Tháng 7, trời nắng chói chang, rất mệt mỏi sau những ngày đi công tác xa trở về. Vậy mà khi người đồng nghiệp rủ đi tìm hiểu về vườn chè tổ, do gia đình cụ Đội Năm trồng cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi đã không thể cưỡng lại niềm ham thích được chiêm ngưỡng những cây chè lâu năm nên vội vàng chuẩn bị máy ảnh, sổ sách lên đường ngay.
Thấy người bạn bảo vườn chè ấy ở Bình Sơn (T.X Sông Công), tôi ngạc nhiên lắm bởi lâu nay, Tân Cương (T.P Thái Nguyên) mới là đất tổ của chè Thái. Không trả lời thắc mắc của tôi, người bạn đồng nghiệp cứ úp úp, mở mở bảo: Thì cứ đi sẽ biết…
Thế là chúng tôi lên đường đi về Bình Sơn tìm vườn chè tổ trong cái nóng nức đến cháy thịt, cháy da. Men theo dòng sông Công huyền thoại, nước xanh ngăn ngắt, vượt qua những con đường làng ngoằn ngoèo, cuối cùng chúng tôi cũng đã có mặt ở xóm Bình Định I. Mấy chục năm trước, mảnh đất này thuộc địa phận của đất chè Tân Cương. Sau nhiều lần tách, nhập, hiện nay, khu vực này lại thuộc về xã Bình Sơn (T.X Sông Công). Chúng tôi rất may mắn khi gặp được ông Vũ Thuận, 74 tuổi, con trai của cụ Vũ Văn Hiệt (hay còn gọi là cụ Đội Năm). Ông Thuận cho hay: Được sự giúp đỡ của cụ Nghè Sổ, bố tôi đã mang cây chè từ Phú Thọ về trồng dưới chân núi Guộc, nay thuộc xóm Lam Sơn, xã Tân Cương. Từ những cây chè đầu tiên trồng dưới chân núi Guộc, diện tích chè tiếp tục được mở rộng trên đất Tân Cương. Ông cụ thân sinh ra tôi sau đó còn thành lập cả một Xưởng Chế biến chè. Mặc dù chế biến theo phương pháp thủ công, nhưng quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt, tinh tế. Nhờ đó, chè sản xuất ra, nước xanh, trong, cánh nhỏ và có hương vị rất đặc biệt, mang nhãn hiệu Cánh Hạc (Bạch Hạc), được nhiều người ưa thích.
Cũng theo lời kể của ông Thuận, để tạo việc làm cho người dân trong vùng, từ năm 1940, cụ Đội Năm quyết định đưa chè sang phía bên kia sông Công trồng. Và cây chè bắt đầu xuất hiện ở Bình Định I từ đó (thời điểm đó, khu vực này vẫn thuộc Tân Cương). Đưa chúng tôi ra thăm vườn chè lâu năm của gia đình, ông Thuận cho biết: Cả thảy còn khoảng 4ha chè. Thật ra, rất khó đoán chính xác tuổi của những cây chè này, tôi chỉ có thể áng chừng diện tích chè này đã được trồng khoảng trên 70 năm. Nhiều năm rồi, gia đình tôi không còn thu hái chè ở khu vườn này.
Cũng qua ông Thuận, chúng tôi được biết, đến đời các con của cụ Đội Năm thì không ai còn theo nghề trồng và chế biến chè. Nhưng mấy trăm gốc chè cụ Đội Năm trồng ở Bình Định I cách đây hơn 70 năm thì vẫn còn đó như một kỷ niệm không bao giờ phai. Ông Thuận rất trân trọng những gì cha mình để lại nên ông không phá bỏ vườn chè này. Tuy nhiên, ông lại không có điều kiện để ngày ngày chăm sóc vườn chè, vì thế, ở khu vực này, cỏ mọc um tùm. Nhìn những gốc chè xù xì, tán tỏa rộng ra xung quanh, hàng cách hàng 2m đều đặn, chúng tôi thấy lòng nao nao, giá như khu vực này được chăm sóc và dọn dẹp sạch cỏ thì vườn chè mấy chục năm tuổi này sẽ đẹp lắm!
Tương tự như vườn chè của gia đình ông Thuận, một vườn chè lâu năm khác do ông Lê Tiến Thắng, cùng ở xóm Bình Định I quản lý cũng đang ngập cỏ. Ông Thắng cho hay: Không rõ ai đã trồng vườn chè này, chỉ biết rằng năm 1990, HTX đã giao cho tôi chăm sóc, thu hái. Mấy năm trở lại đây, chúng tôi không còn thu hái chè ở khu vườn này nữa dù cây chè vẫn cho thu hái. Có lẽ, Thái Nguyên vẫn còn những vườn chè nhiều năm tuổi như thế nhưng chưa được phát hiện. Bởi tại tỉnh ta cũng đã phát hiện 10 cây chè cổ, trong đó có những cây đường kính gần 1m, chiều cao hơn 20m ở khu rừng già thuộc địa phận xóm Lưu Quang, xã Minh Tiến (Đại Từ). Việc phát hiện ra những vườn chè lâu năm và cây chè cổ sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu kỹ hơn về nguồn gốc của cây chè đặc sản Thái Nguyên. Thêm nữa, những cây chè này sẽ giúp tỉnh ta lưu giữ, bảo tồn nguồn gien nhằm phát triển giống chè đặc sản ở địa phương. Đặc biệt, những vườn chè lâu năm và cây chè cổ giúp tỉnh có thêm điểm tham quan hấp dẫn, nhất là trong dịp tổ chức Festival Trà Quốc tế lần thứ Nhất - Thái Nguyên 2011…
Làm thế nào để tiếp tục phát hiện, duy trì và bảo tồn những vườn chè lâu năm và cây chè cổ lại là việc rất cần được các cấp, ngành quan tâm. Theo chúng tôi được biết, hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân chè Hạnh Nguyệt, có trụ sở ở xóm Bờ Lở, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) đã đăng ký với con trai cụ Đội Năm ở xóm Bình Định I, xã Bình Sơn là sẽ đầu tư, chăm sóc vườn chè tổ. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ doanh nghiệp cho hay: Khi phát hiện ra vườn chè lâu năm này, tôi đã cho chế biến thử thì thấy loại chè này uống rất ngon, đậm đà, vị thơm. Doanh nghiệp chúng tôi hiện sản xuất 4 loại chè cao cấp gồm trà hoa nghệ thuật - trà nhúng quế hương; Tâm linh trà gồm hương trà xuân; Phát lộc trà gồm các loại trà đặc sản; Bình dân trà gồm mộc lan trà. Trong đó, nguyên liệu để làm trà hoa nghệ thuật (có giá bán đắt nhất) đòi hỏi phải là chè búp tươi Tân Cương, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Một điều may mắn là khi cho sản xuất thử, tôi thấy những búp chè thu hoạch tại vườn chè nhiều năm tuổi của con trai cụ Đội Năm đạt yêu cầu để sản xuất trà hoa nghệ thuật. Vì thế, tôi đã quyết định sẽ đầu tư vào khu vườn này. Trên nền khu vườn đã có sẵn, tôi sẽ cho bảo vệ, chăm sóc để cây chè vừa có thể cho thu hoạch, vừa là nơi để các du khách tới tham quan.
Dù vậy, để bảo tồn những vườn chè lâu năm, những cây chè cổ quý hiếm, các cấp, ngành liên quan cũng nên quan tâm bảo vệ các vườn chè này; lấy mẫu để nghiên cứu xem chủng loại của các giống chè, từ đó có kế hoạch bảo tồn. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và có kế hoạch bảo tồn khi phát hiện các vườn chè nhiều năm tuổi trên địa bàn tỉnh…