“Thương hiệu” của một trạm y tế xã

08:22, 30/05/2011

Trạm Y tế xã Minh Đức (Phổ Yên) mới được công nhân đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Trong thang điểm 100 của 10 tiêu chí chuẩn, Trạm đã đạt được 92,8 điểm (trong khi quy định số điểm đạt chuẩn y tế cho một xã miền núi là 85).

 

Bác sĩ Hoàng Trọng Ba, Trạm trưởng cho chúng tôi biết, trước năm 2010, cả Trạm chỉ có 4 phòng chức năng là nhà cấp bốn chật chội. Tháng 4-2010, Trạm mới bắt đầu được đầu tư theo hướng lên chuẩn. Quá trình đầu tư đã cơ bản hoàn tất, Trạm hiện có 10 phòng chức năng khang trang, rộng rãi. Đội ngũ y, bác sĩ của Trạm có 6 người, trong đó có một bác sỹ (Trạm trưởng), một nữ hộ sinh, bốn cán bộ lại đều có trình độ trung cấp. Điều này là một trong những thuận lợi để Trạm làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng.

 

Trong nhiều năm gần đây, Trạm Y tế xã Minh Đức đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác chuyên môn: Số lượt khám, chữa bệnh tại Trạm luôn đạt trên 1,0 lượt/người/năm (năm 2010 vừa qua đạt 1,52 lượt/người/năm); tỷ lệ đỡ đẻ tại Trạm luôn được duy trì trên 40%, riêng năm 2007 đạt tới 70% (trong khi đó, tỷ lệ chung của các trạm y tế toàn huyện Phổ Yên là 7% ). Năm 2010, Trạm đã đỡ đẻ cho 80/144 ca, đạt 55,5%, bốn tháng đầu năm 2011 là 24/39 ca, đạt 61,5%. Trạm cũng thực hiện thành công những ca khó như tháo đốt đóng mỏm cụt… Các kết quả khác trong hoạt động chuyên môn của Trạm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Với những thành tích đó, liên tục từ năm 2010 đến nay, Trạm Y tế xã Minh Đức đều đạt danh hiệu Tập thể Lao động giỏi cấp cơ sở, được Sở Y tế tặng nhiều Giấy khen. Cá nhân Trạm trưởng, bác sĩ Hoàng Trọng Ba cũng liên tục trong hơn 10 năm được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp ngành, hai lần vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vào các năm 2005 và 2009 vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyên môn. Nhưng, điều quan trọng hơn mà cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Minh Đức nhận được là sự tín nhiệm của nhân dân trong và ngoài xã về chuyên môn và y đức.

 

Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với một số bệnh nhân và người nhà của họ đã và đang khám, chữa bệnh tại Trạm. Chị Nguyễn Thi Luyến ở xóm Thống Thượng, xã Minh Đức nói: Mỗi khi con tôi có bệnh, tôi đều đưa cháu đến Trạm bởi tôi rất yên tâm tin tưởng các y, bác sỹ không những về chuyên môn mà thái độ phục vụ còn rất chu đáo, ân cần, tận tâm, trách nhiệm với bệnh nhân. Họ luôn thông cảm và chia sẻ với chúng tôi, giải thích rõ ràng tình trạng bệnh để bệnh nhân yên tâm điều trị, họ coi chúng tôi như người nhà mình vậy. Anh Nguyễn Văn Kính, ở xóm Thuận Đức 4, Thị trấn Bắc Sơn có con nhỏ cũng nhiều lần đưa đến khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp cho biết: Người dân trong vùng khi có vấn đề về sức khỏe đều đến Trạm và cảm thấy rất yên tâm, hài lòng, đặc biệt là được bác sĩ Ba trưc tiếp thăm khám, điều trị… Được biết, Trạm Y tế xã Minh Đức hằng năm còn thu hút khá đông bệnh nhân các xã lân cận đến khám, chữa bệnh (mỗi năm, có khoảng trên 20 ca đẻ tại Trạm là người ngoài xã). Có nhiều bệnh nhân hoặc sản phụ dù đã được tư vấn chuyển tuyến trên nhưng vẫn quyết định ở lại Trạm do yên tâm về chuyên môn và thái độ phục vụ của các y, bác sĩ ở đây.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bác sĩ Hoàng Trọng Ba là người dân tộc Sán Dìu, sinh ra và lớn lên tại xã. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp y tế Bắc Thái, anh về công tác tại Trạm từ đó đến nay, được bổ nhiệm làm Trạm trưởng từ năm 1989. Năm 2010, anh đã tốt nghiệp hệ chuyên tu bác sĩ đa khoa, định hướng sản - nhi tại Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Hơn 20 năm trong nghề, anh đã gặp và xử lý thành công nhiều ca phức tạp. Đầu năm 2011, anh đã vinh dự được đại diện cho 25 trạm y tế cấp xã của tỉnh đang thực hành Dự án “Trạm y tế tình chị em” tham gia báo cáo tham luận tại Thành phố Huế.

 

Với khuôn mặt phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, thái độ khiêm tốn, Trạm trưởng Hoàng Trọng Ba tâm sự với chúng tôi: Người dân quanh vùng này còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, ốm đau đối với họ là một gánh nặng. Hiểu được điều đó, chúng tôi đã thực hiện phương châm “Hiệu quả và giảm tối đa chi phí cho bệnh nhân” bằng cách : Cố gắng trong mọi khả năng để hạn chế cho họ phải chuyển viện, kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân, không gây tốn kém cho người bệnh. Trong công tác quản lý thai sản, chúng tôi đã tập trung khám tiên lượng và tư vấn chỗ đẻ an toàn cho sản phụ, xác định những ca đặc biệt mới chuyển tuyến trên. Tâm lý bệnh nhân và người nhà họ đều muốn nhanh khỏi bệnh, lại ít tốn kém, họ thực sự không muốn phải nhập viện tuyến trên. Điều đó làm chúng tôi trăn trở và là động lực cho chúng tôi không ngừng nâng cao chuyên môn và y đức.