Nghĩa tình từ phong trào “Nuôi lợn đất tiết kiệm”

11:02, 22/09/2011

Phong trào “Nuôi lợn đất tiết kiệm” tại Trường Tiểu học thị trấn Quân Chu (Đại Từ) đã phát huy tác dụng và hiệu quả tốt,  trở thành một mô hình nhân đạo có sức lan tỏa mạnh mẽ...

Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Nuôi lợn đất tiết kiệm” do Trường Tiểu học thị trấn Quân Chu (Đại Từ) phát động đã được tập thể giáo viên và học sinh Nhà trường thực hiện có hiệu quả trong hơn 4 năm trở lại đây. Nhiều học sinh cho biết, ban đầu là tham gia để xây dựng phong trào, về sau tự hình thành thói quen tích lũy, tiết kiệm ở mỗi người...

 

Trường Tiểu học thị trấn Quân Chu nằm ở vị trí giáp ranh giữa xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu, nơi được “mệnh danh” là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đại Từ với tỷ lệ hộ nghèo cao, số gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều, trong tổng số học sinh của Nhà trường thì có tới 60% là người dân tộc Dao. Bởi thế, nguồn kinh phí cho hoạt động Đội và các hoạt động xã hội khác của Trường bị hạn chế. Phần lớn các mô hình hoạt động, các dụng cụ, trang thiết bị bổ trợ cho các hoạt động ngoài giờ, trên lớp, sinh hoạt tập thể chủ yếu là do tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của Nhà trường tự làm...

 

Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ năm 2007, Trường đã phát động phong trào “Nuôi lợn đất tiết kiệm” để sẻ chia, giúp đỡ những bạn nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Anh La Văn Thanh, Tổng Phụ trách Đội của Nhà trường hào hứng kể với chúng tôi về cách nuôi lợn của các chi đội: Ngay từ buổi lễ khai giảng đầu năm học mới, Nhà trường phát động phong trào “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, sau đó tổ chức cấp “lợn giống” mỗi lớp 1 con, tập thể giáo viên trong Trường cũng nuôi 1 con. Học sinh ở vùng nông thôn nghèo còn nhiều khó khăn như Quân Chu khi tham gia “nuôi lợn” cũng chỉ từ 500 đồng đến 1 nghìn đồng hoặc 2 nghìn đồng. Tiếp đó, vào các buổi chào cờ thứ 2 đầu tuần, Nhà trường lại tổ chức “chăn lợn”. Các lớp “chăn lợn” xong lại cất vào tủ của Nhà trường được ví như “Trại lợn tình thương”. Tuy nhiên, việc “chăn lợn” như thế cũng bộc lộ nhiều hạn chế như mất thời gian, bảo quản không chắc chắn, có lớp nuôi đến gần hết năm bị mất lợn... nên năm học 2011-2012, Nhà trường chuyển sang “nuôi lợn ngắn ngày”...

 

Qua trao đổi, chuyện trò với các bạn học sinh, chúng tôi dần vỡ lẽ về hình thức “nuôi lợn ngắn ngày” ở đây. Đó là Nhà trường chỉ tổ chức phát động “nuôi lợn” vào dịp khai giảng, tiếp theo là vào các ngày lễ, tuần đầu hàng tháng, sau nghỉ Tết Nguyên đán... Sở dĩ Nhà trường lựa chọn vào các dịp này bởi đây là cơ hội để “nuôi lợn” đạt hiệu quả cao, đồng thời hạn chế việc học sinh tiêu tiền lãng phí. Bên cạnh đó, Liên đội Trường Tiểu học thị trấn Quân Chu còn quy ước với các chi đội: 1 nghìn đồng tương đương với 1kg thịt lợn; đồng thời đưa ra chỉ tiêu: lợn chậm lớn nhất cũng phải đạt 100kg/con/năm. Để duy trì tốt phong trào này, mỗi chi đội phải có kế hoạch hàng năm, thực hiện tuyên truyền giáo dục lòng nhân ái, tính hướng thiện cho các bạn học sinh. Do vậy phong trào “Nuôi lợn tiết kiệm” ở Trường Tiểu học thị trấn Quân Chu đã trở thành nề nếp từ 5 năm nay.

 

Có thể nói không gì vui bằng ngày hội mổ lợn trong dịp lễ bế giảng với sự tham gia của các vị đại biểu, phụ huynh học sinh, thầy cô giáo và trên 170 học sinh toàn Trường chứng kiến những con lợn đủ sắc màu đặt trên bàn và tiếng vỗ tay hoan hô reo mừng vang lên mỗi khi Ban Tổ chức công bố kết quả mổ lợn của từng lớp. Mặc dù giá trị kinh tế còn nhỏ (toàn Trường tiết kiệm được khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng mỗi năm) nhưng với địa bàn như Quân Chu đây là nguồn kinh phí đáng kể cho các hoạt động Đội và các hoạt động xã hội mang ý nghĩa nhân văn. Từ số tiền tình nghĩa này, gần 5 năm qua, Nhà trường đã trợ giúp cho 40 học sinh nghèo và 1 học sinh mồ côi những suất quà nhỏ để động viên, khuyến khích các bạn vượt qua hoàn cảnh để đến Trường. Mỗi năm, Nhà trường còn tặng 2 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách ở địa phương (mỗi sổ trị giá từ 400 - 500 nghìn đồng).

 

Cô Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Nhìn những hành động nhỏ bé của các em, niềm vui của chúng tôi như được nhân lên cùng với niềm xúc động khi chứng kiến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh được mời lên nhận những gói quà, những suất trợ cấp bằng chính những đồng tiền tiết kiệm được từ lòng sẻ chia “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”.

 

Phong trào “Nuôi lợn đất tiết kiệm” tại Trường Tiểu học thị trấn Quân Chu đã phát huy tác dụng và hiệu quả tốt, thực sự trở thành một mô hình nhân đạo có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục về lòng nhân ái trong thanh thiếu niên, học sinh, và là giải pháp tốt trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh trong Nhà trường. Được biết, trong thời gian tới, Nhà trường quyết tâm duy trì thực hiện phong trào "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm" và thường xuyên làm tốt công tác từ thiện nhân đạo trong và ngoài Nhà trường, góp phần thực hiện xây dựng  trường học thân thiện, học sinh tích cực"...