tầm sư học đạo”. Khi rảnh rỗi, chị tìm mua thêm sách về đọc, nghiên cứu các quy trình tái chế dầu. Ghi chép cẩn thận, vậy mà khi vào cuộc chị lại bị liên tiếp hỏng liền 3 mẻ nấu, mỗi mẻ 2.000 lít nguyên liệu. Không nản, chị tiếp tục nấu tái chế dầu và phát hiện sự thất bại là do quá trình nấu không tuân thủ đúng quy trình chế biến. Vậy là sau mẻ nấu thứ 4, chị bắt đầu cho ra thị trường dầu tái chế phục vụ cho các đơn vị, cơ sở sản xuất dùng đốt lò công nghiệp, bôi trơn thiết bị máy. Lúc đó, nhiều người bảo chị làm dầu giả, khiến cơ quan chức năng mấy lần ập vào bắt... quả tang. Nhưng sản phẩm của chị đã được Nhà nước công nhận, cho phép. Để bảo đảm môi trường, sau 9 mẻ dầu tái chế thành công, chị yên tâm di rời cái HTX nhỏ bé của mình vào vùng đất xóm Hồng Thái (Tân Cương) sản xuất. Rồi, khi cơ sở tái chế của HTX có trị giá hơn 300 triệu đồng vừa xây dựng xong, lúc cho ra lò mẻ dầu tái chế đầu tiên, chưa kịp cùng xã viên vui hết niềm vui, bên Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đến lập biên bản xử phạt, yêu cầu đình chỉ vì lý do không có giấy phép sản xuất. Nhìn cả đống thùng phi dầu thải gần 4.000 tấn xếp ngổn ngang, một số anh chị em xã viên nản lòng bỏ đi. Nhưng chị không lỡ bỏ dở ước mơ của mình. Chị mạnh dạn đến Sở Tài nguyên - Môi trường, xin được phép tái chế nốt những tấn dầu phế liệu đã gom về. Rất may, nguyện vọng của chị được Sở đồng ý. Đặc biệt, các dồng chí lãnh đạo tỉnh còn động viên, huớng dẫn chị làm các thủ tục cần thiết cho một cơ sở sản xuất, tái chế chất thải.
Chị cho biết: Trên diện tích đất gần 4 ha, tôi đang triển khai xây dựng xưởng chế biến chất thải công nghiệp với tổng giá trị đầu tư trên 10 tỷ đồng, trong đó dầu thải tái chế ra khoảng 10 loại sản phẩm là dầu đốt lò công nghiệp, dầu bôi trơn, dầu số, mỡ...; nhựa bao bì thải tái chế ra các sản phẩm hạt nhựa làm bao bì, chậu cảnh, ống nước... Còn các loại chất thải không tái chế được cho vào lò đốt lấy xỉ làm gạch không nung. Dự án thành công sẽ tạo được việc làm ổn định cho hơn 50 lao động phổ thông và trên 100 lao động thời vụ.
Trong sản xuất, kinh doanh, chị bền bỉ, không chịu rút lui trước khó khăn trở ngại. Vừa sản xuất, chị vừa nâng cấp các lò nấu tái chế dầu, từ 2 tấn/mẻ lên 4 tấn/mẻ, và hiện nay, mỗi mẻ nấu được 23 tấn nguyên liệu dầu thải, cho sản phẩm dầu công nghiệp đạt hơn 16 tấn. Chị cho biết thêm: Khi lên Yên Bái thăm Công ty Cổ phần xứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, tôi thấy Công ty sử dụng dầu diesel và dầu hỏa để đốt lò, vì thế chi phí cho giá thành rất lớn. Thấy vậy, tôi đã vận động Ban lãnh đạo Công ty dùng thử dầu tái chế của mình, kết quả lò nung đạt nhiệt cao hơn, sản phẩm vẫn giữ nguyên chất luợng mà giá nguyên liệu đầu vào giảm. Vậy là chúng tôi có hợp đồng cung cấp dầu đốt cho họ, theo trao đổi lại từ bên đối tác, mỗi tháng dùng dầu tái chế của HTX, Công ty Cổ phần xứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn tiết kiệm được 200 triệu đồng. Sản phẩm dầu đốt lò công nghiệp tái chế của chị đã được Hội Doanh nghiêp nhỏ và vừa Việt Nam; Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) tặng Cúp vàng năm 2008 . Cũng nhờ sản phẩm dầu tái chế này, năm 2008 chị được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích sáng tạo kỹ thuật. Qua trao đổi, chúng tôi được biết: Hiện HTX Thương mại & Dịch vụ Phúc Lợi do chị quản lý đang cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu dầu công nghiệp tái chế, dầu bôi trơn công nghiệp cho nhiều nhà máy ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.
Trước khi chia tay, chị phân vân nói với chúng tôi: Khi đi vào lĩnh vực chế biến chất thải, tôi được rất nhiều người ủng hộ, nhưng để có vốn phát triển, nâng cao dây chuyền sản xuất, HTX đang phải vay lãi ở bên ngoài, với mức lãi suất 2%/tháng. Tôi mong các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho HTX vay vốn để đầu tư cho sản xuất. Như thế, chúng tôi có nhiều cơ hội hơn trong việc giải quyết chất thải không để gây ô nhiễm môi trường, nhất là HTX của chúng tôi, một cơ sở làm nhiệm vụ tái chế những thứ đổ đi thành các sản phẩm có giá trị, mang lại lợi ích chung cho xã hội.