Anh cầm tinh con Rồng (1964), tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Tuyển khoáng - Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội năm 1987; năm 1988 về làm kỹ thuật viên tại Phân xưởng Tuyển khoáng của Mỏ sắt Trại Cau, rồi chuyển qua các phòng: Kỹ thuật; Kế hoạch sau đó làm Quản đốc Phân xưởng Khai thác; năm 2006, anh được bổ nhiệm Phó Giám đốc và từ tháng 1-2009 là Giám đốc… Đó là sơ lược “lý lịch cán bộ” của anh Mạc Đăng Niên, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - Mỏ sắt Trại Cau hiện nay.
Không chỉ là người có năng lực trong quản lí doanh nghiệp, đưa Mỏ vượt qua những khó khăn, thách thức trong 2 năm qua, Mạc Đăng Niên còn được biết đến là một trong những “cây” sáng kiến hàng đầu của Mỏ.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đảng uỷ Mỏ sắt Trại Cau đã khẳng định với chúng tôi như vậy khi giới thiệu về phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Mỏ. Như để chứng minh cho nhận định này, anh Quảng cho chúng tôi xem danh mục các đề tài, sáng kiến của Mỏ trong những năm gần đây. Điểm qua trong đó, hầu như năm nào anh Mạc Đăng Niên cũng có tên trong danh sách. Đặc biệt, trong 2 năm 2009-2010, khi đã ở cương vị Giám đốc, các đề tài, sáng kiến của anh còn “dày” hơn, với nhiều công trình có ý nghĩa thực tiễn to lớn.
Đầu năm 2009, khi vừa nhận nhiệm vụ mới là Giám đốc, mặc dù rất bận rộn, nhưng anh Mạc Đăng Niên vẫn say sưa với những đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được ấp ủ từ lâu. Nhận thấy dòng quặng cám (có kích thước nhỏ hơn 1mm) sau khi tuyển rửa được bơm thẳng ra hồ quặng đuôi, gây lãng phí, anh Niên nghĩ cách tận dụng, vì trong dòng quặng thải này còn lẫn khá nhiều quặng tinh, nhưng do công nghệ trước đây không làm được, nên anh Niên đã nghiên cứu, tìm cách thu hồi lại. Anh xây dựng đề tài “Cải tạo công nghệ sản xuất quặng có từ tính, thu hồi bột từ dòng thải nhà máy tuyển khoáng” và tiến hành thực nghiệm. Theo đó, trên đường thải của dây chuyền rửa quặng của phân xưởng Tuyển khoáng, anh cho đặt một máy tuyển từ. Vị trí đặt máy nằm ở sau bể hoãn xung và trước bể bơm cát. Khi dòng thải chảy qua, quặng có từ tính được hút lại và đưa vào bể chứa, còn đất cát và các chất thải khác sẽ chảy qua và được bơm lên hồ quặng đuôi. Nhờ có sáng kiến này, mà mỗi tháng đã thu hồi thêm khoảng 500-600 tấn quặng có chất lượng cao, đồng thời làm giảm tải lượng bột lắng thường gây tắc đường ống bơm ra hồ quặng đuôi và giải quyết thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đề tài sáng kiến đã được nghiệm thu, đánh giá cao và được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen.
Cũng trong năm 2009, Giám đốc Mạc Đăng Niên còn đề xuất sáng kiến cải tạo lại đồi cây ở khu Văn phòng Mỏ thành một khuôn viên đẹp ngay trong trụ sở làm việc. Trước đây, quả đồi có diện tích 10.000m2 nằm trong khuôn viên này được trồng bạch đàn theo dự án PAM và phát triển tự nhiên, dường như không liên quan gì tới kiến trúc, cảnh quan của khu Văn phòng. Mặt khác, nhà để xe tựa lưng vào vách đồi có góc ta luy lớn trên 700 nên thường xuyên bị đất đá trôi xuống tràn lên mặt sân văn phòng mỗi khi có mưa to. Anh Niên đề xuất quy hoạch, cải tạo lại. Toàn bộ quả đồi được trồng lại bằng keo lá tràm, đồng thời bổ sung cây cảnh ở phía dưới tạo ra một lối đi rợp bóng cây rất đẹp. Góc ta luy được hạ thấp xuống dưới 400 nên không còn bị trôi đất cát xuống.
Năm 2010, anh Niên tiếp tục cho “ra lò” một loạt sáng kiến nữa, mà nổi trội là việc đấu nối thành công hệ thống bơm tăng áp để tăng áp lực cho súng bắn nước tại Máng quặng nguyên của Nhà máy Tuyển khoáng. Ở Phân xưởng Tuyển khoáng, quặng khai thác về được làm sạch bằng cách phun nước dưới áp lực cao để tách lớp đất bám và đẩy những viên quặng vào Gầu nâng đưa vào hệ thống tuyển rửa. Hiện tại, máy bơm chỉ cho áp lực tối đa là 9 át-mốt-phe nên không đủ mạnh để đẩy những viên quặng to. Trong khi đó lại luôn có một máy bơm dự phòng ở bên cạnh nhằm hỗ trợ. Anh Niên đã nghiên cứu, đấu nối 2 máy bơm với nhau, tạo ra áp lực lên tới 12 át mốt phe, làm cho năng suất tăng cao, quặng sạch hơn. Sáng kiến này đã mang lại giá trị làm lợi năm 2010 trên 182 triệu đồng. Cũng trong năm 2010, anh còn có sáng kiến dùng máy ép thuỷ lực để ép và thay bánh sao cho gầu nâng (làm lợi 24 triệu đồng); thiết kế công nghệ tuyển quặng nghèo, tận thu quặng trên công trường Núi Quặng, mỗi tháng thu hồi hơn 500 tấn sản phẩm, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động (sáng kiến này đã được áp dụng tại Mỏ từ tháng 5/2010 và đang được đề nghị đưa vào đề tài nghiên cứu cấp Công ty)…
Trên đây mới chỉ “điểm” qua một số đề tài, sáng kiến có giá trị lớn trong thời gian gần đây của Giám đốc Mạc Đăng Niên. Ngoài ra, còn rất nhiều sáng kiến khác, mà có thể nói, nếu tính từ khi anh về công tác tại Mỏ thì khó lòng nhớ hết. Bên cạnh đó, anh còn tham gia vào nhiều đề tài sáng kiến tập thể của Mỏ như: Cải tiến nối đường ống 273mm từ bể thu hồi vào bể bơm cát phục vụ sản xuất quặng chất lượng cao và bơm thông ống cuối ca sản xuất để tránh lắng đọng bùn đất trong đường ống; chế tạo bộ phận tời kéo quặng to máng quặng nguyên, khắc phục khó khăn trong sản xuất; xử lý khối gang chết lò cao số 3 nhà máy Luyện gang; mở rộng khai thác khu vực ngoài biên giới đất Mỏ quản lý tại Công trường Thác Lạc 3…
Sinh ra và lớn lên ở phường Cam Giá (thành phố Thái Nguyên), Mạc Đăng Niên đã tạm xa “đất thép” để đến với vùng mỏ, thực hiện ước mơ tuổi trẻ của mình: đi tìm nguồn tài nguyên cho Tổ quốc. Rồi lại “bén duyên” với đất mỏ Trại Cau, anh đã “an cư” tại đây, đem hết sức mình cống hiến cho quê hương mới. Vợ anh là giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trại Cau. Cô con gái lớn đang theo học Đại học Thương mại - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cậu con trai út đang là học sinh phổ thông.
Điều tôi tâm đắc nhất là câu nói của anh Niên: “Mình tìm cách cải tiến kỹ thuật không phải vì thành tích, cũng không phải để lấy thưởng. Đơn giản vì thấy nó chưa hợp lí thì phải cải tiến. Đó là trách nhiệm nghề nghiệp và hơn nữa là trách nhiệm của một công dân đối với xã hội”. Tin rằng, với suy nghĩ, cách làm đó, Giám đốc Mạc Đăng Niên sẽ vững vàng cùng đội ngũ đưa Mỏ sắt Trại Cau vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển mạnh mẽ, trở thành đơn vị sản xuất kinh doanh vững mạnh của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.