“Tôi hiến đất xây nhà văn hóa chỉ mong người dân trong xóm có nơi tập trung sinh hoạt, mỗi tối tôi được nghe thấy tiếng cười đùa của các cháu thiếu nhi...”. Đó là những lời tâm sự rất mộc mạc của bà Tạ Thị Lộ, 80 tuổi, ở tổ dân phố 22, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) với chúng tôi. Noi gương gia đình bà Lộ, vợ chồng ông Trần Quang Đảo cũng hiến 14m2 đất trồng màu của gia đình để thêm vào mảnh đất của bà Lộ cho vuông vắn...
Tuy đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng điều chúng tôi cảm nhận khi gặp bà Lộ là sự tinh anh, gương mặt phúc hậu và lối nói chuyện thật thà, cởi mở của người thôn quê. Qua câu chuyện với bà, chúng tôi được biết năm 1963, gia đình bà chuyển từ huyện Phổ Yên lên thị trấn Chùa Hang để khai hoang. Cuộc sống lúc đó gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ có sức khỏe, lại chăm chỉ làm ăn nên gia đình bà cũng từng bước ổn định được cuộc sống. Đến năm 1987, chồng bà đột ngột qua đời, một mình bà lại tần tảo nuôi 4 người con khôn lớn. Khi các con đến tuổi lập gia đình, bà chia cho mỗi người một phần đất làm của hồi môn và cho các con ra ở riêng, bà chỉ giữ lại cho mình ngôi nhà mà ông bà đã gây dựng nên và phần ruộng trũng trước đây của gia đình để an dưỡng tuổi già.
Tham gia các buổi họp ở khu dân cư, điều khiến bà trăn trở nhiều nhất là đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong khu phố còn bị hạn chế, mọi người không có địa điểm để vui chơi, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm sản xuất... Mỗi lần tổ chức họp dân, bà con lại phải mượn hội trường của Mỏ đá Núi Voi hoặc tập trung vào một nhà nào đó để sinh hoạt nhanh. Cũng chính vì thế mà nhiều hoạt động chưa được triển khai sâu rộng đến người dân, sự gắn kết tình làng nghĩa xóm cũng chưa được bền chặt. Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định họp gia đình, bàn với các con hiến cho tổ dân phố phần đất rộng 180m2 mà bà giữ lại dành cho tuổi già để xây dựng nhà văn hóa. Bà phân tích cho các con hiểu đây là tâm nguyện của bà, là món quà mà bà muốn để lại cho con cháu trong nhà và bà con trong khu phố, để sau này mọi người không còn phải lo chỗ ngồi chật chội mỗi khi đi họp và sẽ luôn nhớ đến bà. Nghe bà nói, các con bà không những không phản đối mà còn bàn nhau đóng góp gần 100 triệu đồng để xây kè đá, đổ thêm đất vào để nâng chỗ đất trũng lên cho bằng với đường đi. Riêng anh Chương Văn Cường, con trai của bà còn hứa khi thi công xây dựng nhà văn hóa sẽ ủng hộ thêm 10 tấn xi măng.
Noi gương gia đình bà Lộ, vợ chồng ông Trần Quang Đảo cũng hiến 14m2 đất trồng màu của gia đình để thêm vào mảnh đất của bà Lộ cho vuông vắn. Ông Đảo tâm sự: Bà Lộ hiến gần 200m2 đất còn không tiếc thì đây cũng là việc nhà tôi nên làm. Mong rằng sự đóng góp nhỏ bé của chúng tôi sẽ giúp bà con có chỗ sinh hoạt văn hóa trong thời gian sớm nhất.
Điều đáng ghi nhận là các gia đình đều không yêu cầu bất cứ khoản tiền bồi thường hay hỗ trợ nào cho mình. Ngay sau khi tự nguyện hiến đất, các gia đình đã khẩn trương làm các thủ tục bàn giao đất để khu phố và UBND thị trấn làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sẵn sàng triển khai khởi công xây dựng sau khi có sự phê duyệt của UBND huyện Đồng Hỷ.
Anh Phương Huy Quân, ở tổ dân phố 22 cho biết: Nhu cầu xây nhà văn hóa ở đây từ lâu đã rất bức thiết nhưng mặt bằng lại không có. Bây giờ đã có đất rồi, bà con ở đây rất vui, nếu được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, bà con trong khu phố cũng thống nhất sẽ chung tay đóng góp.
Việc hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi không phải là điều quá mới mẻ nhưng những nghĩa cử cao đẹp đó thật đáng quý, đáng biểu dương, nhất là trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay. Mong sao, tấm gương của gia đình bà Lộ và ông Đảo sẽ có sức lan tỏa rộng khắp đến nhân dân. Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi bà Lộ: Hiến đất như vậy bà có nguyện vọng gì không? Bà Lộ cười đôn hậu: Giờ tôi già rồi, chỉ mong chính quyền sớm khởi công xây dựng nhà văn hóa để tôi được tận mắt chứng kiến mọi người sum họp ở đó.