Trong cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta ở miền Nam đã giành nhiều thắng lợi to lớn. Song lực lượng của ta cũng cần được bổ sung, củng cố để chuẩn bị cho những trận đánh lớn tiếp sau.
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên đã hăng hái lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Trong hàng ngũ những người chiến sĩ mới có anh thanh niên Nguyễn Đình Xương (quê gốc ở Thái Bình, theo gia đình lên định cư ở xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hoá). Rời ghế nhà trường phổ thông giữa mùa phượng nở năm 1969, lúc vừa tròn 18 tuổi, anh đã cùng đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vừa hành quân vừa huấn luyện. Sau hơn 3 tháng trèo đèo lội suối, đi dưới tầm đạn pháo của quân giặc, vào tới điểm đứng chân, đơn vị triển khai tác chiến, anh là chiến sĩ bộ binh thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 316, một đơn vị chủ lực ở chiến trường Tây Nguyên.
Tham gia nhiều trận đánh, Nguyễn Đình Xương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đơn vị biểu dương, khen thưởng, bị thương nhẹ 3 lần anh đều không rời trận địa. Vào cuối năm 1970, đầu năm 1971, Mỹ thực hiện âm mưu “Việt Nam hoá chiến tranh”, dùng người Việt đánh người Việt. Địch mở 3 cuộc hành quân lớn đánh ra Đông Bắc đường 6 Campuchia, Tây Nguyên, đường 9 Nam - Lào và toàn cõi Đông Dương hòng chặn đường tiếp tế của ta từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam qua Lào và qua cảng Xihanucvin của Campuchia. Phát hiện âm mưu của địch, cấp trên điều đơn vị anh sang giúp nước bạn Lào để đập tan cuộc tiến quân của quân địch. Từ tháng 1 đến tháng 3-1971, quân ta đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân của Mỹ, nguỵ. Trong trận phản công của quân ta ở Hạ Lào, không may anh Xương bị thương vào trán bên phải, vết thương rất sâu. Anh đã lấy chiếc khăn mùi xoa (người yêu tặng trước khi lên đường) vo tròn lại rồi đút nút vào vết thương để cầm máu. Sau đó anh ngất đi, được đồng đội đưa về tuyến sau điều trị. Qua một thời gian điều trị, anh được đưa ra miền Bắc, về Đoàn an dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (tỉnh Hà Bắc cũ). Đến khi vết thương ổn định, anh xin về quê hương xây dựng gia đình.
Mặc dù vết thương trên đầu mỗi khi trái nắng trở trời lại hành hạ song anh vẫn luôn động viên vợ và tự động viên mình vượt qua. Bản thân anh cũng không ngừng tự học tập. Năm 1972, anh thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương, đến năm 1976 tốt nghiệp ra trường, nhưng do vết thương tái phát nên anh không đi tham gia công tác mà sinh sống với gia đình. Từ Định Hóa, gia đình anh chuyển về T.P Thái Nguyên sinh sống. Mới đây, khi chúng tôi đến thăm gia đình anh ở tổ dân phố số 6, phường Đồng Quang, được bà con hàng xóm cho biết anh là người giàu nghị lực, luôn chịu khó học hỏi về khoa học kỹ thuật như sửa chữa điện lạnh, đồ điện gia dụng…
Khi bà con khối phố mang đồ đến, anh tận tình nhận sửa chữa giúp mà không lấy tiền công, chỉ nhận tiền khi phải mua phụ tùng thay thế. Bình quân mỗi tháng anh sửa chữa giúp bà con khoảng 40 loại đồ điện có giá trị khác nhau, nếu tính tiền công thì vào khoảng 2,5 triệu đồng (nhưng anh không nhận). Noi gương bố, 3 người con trai của anh đều tự lo việc làm, trong đó có người hiện đang làm giám đốc một doanh nghiệp cơ khí thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động. Các cháu nội của anh đều học giỏi…
Bà Nguyễn Thị Miền, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 6 cho biết: Anh Nguyễn Đình Xương là một thương binh nặng nhưng ở địa phương anh luôn là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào chung, tích cực tham gia công tác xã hội như làm Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay, anh là Ủy viên thường trực Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Quang (nhiệm kỳ 2011-2016), luôn có tinh thần sẵn sàng “mình vì mọi người”. Mới đây, vào tháng 3-2011, cháu Phạm Văn Chiến (học sinh Trường THCS Đồng Quang) không may bị 2 chiếc nhẫn Inox đeo trên ngón tay chồng vào nhau khiến cả bàn tay cháu bị tụ máu, sưng tím bầm. Có người cho rằng cần đưa cháu tới bệnh viện để tháo khớp ngón tay. Anh Xương đã đưa cháu Chiến về nhà, dùng đinh cố định ngón tay của cháu rồi kiên trì cưa, cắt từng chiếc nhẫn. Sau hơn 2 giờ đồng hồ thì anh tháo được cả 2 chiếc nhẫn ra khỏi tay cháu.
Do có nhiều thành tích trong hoạt động nên những năm qua anh Xương đã được Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam T.P Thái Nguyên tặng nhiều giấy khen. Năm 2011, anh được Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Quang đề nghị cấp trên tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ. Anh tâm sự: Tôi luôn nghĩ mình cần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế.