Từ một Tổ trưởng Tổ hợp vệ sinh môi trường, đến Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh Môi trường, trong thời gian 15 năm gắn bó với nghề, anh phải mang tiền nhà ra để duy trì hoạt động của đơn vị. Anh là Trần Xuân Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ bây giờ. Anh đến với nghề quét rác như một duyên phận. Nói đúng hơn, với anh đó còn là một bổn phận.
- Nếu được lựa chọn lại cho mình một nghề, tôi vẫn chọn nghề quét rác… Anh Trần Xuân Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Anh đến với nghề quét rác như một duyên phận. Nói đúng hơn, với anh đó còn là một bổn phận. Bạn bè bảo: Số anh khổ, thiếu gì nghề mà cứ phải xông vào chỗ đầy ruồi muỗi… Là nói thế thôi, thấy anh làm việc hết mình cho một môi trường sống sạch, đẹp, bạn bè ai cũng cảm phục tinh thần lao động của anh, gọi anh là Giám đốc quét rác.
Từng là một sĩ quan hậu cần trong Quân đội; từng đến bãi vàng Ma Nu (Cao Bằng) tìm vận may… rồi trở về tổ 17, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) cùng vợ con mở cửa hàng buôn bán. Bấy giờ, năm 1998, tư thương buôn bán trong chợ Chùa Hang và cư dân thị trấn hằng ngày bỏ rác ra chợ, ra đường, cứ 3 ngày UBND thị trấn lại thuê người dọn dẹp. Sau thấy không dọn xuể, lãnh đạo thị trấn đã mời anh đến động viên, giao cho anh cùng 7 cựu chiến binh ở thị trấn đảm nhiệm công tác dọn dẹp chợ và các trục đường chính trên đia bàn. Tổ hợp Vệ sinh môi trường Cựu chiến binh ra đời, với chổi, xẻng… bắt đầu từ 6 giờ tối cho đến khi dọn sạch sẽ các tuyến đường quy định mới nghỉ. Tuy công việc… chẳng phải của nhà mình, nhưng các cựu chiến binh tham gia Tổ hợp đã làm việc kiên trì, với mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/tháng.
Cùng thời gian, rác thải sinh hoạt cũng ngày một nhiều hơn, anh Ninh đã thống nhất với các thành viên trong Tổ hợp, đồng thời xin ý kiến lãnh đạo thị trấn được thành lập hợp tác xã (HTX) Môi trường, lấy nguồn thu từ việc thu phí dọn vệ sinh để chi trả lương cho người lao động. Ngày thành lập, tháng 1-2000, HTX có 11 xã viên, địa bàn hoạt đọng nhỏ, với gần 1.000 nhân khẩu, 10 cơ quan và chợ thị trấn tham gia đóng góp lệ phí vệ sinh cho HTX. Mức đóng góp mỗi tháng 2.000 đồng/nhân khẩu; từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng/cơ quan, riêng chợ có lệ phí cao hơn, 450.000 đồng/tháng. Ngay khi thành lập, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho HTX 10 xe đẩy rác và cấp phát bảo hộ lao động 1 lần cho xã viên.
Để công việc thu gom, vận chuyển rác thải nhanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, năm 2003 anh quyết định đầu tư mua chiếc xe ô tô zin, với số tiền 120 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng anh thế chấp nhà để vay vốn Ngân hàng và 20 triệu đồng vay của vợ. Anh tâm sự: Trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2007, tôi 5 lần mua xe zin, 1 lần mua xe đặc chủng vận chuyển rác, nhưng toàn mua lại xe cũ, dùng được một thời gian là… thành phế liệu, bán rẻ cho các cơ sở thu gom sắt thép phế hoặc các cơ sở đại tu xe cơ giới. Nguồn thu của HTX thấp, lương người lao động chỉ được từ 1 đến 2 trăm nghìn đồng/người/tháng. Riêng tôi… lương không đủ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phải xin thêm của vợ để đóng cho đủ theo quy định.
Kể từ khi "dấn thân" vào nghề vệ sinh môi trường, đến hết năm 2007, ở vị trí của người phụ trách đơn vị, anh đã 2 lần thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, vay thêm của bạn bè hàng chục triệu đồng để lấy tiền mua sắm ô tô, mua sắm dụng cụ lao động, bảo hộ lao động, và cả tiền để trả lương cho xã viên. Nay nợ vẫn… ngập đầu, song anh vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, những mong một ngày mai những người lao động trong Công ty có đồng lương đủ sống, mọi người không phải bươn trải, nhặt nhạnh phế liệu bán. Năm 2007 anh quyết định thành lập Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh Môi trường, với 33 lao động, chủ yếu là người địa phương. Lên Công ty, nhưng lương thấp, đến năm 2009 lao động của Công ty bỏ đi 9 người. Trong khó khăn, Dự án Tây Ban Nha đã thông qua huyện Đồng Hỷ hỗ trợ cho Công ty 154 triệu đồng để mua dụng cụ, thiết bị cho môi trường và truyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Trong Dự án này, Công ty đã cấp phát tới các hộ dân 1,2 tấn túi ni lông đựng rác thải sinh hoạt, mua mới 25 xe đẩy rác và hơn 30 thùng đựng rác. Tháng 6-2010, Công ty lại được tỉnh giúp đỡ, cấp cho 1 xe chuyên dụng chở rác mới. Anh cho biết: Tôi còn nhớ hôm nhận xe, mọi người trong Công ty đã đứng ngắm nghía chiếc xe, mừng vì từ nay xe chuyển rác của Công ty không để nước từ rác thải phân huỷ chảy ra mặt đường.
…Sáng nào cũng thế, anh đi xe máy lòng vòng trên các trục đường Thanh Niên, Núi Voi, Linh Nham… để kiểm tra, đôn đốc người lao động làm tốt nhiệm vụ của mình. Anh cho biết: Đó là những đoạn đường do Công ty phụ trách làm vệ sinh, cộng lại có trên 10 km… Giây lát dừng lời, anh cho chúng tôi biết thêm: Hiện đã có 22 cơ quan, 1 chợ và hơn 5.000 nhân khẩu tham gia đóng phí vệ sinh môi trường với Công ty, tổng thu của Công ty đạt hơn 30 triệu đồng/tháng. Lương người lao động hiện nay tăng lên 1,2 triệu đồng/người/tháng. Công ty đã có đối tác mới là Tập đoàn Tài chính châu Á và Tập đoàn Tài chính Phú Lộc Sài Gòn đến làm các thủ tục hợp tác. Họ sẽ cùng chúng tôi xây dựng nhà máy chế biến rác thải Đồng Hỷ. Hàng trăm lao động sẽ có việc làm, và từ rác thải chúng tôi sẽ chế biến thành nhựa tái chế, phân vi sinh tổng hợp.