Đưa chúng tôi đi thăm đàn cá sấu của mình, anh Hoàng Xuân Chí, 42 tuổi, xóm Làng Hin, xã Phấn Mễ (Phú Lương) tự tin bảo: Theo tư vấn của cán bộ khuyến nông thì đây là loại cá dễ nuôi, nhanh lớn, ít mắc dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao.
Thực ra, đàn cá sấu anh Chí mới mua về từ đầu năm 2011, với số tiền giống 200 triệu đồng. Tuy chưa có sản phẩm bán, nhưng hằng ngày nhìn lũ cá phàm ăn, lớn "nhanh như thổi", anh Chí càng thấy mình đã có quyết định đúng khi đầu tư tiền vốn vào hướng làm ăn này.
Nhìn anh với đôi tay thoăn thoắt quét dọn, làm vệ sinh trong khu vực chăn nuôi, tôi thấy có những con nằm ngoác cái mồm rộng hoác gầm gừ, song vội nhẩy ùm xuống nước trốn. Anh Chí nói với mọi người: Cứ cho ăn no thì chúng lành lắm.
Nhìn anh chân chất, nghe từng lời nói mộc mạc thì mấy ai biết được phía sau những niềm vui của một nông dân có thể nói là thành công trong phát triển kinh tế gia đình lại có một quãng thời gian khá dài sống cảnh lận đận. Anh kể: Vì lực học của mình không tốt, nên mình thôi học từ lớp 11 để ở nhà đi cày, cấy giúp bố mẹ. Năm 1988 mình lên đường nhập ngũ, Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, mình xây dựng hạnh phúc với Trần Thị Sinh, cô gái cùng làng. Không nghề nghiệp, mình đi làm "than tặc", tức là đào than thổ phỉ. Đằng đẵng hơn 2 năm trời chui rúc dưới hố than, nguy hiểm mà "ráo mồ hôi hết tiền". Chán nản, mình quyết định trở về nhà an phận với đám ruộng, nương chè…
Nhưng sự an phận ấy lại cho anh có bước ngoặt cuộc đời thuận lợi hơn. Vì bỏ nghề "than tặc", trở về làm ruộng mà gia đình anh Chí đã dần ổn định được kinh tế gia đình. Toàn bộ diện 16.000 m2 đất canh tác bố mẹ giao cho quản lý sử dụng, anh dành 3.600 m2 trồng chè; 3.600 m2 cấy 2 vụ lúa, diện tích còn lại anh trồng keo, trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn. Do chịu khó học hỏi và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa, chè và chăn nuôi, Từ nhiều năm nay, gia đình anh thu hoạch được 4 tấn thóc/năm; gần 8 tạ chè khô/năm và 4 con lợn nái mỗi năm xuất bán được 80 con lợn giống. Tổng thu nhập từ chè, lúa và chăn nuôi của gia đình anh đạt hơn 100 triệu đồng/năm.
Chưa bằng lòng với kết quả đó, năm 2009, sau khi tự đi thăm một số mô hình trang trại chăn nuôi gà công nghiệp trong huyện, anh thấy đây là một nghề cho thu nhập cao, song lại tốn ít diện tích đất. Ngay sau đó vợ chồng anh thống nhất đầu tư trên 100 triệu đồng để xây dựng 200m2 chuồng trại chăn nuôi ở quy mô 2.000 con gà/lứa. Nhưng "vạn sự khởi đầu nan", chưa có kinh nghiệm, tỉ lệ gà chết tới 10%, sau 45 ngày chăn nuôi, anh xuất bán được 4 tấn gà thương phẩm. Tính sổ sách, trừ đầu tư tiền cám, tiền thuốc phòng bệnh cho gà… vợ chồng anh nhìn nhau, bảo: Hòa vốn, không có tiền công. Chưa nản, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi gà ở quy mô này. Do biết đúc rút kinh nghiệm, những lứa gà tiếp theo anh nuôi đạt tỉ lệ sống tới 99%, trung bình đạt 6 lứa xuất bán/năm. Trừ chi phí, mỗi năm riêng tiền bán gà anh còn có lãi hơn 100 triệu đồng. Để đàn gia cầm không mắc các dịch bệnh, trước khi nhập gà giống anh dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi bột, rải trấu và thực hiện vệ sinh chuồng trại theo định kỳ, mỗi tuần phun thuốc khử trùng từ 1 đến 2 lần, đồng thời phun thuốc khử mùi hôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh. Anh tâm sự: Nghề chăn nuôi phụ thuộc vào "thời tiết" thị trường. Ngay như năm 2011 này, từ tháng 1 đến hết tháng 6, tôi xuất bán được 6 lứa gà thì 2 lứa đầu hòa vốn, 4 lứa sau do giá cả thị trường tăng mạnh, gia đình tôi được lãi hơn 150 triệu đồng.
Trở lại khu chăn nuôi cá sấu của gia đình: Anh bảo với chúng tôi: Đây là giống cá sấu do Công ty giống Thịnh Phát, ở Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội cung cấp. Theo như hợp đồng thì toàn bộ số cá sấu này khi gia đình có nhu cầu xuất bán, Công ty nhận bao tiêu 100%... Trước khi nhập cá giống, tôi đầu tư gần 100 triệu để xây dựng khu chăn nuôi có diện tích rộng 100m2, trong đó có 1 bể nước rộng 50m2 cho cá ngâm mình; 50m2 còn lại làm sân xi măng cho cá nằm phơi nắng. Xung quanh khu vực chăn nuôi được xây dựng tường bao, bảo đảm cá không vượt được ra ngoài gây nguy hiểm. Hôm mới nhập về mỗi con chỉ nặng 4kg, dự kiến nuôi sau 20 tháng được xuất bán, mỗi con dự ước đạt trọng lượng 20kg (giá bán 300.000 đồng/kg hiện nay). Với tổng đàn 80 con, gia đình tôi có sản lượng 1,6 tấn, tương đương số tiền 480 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư tôi còn có lãi khoảng hơn 200 triệu đồng. Thuận lợi nhất là sản phẩm của mình có thể bán bất cứ lúc nào cho Công ty cung cấp giống.
Khi nắng chiều buông mềm trên tán lá, ngồi trong nhà anh Chí, nhâm nhi chén trà, nghe kể chuyện làm giầu, bà Vũ Thị Lương, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Phấn Mễ cho chúng tôi biết thêm: Anh Chí là một nông dân năng động, có kinh nghiệm trong sản xuất chè, chăn nuôi. Ở xóm, anh luôn là người đi trước trong các phong trào sản xuất. Khi làm có kết quả thì lại tích cực phổ biến kinh nghiệm, giúp đỡ cho người khác cùng làm theo. Vì thế anh Chí được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng xóm, và là đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2016.