Khi đến tham quan mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Định, xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ), chúng tôi ấn tượng khi nhìn thấy màu xanh bắt mắt của những đồi chè, rừng keo, rồi khu vực trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt, ao thả cá... được bố trí khoa học, môi trường thông thoáng.
Tâm sự với chúng tôi, anh Định trải lòng: Trải qua nhiều khó khăn,vất vả, vật lộn với cái đói, nghèo, để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi và gia đình đã phải đổ bao nhiêu giọt mồ hôi, công sức xuống mảnh đất này. Có những lúc tưởng như không vượt qua được nhưng với quyết tâm và nghị lực, gia đình tôi đã biến đất cằn sỏi đá thành cơm...
Khoảng 5 năm trước đây, chúng tôi biết đến Tân Linh là một xã nghèo của huyện Đại Từ với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 34,5%. Người dân làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn, chưa ai dám nghĩ đến chuyện làm giàu từ đất. Nhiều đêm, anh Định không ngủ, vắt tay lên trán suy nghĩ, tại sao đói nghèo luôn bám riết gia đình mình và tìm hướng thoát nghèo. Qua tìm hiểu, anh Định nhận ra rằng phần lớn những gia đình khấm khá ở các địa phương lân cận là nhờ chăm chỉ làm lụng, biết cách đưa cây trồng, vật nuôi vào chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với đất đai và khí hậu nơi đây. Sau một thời gian học hỏi, tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi và học tập khoa học kỹ thuật, anh về bàn với vợ con bắt tay vào cải tạo và chăm sóc cây chè, tận dụng triệt để diện tích đất hiện có của gia đình để trồng trọt và chăn nuôi.
Với hơn 1ha chè trung du được trồng trước đây, anh và gia đình cải tạo, chuyển đổi hơn 70% diện tích (2 mẫu) sang trồng chè cành với các giống TRI777, Kim Tuyên, Keo Am Tích. Say mê nói về giống chè Kim Tuyên, anh Định giới thiệu: Khi chuyển sang trồng giống chè Kim Tuyên, tôi thấy giống chè mới này có tỷ lệ sống đạt cao (trên 95%), cây sinh trưởng khỏe, chiều cao của cây khoảng 75 cm, mật độ búp dày, trung bình khoảng 250 búp/m2, búp chè mềm, khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao. Đối với chè trung du thì 5,5 kg búp tươi chế biến được 1 kg búp khô, còn chè Kim Tuyên chỉ mất 4,2 kg búp tươi đã chế biến được 1 kg búp khô. Giống chè này khi chế biến làm chè xanh có hương thơm mạnh, nước chè có màu xanh đặc biệt, sử dụng để chế biến chè Ôlong. Hiện tại, nương chè đang bước sang tuổi thứ 4, mỗi năm cho gia đình tôi thu khoảng 8 lứa chè, trong đó có 1 lứa chè đông, 1 lứa chè xuân và 6 lứa chè chính vụ. Từ khi đưa các giống chè cành vào trồng, tôi thấy năng suất chè tăng, chất lượng chè tốt hơn và giá bán cao gấp 3-4 lần. Với tổng diện tích trên 1 ha chè, hiện mỗi năm cho gia đình anh Định thu nhập đạt trên 100 triệu đồng. Cây chè đã giúp vợ chồng anh thoát nghèo và từng bước có thu nhập, vươn lên làm giàu.
Năm 2007, cùng với 90 triệu đồng từ nguồn vốn tích luỹ của gia đình, vợ chồng anh Định quyết định vay thêm 200 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện Đại Từ đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại. Ý tưởng làm trang trại chăn nuôi lợn ngoại của vợ chồng. Nhiều người cho là liều lĩnh nhưng vợ chồng anh vẫn quyết không nản lòng. Từ nguồn vốn trên, vợ chồng anh đầu tư chuồng trại, xây bể bioga, mua một lúc 20 nái ngoại về nuôi. Trung bình một con lợn nái ngoại đẻ 2,2 lứa/năm, mỗi lứa lại đẻ khoảng 20 con nên ngoài bán lợn giống, gia đình anh Định còn nuôi 400 con lợn thịt/lứa. Trong chăn nuôi, anh tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuân thủ các quy trình khử trùng, tiêu độc, thực hiện phun khử trùng 2-3 lần/năm, rắc vôi bột quanh khu vực trang trại, thực hiện tiêm phòng theo quy trình... Có lẽ trời cũng không phụ lòng người, hay do anh áp dụng thành công các tiến bộ KHKT nên trong chăn nuôi, gia đình anh luôn gặp may mắn. Thu nhập từ chăn nuôi lợn ngoại cũng giúp gia đình anh trả hết nợ ngân hàng và có tích luỹ làm giàu.
Không dừng lại ở việc đi đầu trong trồng chè cành, chăn nuôi lợn nái ngoại ở địa phương, năm 2008, anh Định còn xin phép chính quyền địa phương nắn dòng suối Cái cạnh nhà để có diện tích chăn thả thuỷ sản. Đưa chúng tôi ra thăm khu vực ao thả cá, anh Định kể chuyện: Nhìn dòng suối Cái chảy cong queo quanh nhà giống hình cái thúng, tôi lên gặp các anh lãnh đạo trên xã, huyện để xin cải tạo dòng chảy của con suối cho thẳng mà không ảnh hưởng gì đến dòng chảy của nước. Rồi từ đó mình có diện tích chăn thả thuỷ sản, đưa kinh tế phát triển. Được sự chấp thuận của lãnh đạo cấp trên, trong 3 tháng trời, tôi đưa máy múc vào đào sâu 3 m, chiều rộng trên 10m, đắp đập chặn dòng nước chảy không cho chảy vào như trước mà bắt ngay vào hướng dòng chảy mới khơi và nhập vào dòng chảy như cũ. Sau khi nắn suối, gia đình anh Định có được một cái ao rộng với diện tích khoảng 2 mẫu. Được biết, đối với diện tích canh tác mới này, gia đình anh Định cấy lúa lai vào vụ chiêm, còn vụ mùa thì bắt đầu thả cá với các giống cá trắm, cá chép... Trong 3 năm liên tiếp từ 2009 đến nay, mỗi năm diện tích này cũng cho gia đình anh thu nhập thêm trên 1 tấn cá thương phẩm...
Sau gần chục năm đổ mồ hôi vất vả, đất đã không phụ công người, giờ đây gia đình anh Định đã trồng được hơn 1ha chè, trang trại chăn nuôi 20 lợn nái ngoại, 400 con lợn thịt/lứa và trên 1 tấn cá mỗi năm. Theo ước tính của anh định, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cũng lãi từ 200 triệu đồng/năm trở lên.
Chính sự lựa chọn này đã từng bước mang lại cho anh và gia đình một cuộc sống khấm khá và từng bước vươn lên làm giàu ngay trên vùng đất cằn cỗi ngày nào...