Về xã Cây Thị (Đồng Hỷ), chúng tôi được nghe kể nhiều về những tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình, điển hình trong số đó là chị Ngô Thị Phượng ở xóm Kim Cương. Chị là người tiên phong trong phát triển kinh tế, đồng thời còn là một cán bộ nhiệt tình trong công tác Hội.
Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Hậu Phương do vợ chồng chị Ngô Thị Phượng làm chủ vào một buổi trưa hè oi ả. Chị Phượng đang tất bật với công việc. Cơ ngơi mà vợ chồng chị có được ngày hôm nay là kết quả của một quá trình phấn đấu đầy gian truân. Chị Phượng giãi bày với chúng tôi: “Cả hai vợ chồng tôi đều đã trải qua quân ngũ (chồng chị là thương binh hạng 4/4) nên dù có vất vả nhưng vẫn cảm thấy bình thường và luôn tìm thấy động lực để vượt qua. Nhà tôi đã từng là hộ nghèo, có rất ít ruộng, chồng tôi đã nhiều năm lang thang tìm vận may ở các bãi vàng...”. Năm 1997, chị vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT để mua 5 con bò sinh sản, san thêm 6 sào ruộng. Kinh tế gia đình cũng từ đó mà khấm khá dần lên. Chồng chị thấy phấn khởi, lấy lại được niềm tin và quyết định quay về cùng vợ con phát triển kinh tế gia đình. Với sự năng động và nhạy bén vốn có, chị bàn với chồng vay mượn thêm vốn để mua đất mở xưởng sản xuất gạch Si li cát vào năm 2006 tại tổ 12, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ). Ba năm sau, Doanh nghiệp tư nhân Hậu Phương do anh chị làm chủ đã được thành lập với ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, thu mua kim loại phế liệu. Với doanh thu hàng trăm triệu đồng một năm, Doanh nghiệp Hậu Phương đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động.
Điều đặc biệt là lao động ở đây đều là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nông Thị Thuỷ, ở xóm Kim Cương, xã Cây Thị, đã ly dị chồng, không có việc làm ổn định, khi được nhận vào làm trong Doanh nghiệp đã rất xúc động. Chị Hoàng Thị Mai, xóm Bảo Lang, xã Tân Lợi, chị Luân Thị Thanh Tuyền ở tổ 17, thị trấn Trại Cau và các chị em khác cũng là những người gặp khó khăn về kinh tế và việc làm, được chị Phương ưu tiên nhận vào làm. Các chị đều có chung nhận xét là công việc ở đây phù hợp với sức khoẻ của chị em, thu nhập bảo đảm cuộc sống (trung bình 3 triệu đồng/người/tháng), vợ chồng chị Phượng thường xuyên quan tâm, động viên. Với quan niệm giúp một người “phúc đẳng hà sa”, chị Ngô Thị Phượng đang mong muốn mở rộng doanh nghiệp và nhận thêm nhiều lao động là chị em phụ nữ nghèo. Không những vậy, vợ chồng chị đã giúp đỡ bằng cách cho ứng trước vật liệu xây dựng (trả chậm) cho hàng trăm hộ trong vùng, đặc biệt là các hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà 167 (trên 80% số hộ làm nhà 167 của xã Cây Thị được chị cho ứng trước toàn bộ nguyên vật liệu). Có những gia đình nghèo đến 2-3 năm sau mới trả hết tiền nhưng anh chị cũng không tính lãi.
Không chỉ là một chủ doanh nghiệp năng động trong kinh doanh, chị Ngô Thị Phượng còn rất nhiệt tình tham gia công tác Hội phụ nữ với vai trò là Chi hội trưởng phụ nữ xóm Kim Cương suốt 15 năm, rồi kiêm vai trò Tổ trưởng Tổ vay vốn của Chi hội. Khi được hỏi tại sao dù công việc kinh doanh đã rất bận rộn nhưng chị vẫn nhiệt tình tham gia công tác Hội, chị Phượng cho biết: “Có những giai đoạn gặp khó khăn, tôi cũng đã nhận được sự giúp đỡ, động viên của các chị em để có thêm động lực vượt qua, nên tôi hiểu được giá trị của sự đùm bọc. Làm cán bộ Hội, tôi có thêm cơ hội để giúp đỡ các hội viên khác”. Gia đình chị Bàn Thị Huyền, người dân tộc Dao ở xóm Kim Cương, từ một hộ nghèo đến nay đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Chị Huyền tâm sự: Chị Phượng đã nhiều lần động viên, trao đổi kinh nghiệm giúp tôi phát triển kinh tế. Khi nhà tôi xây chuồng trại, chị ấy cho ứng trả chậm toàn bộ vật liệu. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 15 con lợn nái, trên 100 con lợn thịt trong chuồng. Gia đình chị Vũ Thị Kim, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, trong một lần bị lũ đã mất toàn bộ xưởng mộc gồm nhiều máy móc và gỗ nguyên liệu cũng được chị Phượng giúp đỡ vật liệu để xây dựng lại nhà xưởng, khôi phục sản xuất…
Theo ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị thì tấm gương của chị Ngô Thị Phượng đã tác động tích cực đến phong trào thi đua phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo ở xã, đặc biệt là với chị em phụ nữ. Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao xuất hiện ở địa phương, như: Mô hình vườn đồi của gia đình chị Nguyễn Thị Bích (xóm Trại Cau), chị Dương Thị Nương (xóm Hoan), chị Trần Thị Thái (xóm Mỹ Hòa); mô hình chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Hữu (xóm Mỹ Hòa), chị Bàn Thị Huyền (xóm Kim Cương), chị Dương Thị Chiến (xóm Suối Găng)… Nhiều chị em khác cũng đang trăn trở tìm hướng vươn lên thoát nghèo.