Chuyện làm đường giao thông ở một xóm nghèo

16:18, 30/12/2011

Nhờ làm tốt công tác dân vận nên đến nay xóm Đông Tiến, xã Tân Quang (T.X Sông Công) đã huy động nhân dân đóng góp hơn 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động để bê tông hóa hơn 1,5 km đường giao thông, mở rộng và xây kè được 1,5 km đường trục chạy qua các cánh đồng của xóm. Nhờ đó, việc đi lại cũng của bà con được thuận lợi, tạo điều kiện để kinh tế phát triển.

 

Đến đầu xóm Đông Tiến, chúng tôi đã nghe tiếng máy trộn bê tông rộn rã cả một vùng. Ông Ngô Văn Xuân, Trưởng xóm vui vẻ cho biết: “Kế hoạch làm 310m đường bê tông của xóm năm 2010 đã hoàn tất từ tháng 8, bây giờ xóm đang làm tiếp gần 370m đường bằng nguồn kinh phí ứng trước của năm 2011”…

 

Xóm Đông Tiến có 140 hộ với 607 nhân khẩu, là xóm thuần nông nên đời sống của bà con trong xóm chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Cả xóm có khoảng 40ha trồng cây hàng năm. Tuy nhiên, vào vụ đông xuân thì có đến 10 ha thiếu nước sản xuất nên bà con phải dùng máy bơm hoặc các nguồn nước giếng để tưới, đời sống của người dân trong xóm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, xóm vẫn còn 9 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Vì vậy, năm 2008 khi chủ trương làm đường của xóm được đưa ra, nhiều hộ đã không đồng tình. Trước tình hình trên, Chi bộ đã họp và chỉ rõ muốn kinh tế đi lên thì đầu tiên phải có đường giao thông thuận tiện để việc buôn bán, vận chuyển nông sản của bà con được thuận lợi, sản phẩm làm ra không bị tư thương ép giá. Căn cứ vào điều kiện của xóm Chi bộ ra Nghị quyết mỗi năm, xóm sẽ làm một đoạn đường để người dân không phải đóng góp quá sức, những hộ khó khăn thì sẽ được đóng làm nhiều lần.

 

Cả xóm có khoảng 5km đường trục chính, nên năm 2008, xóm quyết định làm 400m đường bê tông đầu tiên. Từ chủ trương đó, xóm Đông Tiến đã tổ chức họp dân, huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức đoàn thể trong việc vận động người dân tham gia đóng góp làm đường. Các cán bộ xóm vừa gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vừa tổ chức các cuộc họp công khai, dân chủ lấy ý kiến nhân dân về các khoản đóng góp, phương án xây dựng đường. Đối với các hộ chưa “thông”, cán bộ các đoàn thể của xóm đến tận gia đình để vận động. Khi đã tạo được sự thống nhất trong dân, Ban giám sát làm đường của xóm được thành lập và bắt tay ngay vào công việc. Năm 2008, 400m đường với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng đã được bê tông hóa trong niềm vui phấn khởi của bà con trong xóm; năm 2009, xóm tiếp tục làm tiếp 200m.

 

Sang năm 2010, sau khi được triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp nông dân và nông thôn, Chi bộ xóm đã tập trung tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng công tác làm đường giao thông. Thấy rõ được ý nghĩa của việc làm đường nên năm 2010, khi chủ trương này đưa ra, bà con đã nhiệt tình hưởng ứng. Do đó, 310m đường kế hoạch của năm 2010 đã được xóm hoàn thành ngay từ tháng 8 với tổng kinh phí 124 triệu đồng. Cùng với đó, bà con còn đề nghị xin làm tiếp 370m đường nữa. Trước quyết tâm của xóm, thị xã đã đồng ý cho Đông Tiến ứng trước kinh phí năm 2011 để làm tiếp 370m đường. Hiện con đường đã thi công được 80% khối lượng công việc.

 

Để thuận lợi cho bà con thu hoạch nông sản, xóm quyết định vận động nhân dân hiến đất và đóng góp tiền để mở rộng và làm kè cho 3 tuyến đường là Ao Giếng, Chân Chim và Bờ Nẹp dài khoảng 1,5 km chạy qua các cánh đồng của xóm. Nhờ dân vận khéo nên đến cuối năm 2010, khi công trình bắt đầu thi công, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến một phần ruộng đất, phần công trình của gia đình để làm đường. Điển hình là gia đình bà Phạm Thị Lý, Dương Thi Cúc, Dương Thị Khanh... đã tự nguyện hiến từ 45- 90m2 đất ruộng, để mở rộng đường. Trước đây, những tuyến đường này chỉ rộng trên 1m thì nay đã được mở rộng từ 3,5-4m giúp việc vận chuyển nông sản được dễ dàng. Trong đợt này, ngoài việc huy động hàng trăm công lao động của người dân để san lấp đổ đất mở rộng đường, nhân dân trong xóm còn đóng góp được trên 40 triệu đồng để xây kè dọc 2 bên đường.

 

Với sự đoàn kết, nhất trí cao, trong năm 2010, toàn xóm đã có 42 hộ dân tự nguyện hiến trên 300m2 đất và tự giác dỡ tường rào, chặt bỏ hàng trăm cây cối để mở đường, ước tính tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Xuân,Trưởng xóm Đông tiến cho biết: Năm 2011, xóm sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch để bê tông hóa các tuyến đường còn lại với mong muốn đến năm 2013, 100% tuyến đường của xóm sẽ được bê tông hóa”.

 

Về kinh nghiệm vận động nhân dân hiến đất làm đường, đồng chíTrần Thị Tiến, Bí thư Chi bộ cho biết: Để đạt được kết quả trên là do Chi bộ và lãnh đạo xóm nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tất cả mọi việc để dân hiểu, dân tin. Khi dân đã “thông” thì mọi việc đều có thể làm được, nhưng để dân tin thì nói phải đi đôi với làm. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng do làm tốt công tác dân vận, những con đường mới được mở rộng ở Đông Tiến sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.