Biến ước mơ thành hiện thực

07:33, 05/07/2011

Trong một lần đến xã Minh Lập (Đồng Hỷ) làm việc, chúng tôi được nghe kể về một thanh niên người dân tộc thiểu số còn trẻ tuổi nhưng đã có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế gia đình. Mới đây, anh được đoàn xã bình chọn là một trong những thanh niên xuất sắc nhất của địa phương và được giới thiệu đi nhận giải thưởng Lương Định Của. Người thanh niên ấy là anh Lý Văn Hiền, sinh năm 1984, người dân tộc Sán Dìu, ở xóm Na Ca. Tiếp xúc với anh, điều chúng tôi cảm nhận được từ chàng trai trẻ này là gương mặt hiền lành, cách nói chuyện dí dỏm toát lên vẻ thông minh, nhanh nhẹn.

 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, học hết cấp 2, anh Hiền nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ việc ruộng vườn, thấy việc làm nông nghiệp rất vất vả mà cũng chỉ đủ ăn nên trong suy nghĩ của anh luôn trăn trở về một hướng phát triển kinh tế mới. Trong một lần đến thăm trang trại nuôi gà thương phẩm của một hộ trong xã, anh Hiền thấy hình thức chăn nuôi này vừa tạo việc làm thường xuyên vừa đỡ vất vả hơn trồng lúa, lại có thu nhập ổn định và có thể huy động mọi người trong nhà cùng làm, trong đầu anh liền nảy ra ý định xây dựng một mô hình như vậy, thế nhưng để có được số vốn vài trăm triệu đầu tư cho việc làm trang trại là điều không thể đối với gia đình anh. Năm 2004, anh quyết định đăng ký đi xuất khẩu lao động để kiếm chút vốn thực hiện ước mơ của mình. 5 năm làm việc chăm chỉ ở đất nước Malaysia, sau khi về Việt Nam trong tay anh đã có 300 triệu đồng nhưng vẫn chưa đủ số tiền để xây dựng trang trại. Anh trình bày nguyện vọng của mình với bố mẹ, anh em trong nhà, ai cũng ủng hộ ý tưởng của anh và giúp anh lập kế hoạch, vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng. Cuối năm 2009, trang trại nuôi gà của anh được hoàn thành trên diện tích 840m2, để đảm bảo được nguồn cung cấp giống chất lượng và đầu ra ổn định, anh đã mời Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn (RTD) có trụ sở tại Khu Công nghiệp Phố Nối A, Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên về kiểm tra để ký kết hợp đồng nuôi gà thương phẩm theo quy trình kỹ thuật nuôi công nghiệp khép kín. Ở lứa gà đầu tiên, anh thử sức với 8.000 con nuôi trong vòng 45 ngày, trong quá trình chăn nuôi, phòng bệnh, anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật của công ty RTD nên đàn gà của anh rất nhanh lớn và không bị dịch bệnh, khi xuất chuồng, trừ tất cả chi phí anh thu lãi gần 50 triệu đồng. Đến nay, mỗi năm nhà anh xuất chuồng 5 lứa gà thương phẩm. mỗi lứa cung cấp khoảng 18 tấn thịt, cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng quanh khu trang trại, anh Hiền không quên nhắc mọi người nhúng giầy, dép qua thau nước khử trùng để tránh mầm bệnh cho gà. Bước vào bên trong khu chăn nuôi, chúng tôi bị thu hút bởi quy mô hiện đại của trang trại. Những chiếc quạt thông gió đường kính cả mét liên tục chạy vù vù để làm mát cho khu vực chuồng nuôi, hệ thống điện chiếu sáng được thiết kế hợp lý, những chiếc máng đựng cám, đựng nước được treo lên sạch sẽ, máy nổ luôn sẵn sang nếu mất điện… Theo anh Hiền, để có được sự thành công, khâu quan trọng nhất là hệ thống chuồng trại, con giống và các thiết bị phục vụ cho chăn nuôi. Con giống phải khỏe mạnh, môi trường chăn nuôi phải thoáng mát, sau mỗi lần xuất chuồng phải phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, thay trấu mới giúp cho chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ, không có mùi hôi của phân gà. đặc biệt, phải thường xuyên dùng thuốc kháng sinh tạo miễn dịch các bệnh cho gà. Với phương pháp trên, từ ngày chăn nuôi đến nay, trang trại gà của anh chưa một lần bị nhiễm bệnh, tỷ lệ thành công từ gà giống sang thịt đạt trên 90%. Thời gian tới, anh Hiền dự định sẽ đầu tư khoảng 100 triệu đồng để xây dựng thêm khu chuồng chăn nuôi lợn nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

 

Ông Đặng Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho chúng tôi biết: Anh Hiền là một tấm gương sáng cho các thanh niên học tập, bằng sự năng động, chịu khó anh đã tìm ra phương pháp để duy trì và phát triển kinh tế gia đình bền vững. Ngoài ra anh còn thường xuyên phối hợp cùng chi đoàn để duy trì, tổ chức tốt các hoạt động phong trào đoàn, tuyên truyền về những kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy sự tham gia phát triển kinh tế, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho thanh niên địa phương.