Trong một chuyến công tác tại xã Vô Tranh (Phú Lương), chúng tôi thấy ấn tượng với một ngôi nhà ngay mặt đường thuộc xóm Trung Thành. Ngôi nhà đơn giản cũ kỹ, nhưng nổi bật lên là chiếc cổng được xây kiên cố, phía trên cổng và 2 bên được trang trí hoa văn tỉ mỉ và đề dòng chữ: “Sống, chiến đấu, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại”…
Sau lần đó, tôi tự nhủ sẽ sớm trở lại để gặp chủ nhân của ngôi nhà này. Vừa tới cổng, chúng tôi đã gặp ngay cô giáo Đinh Thị Hương - chủ nhân của ngôi nhà vừa đi dạy học về. Mở cổng mời chúng tôi vào nhà, cô Hương tự giới thiệu là giáo viên Trường Tiểu học Vô Tranh 1, chồng cô tên là Lương Quốc Chấn, một bệnh binh và là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam. Chiếc cổng này là ý tưởng của ông Chấn, ông bảo: Dòng chữ trên cổng là để nhắc nhở, răn dạy con cháu trong gia đình luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Học Bác phải học từ cái nhỏ nhất như: lời nói, cử chỉ, thói quen đến phấn đấu trong học tập, làm việc… Bản thân ông Chấn cũng đã không ngừng học tập và làm theo gương Bác và cũng để làm gương cho các con.
Ông Chấn trước là bộ đội đóng quân ở Sư đoàn 367 Quân chủng Phòng không. Một thời trai trẻ cống hiến cho đất nước, ông đã cùng với đồng đội giành được nhiều chiến thắng, bắn rơi nhiều chiếc máy bay của địch, trong đó có chiếc B52 của giặc góp phần làm nên thắng lợi của quân, dân ta. Năm 1989, ông xuất ngũ do bị bệnh về phổi, bệnh khớp, đau dây thần kinh, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn luôn sôi nổi tham gia công tác xã hội và năm 1991 ông được bầu làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh (CCB) xã kiêm Bí thư Chi bộ Hợp tác xã nông, công nghiệp Trung Thành. Lúc đó, cuộc sống bà con địa phương cũng như các hội viên, đảng viên còn nhiều khó khăn, ông đã đến tuyên truyền, vận động các hội viên tích cực sản xuất, tăng gia phát triển kinh tế gia đình. Ông thường đi đến các mô hình phát triển kinh tế hoặc gặp những người có chuyên môn về chăn nuôi, trồng trọt để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất về phổ biến cho mọi người. Do đó, các hội viên đã có ý thức hơn trong việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình, đời sống đã được ổn định hơn.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, Hội CCB xã lúc đó luôn dẫn đầu trong mọi hoạt động, mọi phong trào mà Trung ương Hội, Tỉnh hội, Huyện hội phát động. Đến năm 1994, do sức khỏe yếu, thường xuyên phải nhập viện nên ông đã nghỉ làm Chủ tịch Hội CCB, mặc dù vậy ông vẫn chưa chịu ngồi yên mà vẫn cần mẫn trên từng thửa ruộng, từng đồi chè để giúp vợ san bớt gánh nặng cuộc sống.
Cả cuộc đời vất vả, nếm trải nhiều gian truân khổ cực, có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời ông là có một người vợ hiền lành, tốt bụng, tần tảo vì chồng, vì con và sinh hạ cho ông 2 cô con gái dễ thương. Năm 1981 sau khi học xong 10+2, cô Hương đã xung phong đi dạy ở vùng cao tại xã Bình Văn (nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Chỉ sau 1 năm công tác, cô đã khẳng định được năng lực, sự nhiệt huyết với nghề của mình và được phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đều chuyển về Trường Tiểu học Vô Tranh 1 giảng dạy và kiêm cả làm tổng phụ trách. Sau đó, cô được nhà trường cử đi học đại học nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng đau ốm liên miên, 2 con còn tuổi ăn, tuổi học nên không có điều kiện đi học.
Theo cô thì, không được học ở trường thì học qua sách vở, đồng nghiệp cũng là một kênh để nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn. Từ suy nghĩ đó, trong quá trình công tác cô luôn tích cực học hỏi qua đồng nghiệp, sách báo… Qua đó, trong quá trình công tác, cô luôn là một tổng phụ trách xuất sắc, một giáo viên dạy giỏi nhiều năm. Không chỉ là giáo viên giỏi, cô còn như một người mẹ hiền luôn quan tâm chăm lo cho học sinh. Dưới sự dạy dỗ của cô, bao lứa học trò đã lớn khôn, trở thành người có ích cho xã hội. Cô Hương tâm sự: Đến nay, những học sinh của tôi nhiều em đã học xong đại học, đóng góp sức lực và trí tuệ cho xã hội, đây là niềm hạnh phúc nhất của một người thày. Thỉnh thoảng những lứa học trò về thăm, ôn lại những kỷ niệm cũ tôi lại thấy mình lòng dâng niềm hạnh phúc, lại thấy cần phải phấn đấu hơn.
Bố và mẹ là tấm gương sáng để 2 cô con gái noi theo, dưới sự dạy dỗ của bố mẹ, 2 chị em Lương Thu Hường, Lương Thu Hướng luôn chăm ngoan, học giỏi. Bà con quanh vùng nói đến chị em Hường, Hướng cũng đều khen ngợi hết lời không những lễ phép, chăm ngoan, suốt những năm học phổ thông Hường và Hướng đều là những học sinh tiêu biểu, đặc biệt Hướng còn đoạt giải Nhì, giải Ba môn toán trong những lần tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Hiện con gái lớn đã học xong đại học và làm giáo viên ở Trường THCS Phú Đô, còn con gái út của cô hiện đang học Đại học Thái Nguyên ngành Công nghệ thông tin.