Chuyện về Đội xe ôm an toàn

09:55, 11/12/2011

Bằng tấm lòng nhân ái, 10 tình nguyện viên của Đội xe ôm an toàn xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ (Phú Lương) vẫn âm thầm làm việc thiện suốt gần 3 năm nay…

Mỗi người một công việc khác nhau, người làm nghề buôn bán, người chuyên thu gom rác thải… nhưng chỉ cần nhận được thông tin là những thành viên lập tức có mặt ngay để cứu giúp những người không may gặp nạn. Công việc này không được trả công, nhưng bằng tấm lòng nhân ái, 10 tình nguyện viên của Đội xe ôm an toàn xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ (Phú Lương) vẫn âm thầm làm việc thiện suốt gần 3 năm nay.

 

Có tên gọi là Đội xe ôm an toàn, nhưng không phải họ đều mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm mà họ chỉ làm “xe ôm” miễn phí chở những người gặp nạn đến các cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa. Bà Dương Thị Nhiệm là thành viên nữ duy nhất của Đội, làm nghề bán chè tại chợ Phấn Mễ; ông Nguyễn Văn Minh làm nghề sửa xe máy… song ở 10 con người trong Đội có một điểm chung là họ đều rất vui vẻ, yêu đời, nhiệt tình trong mọi công việc và đặc biệt là giàu lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp nạn.

 

Nói về quá trình thành lập Đội, bà Lương Thị Dung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết: Sở dĩ Đội được thành lập là do xóm Mỹ Khánh nằm dọc Quốc lộ 3. Đây là tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, nhất là đoạn qua xã Phấn Mễ do người đi đường thường cho xe chạy với tốc độ cao nên cứ vài ngày lại xảy ra 1 vụ tai nạn. Trước đây, mỗi khi thấy tai nạn giao thông, một số người dân khu chợ Phấn Mễ lại đến giúp đỡ những người bị nạn. Nhưng không phải nạn nhân nào cũng may mắn gặp được những người tốt sẵn sàng giúp đỡ, nên thỉnh thoảng vẫn có trường hợp người bị nạn không được cứu chữa kịp thời.

 

Nhằm kịp thời giúp đỡ những người bị nạn, Hội Chữ thập đỏ huyện đã có ý tưởng thành lập Đội xe ôm an toàn và vận động một số người dân quanh khu vực tham gia. Kết quả là Đội đã chính thức được chính thức thành lập từ tháng 10 năm 2009 với 10 tình nguyện viên. Để việc giúp đỡ người gặp nạn được kịp thời, số điện thoại của các thành viên trong đội đã được Đội niêm yết tại nhiều điểm trên trục Quốc lộ 3 đoạn thuộc địa phận của xóm.

 

Theo sự chỉ dẫn của một số tình nguyện viên, chúng tôi đi dọc Quốc lộ 3 để mục sở thị những lời bà Dung nói thì thấy 4 tấm biển to cùng với gần chục tấm biển nhỏ treo ở các cột điện và dán tại các ngã ba, ngã tư, trên có in dòng chữ “Đội xe ôm an toàn” và dưới đề tên và số điện thoại của các thành viên: Nguyễn Văn Minh: 0972159500, Nguyễn Văn Dũng: 0989325182, Đỗ Thanh Bình: 01689252153… Anh Dũng giới thiệu: Khi có người gặp tai nạn, người dân chỉ cần gọi một trong những số điện thoại trên, lập tức các thành viên của Đội sẽ có mặt để giúp đỡ.

 

Trong vòng gần 3 năm, Đội đã giúp được trên 70 trường hợp bị nạn trên đoạn đường này, trong đó có không ít trường hợp những tình nguyện viên đã phải bảo vệ những xác chết chờ người nhà đến đưa đi, thậm chí có trường hợp các tình nguyện viên còn thu gom các bộ phận trên cơ thể của nạn nhân không để thất lạc. Kể về những chuyến đi làm việc thiện, anh Thu cho biết: Tôi ấn tượng nhất là vào khoảng 23h30 một ngày mưa gió tháng 6-2010, trên đường đi làm, tôi bắt gặp một xe tải nặng bị nổ lốp nằm giữa đường đoạn gần đường rẽ vào Trường Tiểu học Phấn Mễ I. Một xe máy chở 4 người đi rất nhanh không tránh kịp đã đâm thẳng vào xe tải làm cả 4 người tử vong. Trước tình hình đó, tôi đã phải đứng canh suốt đêm để ra hiệu cho người đi đường biết, đồng thời bảo vệ những nạn nhân trước đó tránh cho xe cộ đâm vào.

 

Ngoài những cảnh tượng hãi hùng như thế, trong quá trình làm việc thiện, chúng tôi cũng gặp phải nhiều pha dở khóc. Có lần tôi gặp một người phụ nữ bị băng huyết nằm ở gần chợ Phấn Mễ, tôi liền cõng vào Trạm Y tế. Vừa đến Trạm thì có một người đàn ông lao tới thẳng tay tát vào mặt khiến tôi sa sầm mặt mày, hỏi ra mới biết, người đàn ông đó chính là chồng của người phụ nữ, anh ta tưởng tôi đã sàm sỡ vợ anh ta nên đã ra đòn không thương tiếc. Hay như một lần có người dân gọi điện thoại thông báo về một vụ tai nạn giao thông xảy ra gần cầu Trắng, tôi và 2 tình nguyện viên của Đội đã đến để đưa người bị nạn vào bệnh viện, đồng thời giao xe máy của nạn nhân và 12 triệu đồng trong cốp xe cho Công an huyện quản lý. Sau khi đưa được nạn nhân đến bệnh viện, vừa về đến nhà trong khi trên người còn dính đầy máu chưa kịp thay quần áo, đã có mấy người lạ đến xưng là người nhà của nạn nhân và nằng nặc đòi số tiền 12 triệu đồng với thái độ đe dọa. Giải thích mãi, họ mới lên Công an huyện để lấy tiền…

 

Có nhiều hình thức làm việc thiện, nhưng giúp đỡ những người không may bị tai nạn giao thông thì thật đáng nể phục. Chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp, người tham gia giao thông vì sợ sệt mà khi thấy trường hợp bị tai nạn giao thông đã bỏ mặc người gặp nạn, hay có trường hợp người gây tai nạn xong rồi bỏ chạy… khiến người bị nạn không được cứu chữa kịp thời. Nhưng việc làm của các thành viên Đội xe ôm an toàn đáng trân trọng. Anh Đỗ Thanh Bình tâm sự: Tôi làm nghề chạy xe ôm, hằng ngày có mặt trên đường, tôi chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều trường hợp rất thương tâm, lòng thấy xót xa lắm, tôi mong muốn có thể giúp đỡ được những người không may gặp nạn. Chính vì thế, tôi đã tham gia Đội xe ôm an toàn để giúp được nhiều người hơn.

 

Dù cuộc sống của các tình nguyện viên trong Đội còn nhiều vất vả, hằng ngày phải bận rộn với công việc chạy xe ôm, sửa xe, gom rác… để mưu sinh, nhưng hễ thấy người gặp nạn là họ gác mọi công việc để giúp đỡ. Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Tuy công việc khó khăn và nhiều phức tạp, nhưng giúp được những người bị nạn vượt qua hoạn nạn, chúng tôi thấy lòng nhẹ nhàng, vui nhất là mỗi khi có nạn nhân đã hồi phục sức khỏe quay lại cảm ơn các thành viên trong Đội, nhiều nạn nhân sau khi được cứu giúp đã trở nên thân thiết như người nhà với các tình nguyện viên.