Cô giáo của bản Lân Quan

09:52, 11/05/2011

Hay cười, hay nói, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn đó là cảm nhận đầu tiên của mọi người về cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ người đã có thâm niên công tác tại Phân trường Lân Quan, Trường Tiểu học Sa Lung thuộc xã vùng cao đặc biệt khó khăn xã Tân Long (Đồng Hỷ).

 

Sinh ra và lớn lên tại xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ), tốt nghiệp Trường Sư phạm Bắc Kạn 7+2 năm 1980, cô được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Sa Lung. Ở đây, nhà trường phân công cô dạy học tại Phân trường lẻ thuộc bản Lân Quan (bản nằm ở vùng sâu, xa nhất của xã, có 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông). Cô Thuỷ tâm sự: Những ngày tháng đầu tiên công tác tại đây cô thấy rất buồn. Cả phân trường chỉ có hai chị em (cô và một cô giáo nữa) thay nhau phụ trách cả 5 lớp học, hết giờ lên lớp về lại ngồi khóc, nhưng thương lũ học trò cô đã cố gắng vượt qua. Cuộc sống, công việc cứ thế trôi đi cùng năm tháng và lũ trẻ ngây ngô. Chuyện vợ chồng có lẽ cũng là duyên số, cô đem lòng yêu một chàng trai người địa phương, xây dựng gia đình và cô đã định cư ở đó cho đến nay.

 

Sau khi sinh đứa con thứ nhất, vì cuộc sống vất vả, cô ốm thập tử nhất sinh. Nhiều lúc cô đã nghĩ đến bỏ nghề, bỏ trốn khỏi nơi này. Nhưng vì chồng con, vì học trò thân yêu, vì bản Lân Quan nghèo đói này đã giữ cô ở lại. Tập trung vào công việc với tất cả tâm huyết và tình yêu thương con trẻ, ngày ngày cô đến trường miệt mài với học sinh, gieo cái chữ cho núi rừng, tối đến lại cặm cụi bên trang giáo án, mỗi năm thành tích trong sự nghiệp gieo chữ, trồng người của cô lại càng dày thêm. Đã có nhiều học sinh người Mông của cô học lên ở các cấp học cao hơn, nhiều em được đi học trường dân tộc nội trú, Trường Thiếu sinh quân, có em đã trở thành bộ đội, công an, giáo viên. Nhiều năm liên tục cô được Nhà trường và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, Phụ nữ hai giỏi, đoàn viên công đoàn xuất sắc… Hình ảnh và cái tên cô giáo Thuỷ đã gắn chặt và trở nên thân thương với người dân ở bản Lân Quan này.

 

Có một điều đáng nói về cô giáo Thuỷ hơn thế nữa là từ năm 2000, kinh tế gia đình cô không mấy khá giả nhưng cô đã tình nguyện nhận nuôi thêm một  ông già bị bệnh thần kinh không nơi nương tựa. Ông Lạc (người cô Thuỷ nhận nuôi) xuất hiện ở Sa Lung từ bao giờ, từ đâu đến không ai để ý, mà đến bản thân ông cũng không biết. Ông đi lang thang làm thuê để xin cơm ăn. Ông không biết tiêu tiền vì không biết chữ và mất trí nhớ, suốt ngày chỉ nói lảm nhảm. Khi ông già yếu, ốm đau, không ai thuê và cho cơm ăn nữa thì cô Thuỷ đã tình nguyện đưa ông Lạc về nuôi và làm cho ông một cái chòi ngay sát nhà mình, cứ đến bữa lại mang cơm cho ông Lạc ăn. Mọi người ái ngại khuyên cô để cho ông Lạc đi đâu thì đi, nhưng cô nói: Nếu để như vậy ông sẽ chết đói hoặc chết rét, mình cứu một con người, làm một việc tốt cụ thể bằng cả đời mình chỉ nói cho mọi người nghe bằng lý thuyết. Thế mà đã trải qua 11 năm, ông Lạc giờ đây đã già lắm rồi không còn lao động được nữa nhưng cô Thuỷ vẫn tận tình chăm sóc.

 

Tôi đến thăm cô Thuỷ vào một ngày thứ 7, vẫn căn nhà sàn nằm nép mình bên dãy núi đá vôi cao sừng sững giữa cái ngút ngàn của núi rừng, vẫn những cảnh vật khá quen thuộc đối với tôi, bởi trước đây tôi cũng đã có một số năm công tác cùng cô Thuỷ. Không có ai ở nhà chỉ có mình ông Lạc đang ngồi bên đống lửa trong chòi. Mọi người dân cạnh đó cho biết cô Thuỷ dạo này hay ốm, hôm nay hai vợ chồng cô phải đi lấy thuốc tận Vĩnh Phúc, bọn trẻ con đứa thì đi học, đứa thì đi làm. Tôi quay xe để đến thăm một số người bạn khác mà trong lòng vẫn đang hình dung về một cô giáo Thuỷ nhỏ bé, hay ốm đau mà đầy nghị lực, giỏi việc trường, đảm việc nhà cùng với tấm lòng bao dung độ lượng, yêu thương và luôn nghĩ về người khác, sẵn sàng hy sinh cho mọi người, phải chăng đó là phương châm sống của cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ!