Chị lao công Lê Mai Thanh thuộc tổ vệ sinh môi trường của Ban Quản lý Đô thị (T.X Sông Công) vừa mới được Liên đoàn Lao động tỉnh tôn vinh là Công nhân lao động tiêu biểu năm 2010.
Nói về nghề của mình, chị tâm sự: “Đời quét rác nhiều lần làm chị phải rơi nước mắt và đôi khi chẳng dám nhận người thân. Vậy mà những trải nghiệm sau gần 20 năm làm việc đã đủ để chị biến những mặc cảm ban đầu thành sự tự tin với nghề làm đẹp đường phố”.
Tìm gặp chị Thanh khi chị đang chuẩn bị cho ca làm việc buổi chiều, tôi liền ngỏ ý xin đi theo chị để hiểu hơn về công việc thầm lặng này, chị Thanh đồng ý ngay. Sắp đồ nghề, khoác vội chiếc áo vẫn còn vệt mồ hôi từ buổi sáng, chị khom người đẩy chiếc xe rác vào lề đường, cầm chổi quét với động tác nhanh nhẹn và thuần thục. Chị kể: “Thấm thoát thế mà đã gần 20 năm trong nghề rồi em ạ. Nhanh thật đấy! Chị nhớ những ngày đầu vào nghề, đi làm cứ phải bịt kín mặt vì ngại người quen nhìn thấy, chân tay lúc nào cũng mỏi rã rời. Nhưng làm mãi thành quen, yêu nghề và gắn trọn cuộc đời với nó lúc nào chẳng hay”.
Sinh năm 1971, tốt nghiệp THPT, chị đi học lớp y tá sơ cấp của Viện Quân y 91. Năm 1990, lấy chồng rồi sinh con, chồng làm công nhân còn chị làm tạp vụ, đồng lương hết sức eo hẹp. Năm 1995, chị xin vào làm công nhân vệ sinh với mong muốn có thu nhập khá hơn để nuôi con. Vậy mà khi được nhận làm công nhân quét rác, đêm đó chị không ngủ được, cảm giác xung quanh mình toàn là rác cứ ám ảnh chị mãi. Tự động viên mình rằng: nghề nào cũng vì mưu sinh, miễn không làm tổn hại đến danh dự của mình hay người khác là đều đáng quý trọng nhưng ngày đầu cầm chổi quét đường, thu rác, nước mắt chị chảy dài. Chị thấy thương mình và tủi thân đến lạ lùng khi nghe những tiếng gọi vô tình “rác, rác ơi…”. Nhưng khi xong việc, về đến nhà, ôm con trai vào lòng, chị quên hẳn những tủi thân lúc chiều. Chị xác định phải làm tốt công việc mà mình đã chọn.
Chị Thanh được phân công phụ trách quét nửa chợ Phố Cò, 1km đường từ ngã ba Phố Cò đến đoạn đường gần mương hồ Núi Cốc, và đổ rác cho gần 400 hộ dân. Thời gian làm việc của chị bắt đầu từ 4 giờ đến 9 giờ sáng, rồi lại bắt đầu từ 15 giờ đến 18 giờ. Chị tâm sự: “Địa bàn mình phụ trách có chợ Phố Cò, là điểm khó trong việc quét đường, thu gom rác nhất. Ở chợ có những người bán hàng sẵn sàng vứt luôn cả quả dưa hấu hỏng ra giữa đường ngay khi mình vừa quét sạch xong. Thu gom rác cũng không phải dễ, lúc mình đi thu thì người dân không có nhà hoặc chưa mang ra, đến khi xe rác đi rồi họ mới mang rác ra đường để, một số người tiện tay còn vứt rác tung toé khắp nơi”.
Trước những bất cập đó, ngày mới đi làm, chị Thanh có góp ý với người bán hàng, người dân nhưng có người lại đáp lại rằng: “Cô là người quét rác, biết gì mà nói nhiều, tôi có vứt ra thì cô mới có việc mà làm chứ”. Vốn đã mặc cảm với nghề của mình, chị đành im lặng, ra sức chăm chỉ hơn để quét, giữ cho đường phố sạch. Bên cạnh đó, chị lại phải âm thầm để ý nắm quy luật giờ giấc sinh hoạt của từng cụm dân cư để bố trí giờ thu gom, “chốt” những “trọng điểm” để thu gom nốt rác thải vào giờ phút cuối cùng trong ca làm việc. Với đặc điểm là thị xã công nghiệp nên rác thải mà chị Thanh phải thu gom có đủ các loại, nhiều khi chị còn cố sức thu dọn cả loại rác thải xây dựng không thuộc nhiệm vụ để cho đoạn đường mình phụ trách sạch, đẹp. Lượng rác mà chị phải thu dọn khoảng 5m3/ngày tương đương với 10 xe goòng thu rác.
Năm 2008, chị được tiếp cận với nội dung Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua tìm hiểu, chị thấy, sinh thời, Bác Hồ tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác, bởi theo Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Vậy thì tại sao chị luôn luôn tận tuỵ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lại phải mặc cảm về nghề của mình? Với suy nghĩ như thế, chị Thanh đã bỏ qua những mặc cảm, thấy yêu nghề và có được thái độ hòa nhã, đúng mực với người dân. Từ đó, ngoài việc quét đường, thu gom rác, chị Thanh còn là một tuyên truyền viên tích cực, thuyết phục, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn. Chị chia sẻ: "Một số người coi thường vì thấy mình làm nghề quét rác, nhưng nếu mỗi công nhân có thái độ cư xử đúng mực, hết lòng với công việc chung làm cho đường phố sạch, đẹp thì mọi người sẽ hiểu nghề nào cũng đáng quý, đáng trọng".
Chị chia sẻ: Giờ mình đã rất yêu công việc, có lẽ chỉ còn buồn nhất là những đêm 30 Tết đón Giao thừa một mình cùng với chiếc chổi và con đường. Lúc ấy hay tủi thân lắm, nhìn gia đình họ tay trong tay lại nghĩ về gia đình mình nhưng vì công việc nên đành phải chấp nhận. Bù lại, người dân ở đây đều đã trở thành thân quen với mình, đêm 30 Tết, mình còn được người dân mang kẹo, bánh ra mời, thậm chí còn chúc tụng và mừng tuổi nữa”. Ông Nguyễn Văn Lâm, tổ 4, phường Phố Cò, một người dân ở trên tuyến đường chị Thanh phụ trách cho biết: “Cùng với sự chăm chỉ làm việc và tích cực tuyên truyền của chị Thanh, ý thức của người dân ở đây đã thay đổi rất nhiều. Hiện tượng người quét đằng trước, người quăng rác ở đằng sau nay đã không còn nữa. Người dân chúng tôi đã bắt đầu phân loại rác, để vào thùng, hay cho vào bao nylon thay vì vứt ra mép đường, giữ cho đường phố được sạch đẹp”.
Chia tay khi chị Thanh đã quét xong đoạn đường dài, tôi nhận thấy niềm vui của chị khi thấy nơi mình đi qua được sạch sẽ, tươm tất. Chị còn có một niềm vui không thể diễn tả bằng lời, đó là con trai chị giờ đã đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) và cháu luôn yêu quý người mẹ làm nghề giữ sạch đường phố.