Ở huyện vùng cao Võ Nhai, bác sĩ Lý Xuân Nần được nhiều người dân yêu mến. Thực hiện lời dạy của Bác: “Lương y phải như từ mẫu”, ông Nần đã đem khả năng của mình để cứu chữa người bệnh.
Sinh ra trong 1 gia đình giàu truyền thống cách mạng, có bố là Lý Văn Khuấy, từng là đội viên đội nhi đồng Cứu Quốc xóm Cáy Tắc, xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), được già Ké (Bác Hồ) đặt tên là Quyết cùng với 7 đội viên khác trong nhóm nhi đồng Cứu Quốc (Kiên, Quyết, Đấu, Tranh, Thực, Hành, Khởi, Nghĩa), từ nhỏ bác sĩ Nần đã được hưởng những đức tính tốt đẹp, biết sẻ chia, yêu thương mọi người từ cha. Năm 1971, 20 tuổi, người thanh niên dân tộc Tày ấy trở thành sinh viên Trường Đại học Y.
Năm 1972, sau 1 năm theo học, như bao lớp sinh viên thời, ông Nần tạm gác lại việc học để lên đường tòng quân làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 3 năm sau, ông xuất ngũ và tiếp tục theo học Khoa Đông y - ngành học mà ông yêu thích. Là một sinh viên gương mẫu, học hành chăm chỉ, luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động của Trường nên sau khi tốt nghiệp Đại học, bác sĩ Nần được giữ lại công tác tại trường. Đến năm 1985, ông được điều chuyển về giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Võ Nhai.
8 năm sau, ông chuyển sang làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện. Trong khoảng thời gian này, ông mở phòng mạch tư tại thị trấn Đình Cả (Võ Nhai). Không chỉ khám, chữa bệnh tại nhà, hễ ở đâu, bất kể thời gian nào, nếu người dân thông tin là ông tức tốc phóng xe máy đến để sơ, cấp cứu những ca chấn thương. Điều đáng nói là ông làm công việc này là hoàn toàn tự nguyện, không thu tiền của bệnh nhân. Ông tâm sự: Từ ngày về sống, làm việc tại huyện vùng cao này, tôi đã chứng kiến nhiều cái chết đau lòng từ các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Nhiều người mất đi sự sống chỉ vì đường sá xa xôi, đồng bào lại không có phương tiện đưa đi cấp cứu kịp thời.
Khi công tác ở Trung tâm Y tế huyện, ông còn có điều kiện để chữa bệnh cho nhân dân. Chuyển sang công tác Hội, không phải làm chuyên môn nhưng ông vẫn muốn kết hợp giữa hoạt động nhân đạo, từ thiện với công việc cứu người để không bỏ phí những năm tháng học hành và trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn thế, người bệnh cũng vẫn đang rất cần những bác sĩ vừa có tâm, có đức lại có chuyên môn vững vàng như ông.
Loại bệnh mà ông chữa trị cho người dân nhiều nhất là các bệnh về thần kinh, dây chằng và thoái hoá đốt sống cổ, lưng. Ông cho biết: Khi còn làm việc ở Trung tâm Y tế huyện, tôi thấy người dân miền núi thường mắc các loại bệnh này do phải lao động nặng nhọc. Trong khi đó, tôi lại có khả năng chữa trị căn bệnh này.
Vì vậy, phòng mạch của bác sĩ Nần rất đông bệnh nhân đến thăm khám. Do phải đi làm vào giờ hành chính nên hễ về đến nhà là lương y Nần tranh thủ khám, chữa bệnh cho đồng bào, có hôm đông bệnh nhân, ông còn khám bệnh, bốc thuốc tới tận khuya. Lượng bệnh nhân đến quá đông, ông phải nhờ cả vợ và con phụ giúp công việc ở phòng mạch. Vợ ông, bà Hà Thị Tàn (con gái của cụ Hà Văn Châm, một thành viên trong nhóm sáng lập ra Đội Cứu Quốc 2) là giáo viên tiểu học, rất thông cảm với công việc của chồng nên hằng ngày, khi hết giờ lên lớp là bà lại về giúp ông bốc thuốc theo đơn đã ghi sẵn. 2 cô con gái lớn thì giúp ông lo cơm nước cho những bệnh nhân lưu trú tại nhà. Từ khi mở phòng mạch đến nay, chưa bao giờ ông Nần thu tiền khám bệnh của bệnh nhân. Chữa trị cho bệnh nhân, ông chỉ lấy tiền thuốc và số tiền ấy bằng với giá bán thuốc của bệnh viện. Một số trường hợp là trẻ em, người già, người nghèo có điều kiện đặc biệt khó khăn, ông Nần miễn giảm hoặc không thu tiền chữa trị.
Tâm sự với chúng tôi, chị Ma Thị Từng, một người dân ở xã Cúc Đường đang điều trị ở đây nói: Tôi bị thoái hoá đốt sống cổ hàng chục năm nay rồi, nay bệnh quá nặng dẫn đến sái cổ. Được bạn bè giới thiệu, tôi tìm đến phòng mạch của bác sĩ Nần. Điều trị được gần 1 tuần, bệnh đã đỡ rất nhiều nên tôi có thể đạp xe, vượt 50km để về nhà. Trong thời gian chị Từng lưu trú tại phòng mạch, biết hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân này, vợ chồng bác sĩ Nần đã vừa nuôi ăn, vừa khám, chữa bệnh miễn phí cho chị. Lý giải về những việc làm cao đẹp ấy của mình, ông Nần mộc mạc: Xuất thân từ một gia đình bần hàn nên tôi rất hiểu, cảm thông với người dân vùng cao còn nhiều khó khăn này. Những gì tôi đã làm là muốn giúp đỡ người nghèo vượt qua bệnh tật, khó khăn để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Với mong muốn được chữa khỏi bệnh cho nhiều người, được giúp đỡ những người nghèo, tấm lòng thơm thảo của vị bác sĩ đông y này thật đáng quý!