Chung lòng xây dựng cuộc sống ấm no

08:26, 28/05/2011

Xã Bản Ngoại (Đại Từ) tự hào là nơi Bác đã từng sống và làm việc vào tháng 9-1954 tại khu vực đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mu trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tuy chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng hình ảnh về Bác luôn in đậm trong tâm khảm những người dân nơi đây. Học tập và làm theo tấm gương Bác, Đảng bộ và nhân dân xã Bản Ngoại luôn đoàn kết, chung lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc...  

 

Tìm vào Di tích lịch sử Quốc gia đồi Thành Trúc, trước mắt chúng tôi là khu đồi núi trập trùng, nơi giáp ranh giữa xã Bản Ngoại và 2 xã Hoàng Nông, La Bằng. Thời kỳ kháng chiến, trong con mắt của những nhà quân sự thì địa thế nơi đây rất thuận tiện, từ đây có thể đi sang Tuyên Quang, hay vượt dãy Tam Đảo sang đất Vĩnh Phúc, hoặc di chuyển lên khu ATK Định Hoá dễ dàng. Theo lời kể của người dân địa phương, khoảng tháng 9-1954, tại khu Đồi Thành Trúc có một chiếc nhà sàn nhỏ được dựng lên, nhà quay theo hướng Tây Nam, trước cửa là con suối Khâu Giang chảy qua. Ngôi nhà sàn nhỏ nằm lưng chừng đồi, phía đỉnh đồi là vọng gác cao bằng gỗ. Tại đây thường có một cụ già ở và làm việc, mãi sau này người dân địa phương mới được biết đó chính là vị cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian hoạt động bí mật ở đây, Bác thường đội mũ cói, đi dép cao su, vai đeo túi dết, mặc bộ đồ màu nâu, thỉnh thoảng gặp người dân thì Bác ân cần hỏi thăm về tình hình đời sống, tăng gia, sản xuất…

 

Tự hào là nơi Bác đã dừng chân, chọn là nơi làm việc, nhân dân xã Bản Ngoại đã đoàn kết, chung lòng vượt qua nhiều khó khăn để từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bước đột phá của Đảng bộ xã Bản Ngoại từ năm 2005 đến nay là tập trung thực hiện Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác để từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Trong đó, Đảng bộ tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước đưa những giống cây mới vào sản xuất, thay thế những giống cũ đã thoái hóa. Một trong những loại cây được người dân nơi đây tích cực đưa vào trồng cho hiệu quả kinh tế cao là cây củ đậu. Ông Vũ Văn Thung, xóm Khâu Giáo 1 cho biết: Nông dân trong xóm đưa cây củ đậu vào trồng từ năm 2005 với quy mô khoảng 1-2 ha. Sau 4 tháng trồng, chăm sóc, cây củ đậu cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, một số xóm lân cận cũng đưa cây củ đậu vào trồng, hiện nay nông dân đã đưa vào trồng trên địa bàn xã khoảng gần 40 ha, năng suất trung bình đạt 49 tấn/ha. Với giá bán lẻ dao động từ 3 nghìn đồng đến 5 nghìn đồng/kg thì nông dân thu nhập đạt trên 60 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Một năm nông dân có thể trồng 2 vụ củ đậu vào vụ xuân và vụ hè thu... Cây củ đậu đã giúp cho nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, nhiều hộ có điều kiện làm nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

 

Còn một bộ phận nông dân xóm Rừng Lâm, La Dạ, Khâu Giang lại mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng dưa các loại. Anh Nguyễn Văn Quân, xóm Khâu Giang cho biết: Ngoài trồng 4 sào lúa lai, gia đình tôi còn trồng thêm 3 sào dưa chuột. Cây dưa chuột phù hợp với chân ruộng đất thịt, đặc biệt là đất pha cát sẽ cho dưa giòn hơn. Sau 70 ngày trồng, chăm sóc, cây dưa chuột cho năng suất từ 7-8 tạ/sào, thu nhập đạt trên 4 triệu đồng/sào, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Nói về hiệu quả kinh tế cao, gần đây người dân Bản Ngoại hay nhắc đến mô hình trồng dưa hấu của gia đình ông Mai Công Vượng, xóm Ba Giăng. Với 14 sào dưa hấu, ông Vượng trồng duy trì 3 năm nay luôn cho năng suất đạt khoảng 1 tấn/sào, thu nhập đạt 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/sào. Với các công thức luân canh: lúa - củ đậu - cây vụ đông; dưa hấu - lúa - cây vụ đông; củ đậu - lúa - cây vụ đông... đã giúp người nông dân một số xóm đạt thu nhập từ 170 triệu đồng đến trên 200 triệu đồng/ha/năm...

 

Có thể nói, nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hiện nay, xã Bản Ngoại đã hình thành được những vùng chuyên canh cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là vùng chuyên canh sản xuất cà chua ở xóm Phố, Ninh Giang, Khâu Giang, Quang Trung; vùng chuyên canh dưa hấu tại các xóm Rừng Lâm, xóm Phố, La Dạ; vùng chuyên canh củ đậu tại Khâu Giáo 1, Khâu Giáo 2; vùng chuyên canh khoai tây tại Ninh Giang, Ba Giăng... Tại những vùng chuyên canh này, nông dân gắn bó với đồng ruộng do sản xuất thuận lợi, tưới tiêu chủ động, dịch vụ cung cấp vật tư, giống, phân bón phục vụ tận nơi, sản phẩm làm ra lại được tư thương tìm đến tận ruộng thu mua. Theo ước tính, các vùng chuyên canh hiện cho giá trị thu nhập đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm trở lên, tăng hơn 30 triệu đồng/ha so với năm 2005; góp phần nâng hệ số sử dụng đất từ 2 lần/năm (năm 2005) lên gần 3 lần/năm như hiện nay. Từ đó, đời sống nông dân nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt trên 5 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2006. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 47%, đến năm 2010 giảm xuống còn dưới 25%...

 

Đồng chí Nguyễn Văn Quý, Bí thư Đảng uỷ xã Bản Ngoại cho biết: Trong thời gian tới, địa phương dự kiến sẽ quy hoạch vùng sản xuất mang tính chất hàng hóa như dưa hấu, cà chua, khoai tây, củ đậu, đồng thời đưa thêm một số cây như: dưa bở, dưa lê vào trồng. Tuy nhiên, để mở rộng vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, người dân Bản Ngoại rất cần Nhà nước quan tâm tiếp tục trợ giá giống, vật tư phân bón các loại; đầu tư kinh phí cho tập huấn khoa học kỹ thuật, mua sắm công cụ sản xuất; có kế hoạch tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm cho người dân; xây dựng thêm một số mô hình sản xuất giống và cây trồng có hiệu quả kinh tế cao…