Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Vạn Phái (Phổ Yên) đã xây dựng và triển khai hoạt động của Câu lạc bộ “Giúp nhau làm kinh tế” nhằm giúp chị em tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Trong số những gương sáng “vượt khó” của Hội, chị Vũ Thị Tuyết, ở xóm Trường Giang là điển hình được nhiều người biết đến.
Đến thăm gia đình chị Tuyết trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi cùng chia sẻ niềm vui với chị về những đổi thay của gia đình. Cạnh căn nhà ọp ẹp trước đây, giờ đã “mọc” lên một ngôi nhà 4 gian khang trang, kiên cố. Rót chén trà xanh, ngát hương mời khách, chị Tuyết phấn khởi cho biết gia đình chị vừa mới hoàn thành căn nhà vào cuối năm 2010, với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng.
Được biết, năm 1997, chị Tuyết lập gia đình và ra ở riêng. Lúc đó, nhà chị thuộc vào diện đặc biệt khó khăn. Cả gia đình có 4 người nhưng chỉ trông vào 3 sào ruộng, ngoài ra không có thêm một tài sản đáng kể nào để làm vốn. Hàng ngày, ngoài việc đồng ruộng, chị Tuyết ở nhà thu vén vườn tược và chăm sóc 2 đứa con đang còn nhỏ, chồng chị đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, nhưng việc chi tiêu trong gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau. Cảm thông và chia sẻ với những khó khăn đó, năm 2000, Hội Phụ nữ xã Vạn Phái đã đứng ra giúp anh chị vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo của Hội. Với số vốn đó, chị Tuyết đã đầu tư làm chuồng trại nuôi lợn, gà theo hình thức gối lứa. Thời gian đầu, chị nuôi 2 con lợn nái, 4 con lợn thịt, gần 50 con gà. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm từ chị em trong Hội, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật từ các buổi tập huấn chăn nuôi ở xã, đàn lợn, đàn gà của gia đình chị không bị mắc dịch bệnh nhờ được tiêm phòng đầy đủ và ngày càng sinh sôi, nảy nở. Gia đình chị khá lên từ đó. Đến nay, mỗi năm chị cho xuất chuồng khoảng 3 lứa lợn con, 3 lứa lợn thịt. Trong chuồng nhà chị lúc nào cũng duy trì từ 30 con lợn trở lên và gần 100 con gà. Chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi, gia đình chị thu khoảng 40 triệu đồng/năm.
Chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được, chị tiếp tục phát triển kinh tế gia đình bằng cách tham gia mô hình “Bò nái sinh sản” (sau 5 năm triển khai, đổi tên mô hình thành “Ngân hàng bò nái sinh sản”) của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phổ Yên triển khai. Năm 2008, chị được nhận 1 con bò từ “Ngân hàng bò nái sinh sản” về nuôi. Để bò phát triển tốt, chị luôn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đã được hướng dẫn như: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông; tiêm phòng cho bò và bê theo định kỳ; cho bò ăn cỏ tươi, sạch đất, cát và bổ sung thức ăn ngoài để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Sau khi giao trả con bò cho Hội, đến nay gia đình chị đã có 1 con bò mẹ và 1 con bê khỏe mạnh. Không chỉ chịu khó chăn nuôi, những lúc nông nhàn, vợ chồng chị Tuyết còn đi gánh gạch, đổ bê tông thuê để có thêm thu nhập. Gia đình chị đã thực sự thoát nghèo nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã và từ chính những nỗ lực của bản thân. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình chị được gần 100 triệu đồng.
Chị Đỗ Thị Tân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Phái nhận xét: Chị Tuyết là một tấm gương sáng về phát triển kinh tế gia đình trong số các hội viên. Không chỉ cần cù, chăm chỉ làm ăn để làm giàu cho gia đình mình, chị còn thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để góp phần giúp đỡ các hộ nghèo khác cùng phát triển kinh tế. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều hội viên phụ nữ năng động như chị Tuyết để góp phần làm giàu cho kinh tế xã nhà.