Dạy trẻ làm những việc nhỏ qua học tập theo gương Bác

16:36, 29/01/2012

Hiền hậu và khéo léo là những cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với cô giáo Phạm Thị Minh, Trường Mầm non 1-6, T.X Sông Công.  22 năm trong nghề, cô đã chăm chút cho không biết bao nhiêu trẻ thêm vững tin buớc vào lớp 1.

Đến với lớp mẫu giáo 5 tuổi A3 vào giữa giờ sáng, chúng tôi thấy các bé đang chăm chú với giấy màu, keo dán theo hướng dẫn của cô giáo Minh để hoàn thiện bức tranh về ngôi nhà của em. Trong bức tranh ấy, cô Minh đã vẽ tạo hình sẵn bằng bút chì màu ngôi nhà, ao cá, đàn gà, cây chuối… trông rất đẹp mắt, để rồi các bé xé giấy màu rồi dán chồng lên. Xé dán xong, các bé hồn nhiên đọc to bài thơ “Em yêu nhà em”, vừa đọc vừa ríu rít chỉ chim sẻ, gà con, ngôi nhà… trong bức tranh:  Chẳng đâu bằng chính nhà em/ Có đàn chim sẻ bên thềm líu lo/ Có đàn gà mái hoa mơ/ Cục ta, cục tác khi vừa đẻ xong… Cô Minh chia sẻ: Dạy các bé học thuộc bài thơ qua trò chơi vẽ, xé dán tranh là một trong những phương pháp mà tôi thường áp dụng. Đây là cách tôi thấy rất hiệu quả vì tâm lý các bé thích được tham gia các trò chơi tập thể, nghe kể chuyện hơn là việc học thuộc lòng hoặc học các phép cộng trừ khô khan. Những bài thơ, đồng dao, ca dao, tục ngữ sẽ giúp trẻ mở rộng vốn sống của mình.

 

Quan sát lớp học, chúng tôi thấy có rất nhiều đồ chơi với đủ màu sắc. Góc này là chiếc ô tô đỏ ngộ nghĩnh làm từ bao thuốc lá; cạnh đó là chiếc tàu hoả màu xanh từ vỏ hộp kem đánh răng; rồi thì bàn ghế, giường, tủ đều được làm từ vỏ hộp sữa; góc kia là gà con làm từ vỏ trứng; bên trên là những bức tranh do cô và trò cùng vễ và xé dán về mái trường…

 

Thấy chúng tôi chăm chú quan sát, cô Minh giới thiệu thêm: Những đồ chơi đó là sản phẩm của cô và trò cùng làm từ những nguyên vật liệu phế thải do phụ huynh mang đến. Mỗi khi làm xong một đồ chơi hoặc xé dán, vẽ được bức tranh, các cháu được dán sản phẩm của mình lên bìa lịch để trưng bày. Chiều đến, cháu nào cũng phấn khởi khoe những sản phẩm đó với bố mẹ. Do đó, các cháu thích được chơi và muốn tự tay mình tạo ra những sản phẩm đẹp từ những nguyên vật liệu bỏ đi. Đây cũng là một trong những phương pháp để dạy các cháu thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường và cũng rất phù hợp với lời dạy của Bác “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tuỳ theo sức của mình” và với phương châm mà ngành giáo dục đưa ra “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Để các trẻ quen dần với “khuôn khổ”, đòi hỏi mỗi giáo viên dạy bậc mầm non phải có tình yêu thương trẻ thực sự, chân thành. Bởi trên thực tế, đa số các cháu khi ở nhà đều được gia đình cưng chiều, các bậc phụ huynh cũng chưa chú trọng rèn luyện, uốn nắn; thường làm hộ con vì nghĩ trẻ còn nhỏ, không thể làm được. Hầu hết các cháu đều thích nghịch nước khi rửa tay, xúc cơm ra đĩa khi không muốn ăn hay vứt rác bừa bãi...

 

Để dạy các cháu làm được những việc nhỏ như: Chào hỏi lễ phép, mạnh dạn trong giao tiếp, chơi cùng và giúp đỡ bạn, thực hành tiết kiệm điện, nước, biết để dép, cặp đúng nơi qui định, giữ gìn môi trường…, tôi đã trao đổi, đề nghị phụ huynh cùng phối hợp trong việc rèn nền nếp và thói quen sinh hoạt cho các cháu. Cô và bố, mẹ, ông, bà phải là tấm gương cho trẻ noi theo. Thí dụ như trong các giờ hoạt động ngoài trời, khi dẫn cháu đi trong khuôn viên, gặp ai trong trường tôi cũng chào và nhắc các cháu cùng chào. Để dạy trẻ thực hành tiết kiệm, tôi dùng phương pháp trò chuyện để giúp trẻ nhận ra những việc làm tốt, đồng thời kích thích trẻ suy nghĩ… Tôi đưa ra các tình huống như: Khi thấy vòi nước chảy tràn ra ngoài thì các con phải làm gì? Khi đi trên sân trường thấy rác mà không có sẵn thùng rác ở đó thì các con vứt rác vào đâu?... Để dạy trẻ tiết kiệm nước, tôi đã sưu tầm những thông tin, hình ảnh về hậu quả của việc khan hiếm nước, những cánh đồng nứt nẻ, những em bé phải đi tìm nước, mọi người phải địu nước trên lưng, những dòng kênh nước đen ô nhiễm… Khi các cháu được xem những hình ảnh cùng những lời giải thích của cô giáo, trẻ có thái độ quan tâm, chia sẻ hơn, nhiều trẻ còn đặt cả những câu hỏi như: Tại sao cánh đồng đất bị nứt? Tại sao nước lại màu đen? Không có nước, các bạn uống gì?... Từ đó trẻ có thái độ, hành vi đúng hơn mỗi khi sử dụng nước, hạn chế việc nghịch nước ướt áo hay rót nước tràn cốc… Sau một thời gian trẻ được cô Minh rèn rũa, các cháu đều có những thay đổi đáng kể. Các cháu tự biết nhắc nhở nhau trong tiết kiệm nước, ăn hết khẩu phần… Nhiều cháu khi về nhà còn “nhắc” bố, mẹ, anh chị phải tiết kiệm điện, nước hay vứt rác đúng nơi quy định. Điều này khiến các bậc phụ huynh rất vui…

 

Khi chia tay chúng tôi, cô Minh tâm sự: Tôi rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Chính cách giáo dục của mình đã góp phần quan trọng vào việc hình thành suy nghĩ, nhận thức của trẻ, giúp trẻ có nền tảng phát triển tốt hơn trong cuộc sống. Cô giáo Lý Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: 22 năm làm giáo viên mầm non, cô Minh nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thị xã. Cô Minh luôn được các đồng nghiệp xem là tấm gương tiêu biểu để noi theo.