Gặp gỡ tác giả “Núi ấm tình Người”

10:25, 04/06/2011

“Tôi không có may mắn được gặp Bác lúc Người còn sống, nhưng qua sách báo, phim ảnh và những câu chuyện, lời kể về Bác, tôi thấy Bác luôn ở bên mình… Hình ảnh vị lãnh tụ với tầm tư tưởng vĩ đại, tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời đã thúc đẩy tôi mạnh dạn cầm bút viết về Người để bày tỏ cảm nghĩ, lòng biết ơn và kính phục về Bác Hồ kính yêu”.

 

Đó là tâm sự của nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Long, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, người đã vinh dự được nhận giải thưởng của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Tung ương trong Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tấm tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010. Tác phẩm mà nhà thơ Nguyễn Long được vinh danh là tập thơ “Núi ấm tình Người”, gồm 50 bài thể hiện những cảm nghĩ của tác giả về đạo đức Hồ Chí Minh.

           

Tiếp chuyện chúng tôi, nhà thơ Nguyễn Long không khỏi bồi hồi kể về những kỷ niệm, những khởi nguồn cảm xúc để kết thành các ý thơ làm nên tập “Núi ấm tình Người”. Đã gần 40 năm trôi qua, kỷ niệm đầu tiên viết về Bác vẫn in đậm trong tâm trí tác giả. Theo lời ông kể: “Một đêm cuối hè năm 1972, chúng tôi hành quân tới Nam Hòa, cách Kim Liên quê Bác không xa. Đã quá khuya, nhiều người trong tiểu đội không ngủ, tranh thủ băng đồng về thăm nhà Bác để “rèn thêm lửa sáng niềm tin”. Tôi đã viết các bài “Trên đường ra trận”, “Theo ý chí Người”, “Con về nơi Bác ra đi”… Đó là những khởi đầu cho tập thơ Núi ấm tình Người của tôi”.

 

Từ ngày đó, nếu điều kiện cho phép, nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Long thường hành hương theo những nẻo đường Bác đã từng đi qua trên mảnh đất quê nhà để gặp gỡ thiên nhiên và con người, để mường tượng ra hình bóng Bác ngày nào, những mong thể hiện ý thơ về Người. Từ đất mũi Cà Mau, Thái Bình quê lúa đến mảnh đất Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên... ở đâu tác giả cũng bắt gặp những tấm lòng người dân luôn khắc sâu hình ảnh Bác Hồ kính yêu. Và cứ mỗi lần được đến thăm các địa danh, những nơi từng in dấu chân Bác như: Pác Bó, Khuổi Nậm, Nà Tu, Đèo De, Phú Đình, đảo Cô Tô… Đất và người, quá khứ và hiện tại đã gợi mở, chắp cánh cho nhiều bài thơ trong tập “Núi ấm tình Người”.

 

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là dịp tốt để nhà thơ có thêm các nguồn tài liệu, có thêm thời gian chiêm nghiệm về những vấn đề tâm đắc bấy lâu nay. Nhiều câu chuyện hay và sinh động về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lưu truyền trong nhân dân hoặc kể trên sách báo đã được Nguyễn Long kể lại bằng thơ (chủ yếu là thể thơ thất ngôn tứ tuyệt). Mỗi câu chuyện là một bài học xúc động và thấm thía về tấm gương đạo đức của Bác (như: Xưng hô, Lòng dân, Hỏi, Nhiệm vụ, Tình thương, Đôi dép, Tiết kiệm…). Và sau mỗi câu chuyện “kể”, tác giả thường rút ra bài học bổ ích, sự chiêm nghiệm sâu sắc về lối sống, về đạo đức của nhân thế. Có thể đó là ý thức tự học, tự rèn luyện, sự khiêm tốn, thực hành tiết kiệm hay những bài thể hiện sự nỗ lực của mọi người, mọi ngành trong việc “làm theo lời Bác” (như: Biển học, Trong bệnh viện, Mở đường…). Nhiều bài đã in trên các tạp chí, sách báo để tuyên truyền rộng rãi đến trong nhân dân, đặc biệt là trên những tờ báo địa phương thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc.

 

Đối với nhà giáo Nguyễn Long, tấm gương đạo đức của Bác luôn là động lực để ông học tập, rèn luyện, phấn đấu và noi theo. Ông từng là người lính trên chiến trường Khu V; là chuyên gia giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Phnôm Pênh (Căm Pu Chia), là giảng viên chính dạy văn học Việt Nam hiện đại, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn. Bên cạnh đó, ông còn là nhà thơ (đã xuất bản 7 tập thơ) và là cây bút viết phê bình văn học (đã in 4 tập, trong đó có 3 tập in chung). Ở cương vị nào (người lính - nhà giáo - nhà thơ), ông cũng thành công. Điều đó được minh chứng bằng tấm Huy chương Chiến sĩ giải phóng (1975); Huân chương Kháng chiến (1985): Huân chương Hữu nghị (1989); Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục (2001); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2002); Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật (2005)…

 

Gia đình nhà giáo Nguyễn Long cũng luôn nêu cao tinh thần học tập và làm theo lời Bác, nhất là trên lĩnh vực học tập nâng cao trình độ để phục vụ chuyên môn giảng dạy và trong nghiên cứu khoa học. Bạn đời của nhà giáo Nguyễn Long là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Đào Thị Vân. Con gái đầu là Tiến sĩ Lý luận Ngôn ngữ Nguyễn Tú Quyên. Cả hai đều giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên. Con gái út là Thạc sĩ văn chương Nguyễn Diệu Linh cũng đang làm nghiên cứu sinh, giảng dạy ở Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên. Gia đình có sáu người (cả hai con rể) đều là đảng viên.

 

“Núi ấm tình Người” là tập thơ hướng về đối tượng thẩm mĩ duy nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó thể hiện cảm xúc, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của tác giả đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc.