Không để nỗi đau làm nhụt ý chí

08:57, 12/05/2012

Dù chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, nhưng các thương, bệnh binh vẫn không nản chí, vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình, xã hội.

Là những người lính từng trải qua bom đạn ác liệt của chiến tranh, tuy may mắn hơn những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, nhưng so với những người khác được trở về trong lành lặn, họ lại chịu biết bao thiệt thòi. Người thì bị nhiễm chất độc hóa học, người thì thành thương, bệnh binh, sức khỏe suy giảm. Dù vậy, nhiều người vẫn không nản chí, vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình, xá hội.

 

Đến xóm Khẩu Cuộng, xã Thanh Định (Định Hóa), chúng tôi không khỏi nể phục ý chí làm giàu của Cựu chiến binh (CCB) Ma Văn Tịnh. Hằng ngày, anh phải chống nạng để đi lại nhưng vẫn lên rừng phát cỏ, trồng cây và chăm sóc đàn vịt với số lượng hàng nghìn con.

Năm 1972, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra ngày càng ác liệt. Nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 22 tuổi ở nơi thủ đô kháng chiến đã trốn bố mẹ theo quân tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Từ khi nhập ngũ đến khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, anh đã cùng đơn vị tham gia chiến đầu từ chiến trường Tây Nguyên đến Củ Chi. Hòa bình lập lại, anh trở về quê hương lập gia đình, gắn bó với mảnh ruộng, cây rừng.

 

Tuy nhiên, sức khỏe của anh bị suy giảm nhanh chóng do nhiễm chất độc da cam khiến chân bị teo, đi lại phải nhờ vào nạng gỗ. Chưa kể, những khi trái gió trở trời, anh lại phải gồng mình chịu nỗi đau hành hạ thể xác. Cuộc sống vất vả, càng khó khăn hơn. Hàng chục năm bươn trải trong cảnh nghèo túng khiến anh luôn ấp ủ chí nguyện làm giàu. Anh tâm sự: “Năm 2004, tôi xem ti vi thấy người ta nuôi vịt siêu trứng mang lại hiệu quả lại phù hợp với điều kiện gia đình nên đã làm thử. Mới đầu, tôi chỉ nuôi 1 trăm con, thấy hiệu quả nên tăng dần, có lúc lên đến 1.000 con.

 

Dù vất vả đến đâu, tôi cũng đều cố gắng vượt qua, làm chủ cuộc sống của mình, là người lính tình nguyện không thể dựa vào người khác, Nhà nước được. Đến nay, tôi đã gây dựng được “trang trại” duy trì khoảng 800 vịt siêu trứng (mỗi ngày cho khoảng 600 quả trứng), trên 300 con vịt thịt (nuôi 4 lứa/năm). Trừ mọi chi phí cũng thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Những lúc khỏe, tôi chống nạng đi phát rừng, đến nay, đã trồng được trên 1ha cây keo. Tôi đang thử nuôi dê. Nếu thuận lợi sẽ nhân đàn lên khoảng 30 con trong thời gian tới”.

 

Giống như cựu chiến binh Ma Văn Tịnh, anh Trần Huy Đảm (nay ở xóm Vạn Hữu, xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ) cũng tình nguyện vào chiến trường miền Nam trong lúc chiến sự căng thẳng (1972) và không may trở thành nạn nhân của chất hóa học quái ác. Chính vì vậy mà sau 15 năm gắn bó với nghề binh, anh phải xuất ngũ theo chế độ bệnh binh hạng 2/3. Vốn quê ở Thanh Miện (Hải Dương) nhưng sau khi giải ngũ (tại Quân khu I, năm 1987), anh quyết tâm bám trụ tại Thái Nguyên. Anh đã dồn tất cả số tiền tích góp được để mua mảnh đất đồi rộng 3.000m2 gây dựng cơ nghiệp. Lúc đầu, để đảm bảo cuộc sống, anh đã trồng xen canh giữa sắn, dứa và chè nhằm lấy ngắn nuôi dài. Đến khi chè đã cho thu hoạch, anh lại phá sắn, dứa để trồng chè. Anh tiếp tục đầu tư nuôi lợn, bò rồi tự mình đào ao thả cá, nuôi ngan, vịt. Đến năm 1994, sau khi được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện, anh đã xây dựng được mô hình kinh tế VAC khép kín, tạo nên bước khởi đầu đầy hứa hẹn sau bao năm gian nan.

 

Anh tâm sự: “Những năm đầu gây dựng cơ nghiệp quả thật vất vả, cực nhọc. Sức lao động suy giảm lại thêm gánh nặng gia đình (4 đứa con). Bản thân phải chịu nỗi đau đớn mỗi khi thời tiết thay đổi, có lúc đang làm việc phải gác lại giữa chừng. Tôi còn gắng chịu được. Đau hơn cả là chất độc da cam lại ảnh hưởng và cướp đi sinh mạng của đứa cháu ngoại vô tội. Mọi thứ khiến tôi nhiều lúc tưởng như kiệt sức, gục gã. Thế nhưng, nghĩ về những đứa con thơ dại, nghĩ về đồng đội - những người bạn chiến đấu đã anh dũng ngã xuống để có ngày hôm nay, tôi lại có thêm sức mạnh và ý chí vươn lên”. Nhắc đến đồng đội, anh không khỏi xúc động khi nhìn những tấm hình đen – trắng luôn được anh cất giữ cẩn thận. Gần 1.000 người trong tiểu đoàn chiến đấu năm xưa mà giờ chỉ còn có 10 “lính già” sống rải rác từ Bắc vào Nam.

 

Trong suốt những năm tháng cực nhọc ấy, gia đình anh vẫn phải sống trong nhà tạm. Thấy anh làm vất vả, sức khỏe lại hạn chế nên đồng đội, chính quyền địa phương nhiều lần đề nghị hỗ trợ và khuyến khích anh làm nhà. Thế nhưng, anh đều từ chối. Anh nói: “Mình tuy sức khỏe suy giảm nhưng vẫn làm được nên không thể sống dựa vào Nhà nước, đồng đội trong khi còn nhiều người khác khó khăn hơn mình. Hơn nữa, mô hình kinh tế mà tôi đang gây dựng đã bắt đầu đem lại sự ổn định cho cuộc sống gia đình. Đến năm 2000, gia đình tôi mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

 

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn quả, rừng keo… tràn đầy nhựa sống rồi quay về ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, anh không khỏi tự hào: “Nhiều năm nay, nếu trừ hết mọi chi phí, tôi cũng để dành ra được khoảng 40 triệu đồng. Còn ngôi nhà này được xây dựng năm 2002, do tôi tự thiết kế và xây dựng theo ý thích. Đến năm 2010, tôi lại tự xây nhà bếp nối liền với nhà chính. Để hoàn thành nó, hằng ngày, tôi tự khoán cho mình mỗi ngày phải chuyển được 100 xe rùa chở đất (làm mặt bằng) hoặc xây được 200 viên gạch mới được nghỉ… Nhưng gần hai năm nay, bản thân đã có tuổi, sức khỏe cũng giảm sút nhanh nên không làm được như trước nữa. Tôi đã tạo được nền tảng cho các con nên phần nào cũng thấy an tâm”.

 

Được gặp và trò chuyện với những cựu chiến binh như như anh Tịnh, anh Đảm, chúng tôi cảm nhận được phần nào ý chí vượt khó của những người lính cụ Hồ. Dù chịu nhiều thiệt thòi, sức khỏe suy giảm nhưng họ đã biết vượt lên nỗi đau để khẳng định mình trong mọi hoàn cảnh.