Hiện nay, Đoàn Luật sư (LS) Thái Nguyên có 25 luật sư, trong đó có 22 luật sư chính thức, 3 luật sư tập sự đang tham gia công tác tại 15 văn phòng luật sư (VPLS) trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đoàn Luật sư Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu là “Một không, ba có” làm tiêu chí để các luật sư phấn đấu nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao phẩm chất đạo đức luật sư. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm “làm theo Bác” Đoàn LS đề ra để hưởng ứng Cuộc vận động.
“Một không” tức là, không vi phạm những điều cấm; “ba có” là có phẩm chất đạo đức tốt, có tay nghề chuyên môn cao, có uy tín với khách hàng. Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Đoàn Luật sư đã bám sát vào nhiệm vụ chính là phát triển đội ngũ và VPLS; tham gia tranh tụng; tư vấn pháp luật; giải quyết khiếu nại đối với luật sư; quản lý luật sư. Theo luật sư Phan Thanh Long, Uỷ viên Hội đồng LS toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh, Trưởng Văn phòng LS Sao Mai: “Muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, nhất là việc tham gia tranh tụng và tư vấn pháp luật thì mỗi luật sư phải tự trau dồi kiến thức và có cái tâm trong sáng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khác hàng. Điều đó phải được chứng minh bằng việc làm cụ thể và được dư luận xã hội đánh giá, công nhận”. Do vậy, trong những năm qua, Đoàn LS luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư thông qua các phương pháp: Từng luật sư tự rút kinh nghiệm; các luật sư đồng nghiệp cùng tham gia ý kiến để rút kinh nghiệm; Đoàn LS tổ chức hội nghị để các luật sư trình bày kinh nghiệm, cùng trao đổi (riêng hình thức này, mỗi năm Đoàn đã tổ chức được từ một đến hai hội nghị, tập trung vào kỹ năng nghiên cứu hồ sơ và kỹ năng tranh tụng). Qua đó, trình độ chuyên môn của các luật sư ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng công tác, nhất là trong việc tư vấn pháp luật và tham gia tranh tụng.
Chỉ tính riêng năm 2010, các VPLS đã tư vấn 407 việc, tăng 76 việc so với năm 2009, trong đó số việc liên quan đến đất đai chiếm gần 50%; số việc liên quan đến dân sự, hôn nhân gia đình (chủ yếu là chia tài sản sau ly hôn) chiếm 30% số vụ; lĩnh vực khác chiếm 20%.Có tới 80% số vụ (trong tổng số 407 vụ) được các luật sư tư vấn miễn phí. Từ đó đã giúp cho người dân hiểu đúng nội dung vụ việc để họ lựa chọn giải pháp thích hợp giải quyết những xung đột, giữ vững tình làng nghĩa xóm và hoà khí gia đình. Điển hình phải kể đến trường hợp ông Lô Vi Sông, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa trung tâm bị chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) cách chức và buộc thôi việc trái pháp luật. Văn phòng LS Sao Mai đã làm việc với HĐQT yêu cầu giải quyết. Ông Lô Vi Sông đã được HĐQT trả lại đầy đủ quyền lợi và chức danh phó giám đốc cùng với khoản tiền 150 triệu đồng và lợi nhuận mà ông đã đóng góp vào bệnh viện. Đặc biệt, trong tham gia tranh tụng, từ việc khẳng định uy tín bằng năng lực và chất lượng tham gia tố tụng nên ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến luật sư tại các văn phòng.
Năm 2010, Đoàn LS đã thụ lý 311 vụ việc, tăng 60 vụ so với cùng kỳ, trong đó án hình sự 164 vụ, án dân sự 109 vụ, các vụ việc khác 38 vụ. Có nhiều vụ kéo dài thời gian xét xử từ 1 đến 3 năm đã được các luật sư kiên trì bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng như: 3 vụ án dân sự ở huyện Đồng Hỷ, sau khi điều tra thấy có đủ dấu hiệu tội phạm hình sự, Văn phòng LS Thắng Lợi đã đề nghị cơ quan điều tra khởi tố hình sự; 2 vụ án đang điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, 1 vụ đang tiếp tục giải quyết. Bên cạnh đó, các luật sư còn nêu cao trách nhiệm trước Nhà nước trong việc bảo vệ chân lý, bảo vệ pháp chế thống nhất nên đã nghiên cứu hồ sơ hình sự yêu cầu Việm Kiểm sát, Toà án hoàn lại hồ sơ để điều tra bổ sung 10 vụ.
Trong lĩnh vực dân sự, do việc điều tra, xét xử của Toà án có nhiều vụ thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đánh giá chứng cứ chưa khách quan toàn diện, các luật sư đã đề nghị huỷ án lại từ giai đoạn sơ thẩm (gồm 2 vụ của Văn phòng LS Việt Bắc và 2 vụ của Văn phòng LS Sao Mai). Ngoài các nhiệm vụ trên, Đoàn luật sư còn phân công một số luật sư tham gia các cuộc họp do Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh và Bộ Tư pháp tổ chức; tham gia thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính được Liên đoàn Luật sư Việt Nam tặng Bằng khen. Các luật sư còn phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh xuống cơ sở giới thiệu pháp luật và giải đáp thắc mắc cho nhân dân tại một số địa phương như: thành phố Thái Nguyên, Phú Bình, Hội Cựu chiến binh tỉnh được 5 buổi với 500 lượt người nghe.
Đi đôi với công tác chuyên môn, Đoàn Luật sư rất coi trọng công tác quản lý luật sư. Vì hoạt động của các VPLS nằm trên địa bàn rộng, có văn phòng chỉ có 1 luật sư, các luật sư hoạt động độc lập, nếu không quản lý tốt sẽ .... Do vậy, Đoàn LS đã quản lý luật sư theo nguyên tắc: kết hợp giữa quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hàng tháng Ban chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt định kỳ để kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch và giải quyết các vấn đề phát sinh; tổ chức hội nghị toàn thể để phổ biến chính sách pháp luật mới, tham gia các chuyên đề về pháp luật do Liên đoàn LS, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, HĐND tỉnh yêu cầu. Các VPLS tự quản lý luật sư (nếu văn phòng chỉ có 1 người) , hoặc thông qua giao việc, nghe báo cáo kết quả cùng rút kinh nghiệm ; quản lý thông qua hệ thống sổ sách.
Do làm tốt công tác quản lý luật sư ở 3 khâu: con người, biện pháp điều hành, thông qua các hội nghị nên từ khi hoạt động đến nay, Đoàn LS Thái Nguyên chưa có luật sư nào bị đưa ra xét kỷ luật. Mặc dù còn 5 huyện chưa có VPLS nhưng các luật sư đã giải quyết kịp thời yêu cầu của khách hàng tại 9 huyện, thành, thị.