Lấy tấm gương đạo đức của Bác để tự điều chỉnh mình

08:38, 26/07/2011

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên (NHNoTN) có nhiệm vụ chủ yếu là huy động nguồn vốn, cho vay và thực hiện các dịch vụ: thanh toán chuyển tiền điện tử trong nước, thanh toán quốc tế qua mạng SWIFT, kinh doanh ngoại tệ, thực hiện chuyển tiền nhanh WESTERN UNION...

Công việc của Ngân hàng phức tạp, hoạt động chuyên môn đều liên qua đến tiền tệ. Chính vì vậy, việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (LTTGĐĐHCM)” có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cán bộ, đảng viên (CBĐV) trong đơn vị. Bởi các đức tính “cần, kiệm, liêm chính” của Bác chính là tấm gương sáng, cụ thể nhất, để mỗi người noi theo, tự điều chỉnh mình trong công việc và cuộc sống, làm thế nào để “gần tiền mà chẳng ham tiền”.

 

Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần xây dựng đạo đức người cán bộ ngân hàng, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Chính vì vậy, trong 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động,  NHNo tỉnh đã tổ chức cho đội ngũ CBĐV, quần chúng học tập đầy đủ các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Qua học tập, viết thu hoạch, các CBĐV, quần chúng đã nhận thức và thấm nhuần hơn về tư tưởng, tấm gương của Bác, từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong trong công việc, ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan.

 

Trên cơ sở thực tế, Ban Chấp hành Đảng bộ đã phối hợp với Ban Giám đốc bám sát nhiệm vụ chuyên môn, đề ra chương trình hành động cụ thể, chỉ rõ định hướng, giải pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, nội dung Cuộc vận động hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm là: hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp; thực hành tiết kiệm; tham gia tích cực các hoạt động từ thiện. Đi đôi là coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt cho CBĐV, người lao động nhận thức được khó khăn, thuận lợi và tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ trên. Bên cạnh đó, Ngân hàng tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua. Trong quá trình thực hiện cấp uỷ Đảng thường xuyên có sự chỉ đạo cụ thể, kiểm tra đôn đốc thực hiện nghiêm túc từ nội dung đến chương trình và tiến độ đề ra. Qua mỗi đợt thi đua đều có sơ, tổng kết đánh giá, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Kết quả, đã tạo sự chuyển biến cơ bản nhận thức của CBĐVvà người lao động về mọi mặt. Ai cũng có ý thức vươn lên, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nhất là tinh thần giao dịch phục vụ khách hàng; tinh thần tiết kiệm, tinh thần trả tiền thừa cho khách hàng. Từ đó, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị. Trong những năm qua, mặc dù hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn, song đơn vị vẫn đạt kết quả tốt: Nguồn vốn huy động toàn NHNo đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 18%; tổng dư nợ đầu tư cho nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 15%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

 

Đảm bảo quỹ thu nhập hàng năm tăng bình quân 10% trở lên, thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Trong hoạt động từ thiện, Ngân hàng đã vận động đóng góp từ cán bộ, công chức (CBCC) trong 4 năm (từ năm 2007 -2010) với tổng số tiền quyên góp  1.132 triệu đồng cho 18 quỹ từ thiện. Trong đó, năm 2008, NHNo đã xây dựng được 10 nhà Chữ thập đỏ tặng người bị nhiễm chất độc da cam; năm 2009, xây dựng Trường THCS Liên Minh (Võ Nhai) 2 phòng học trị giá 400 triệu đồng; năm 2010, NHNo tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng 3 nhà tình nghĩa với số tiền 100 triệu đồng; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức trao tặng 27 sổ tiết kiệm trị giá trị 81 triệu đồng cho các cựu nữ thanh niên xung phong. Với nhiều thành tích trong hoạt động tự thiện nên, năm 2010, NHNo được UBND tỉnh tặng bằng khen trong 5 năm (2005-2009); Bộ LĐ-TB&XH; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Liên đoàn lao động và NHNo Việt Nam tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho nhiều tập thể, cá nhân về công tác này.

 

Nhằm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, Ngân hàng đã xây dựng cả chương trình hành động và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc; cụ thể hoá tới các phòng ban, cá nhân. Đồng thời có văn bản chỉ đạo các ngân hàng cơ sở thành lập các tiểu ban phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm. Vì vậy, công tác trên đạt kết quả khá tốt. Riêng năm 2010, ngân hàng đã thực hiện tiết kiệm chi (so với kế hoạch giao) ở các chi tiêu khá tốt. Ví dụ, chi cho công cụ lao động, giảm 467 triệu đồng;  chi mua sắm tài sản cố định giảm 164 triệu đồng; chi thường xuyên khác giảm 0,51% kế hoạch.

        

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ ngân quỹ các Chi nhánh NHNo trong tỉnh đã học được từ tấm gương của Bác về đức tính liêm khiết, trung thực, được thể hiện ngay trong công việc của mình bằng việc trả tiền thừa cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín của NHNo tỉnh. Tính từ năm 2007 đến năm 2010, các cán bộ ngân quỹ trong toàn hệ thống đã trả 2.459 món tiền thừa với tổng số tiền trả lại: 3.056 triệu đồng. Trong đó  nhiều người có món tiền trả cao nhất như: anh Lê Đăng Tiến ở NHNo Đại Từ trả lại khách hàng với số tiền 28 triệu đồng (năm 2007); chị Đinh Thị Bình ở NHNo thành phố Thái Nguyên 2 lần trả lại tiền thừa, một món là 50 triệu đồng (năm 2008) và một món 100 triệu đồng (năm 2009); chị Dương Thị Thịnh ở NHNo thành phố Thái Nguyên trả lại một món 136 triệu đồng (năm 2010) và chị Thịnh là người năm nào cũng có món tiền thừa trả lại nhiều nhất (năm 2009, cao nhất là 82 món; số tiền trả lại năm 2010, cao nhất 167 triệu đồng)... 

 

Sự phấn đấu của đội ngũ CB,ĐV, người lao động trong NHNo đã được các cấp, các ngành ghi nhận bằng những  phần  thưởng cao quý: Năm 2008, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận doanh nghiệp loại I; được NHNo Việt Nam xếp loại AAA; Đảng bộ, Công đoàn luôn được công nhận trong sạch vững mạnh; được Đảng bộ Khối Doanh nghiệp khen thưởng trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.