Đó là suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Tỵ, phố Thái Long, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) - người đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng tháng nào cũng để ra một khoản tiền nhất định để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh. Bà Tỵ làm thế không mong sẽ nhận được những lời khen mà bà cảm thấy ấm lòng vì đã giúp đỡ được những người nghèo cùng hoàn cảnh.
Hôm chúng tôi hẹn gặp, bà Tỵ đang đến các gia đình kinh doanh dọc phố Thái Long để vận động họ đóng góp, ủng hộ chương trình bếp ăn tình thương do Hội Chữ thập đỏ huyện dự kiến tổ chức khai trương vào cuối tháng 5 này tại Bệnh viện đa khoa huyện. Bà làm việc này với tinh thần tự nguyện bởi trong sâu thẳm đáy lòng mình, bà cảm thông với những người mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị dài ngày và mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp những bệnh nhân nghèo một bữa ăn, để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Bà rất hiểu nỗi niềm này bởi chính bản thân bà bị ung thư vú phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện K (Hà Nội), đã được phẫu thuật từ năm 2009, nhưng từ đó đến nay, cứ 3 tháng một lần, bà phải về Hà Nội để kiểm tra, điều trị. Kể từ đó đến nay, bà Tỵ bắt đầu làm từ thiện. Với tổ dân phố, bà Tỵ chỉ là công dân bình thường nhưng khi bà đến các gia đình vận động ủng hộ giúp đỡ người nghèo đều nhận được sự hợp tác của mọi người, bởi họ hiểu những việc bà đang làm là vì cộng đồng, vì những người nghèo khó và hơn cả là tấm lòng nhân hậu của bà.
Chị Nguyễn Thị Hồng Tiên, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện nhận xét: Trong các chương trình quyên góp, ủng hộ do thị trấn, huyện tổ chức, bà Tỵ luôn là một trong những cá nhân ủng hộ nhiều nhất, mặc dù kinh tế của gia đình bà chưa phải giàu có, dư giả. Khi bà làm vậy, nhiều người nói ra nói vào cho rằng bà sĩ, thể hiện… nhưng bà bỏ ngoài tai những lời xì xèo đó vẫn thực hiện suy nghĩ của mình, bởi bà thấy vui lây niềm vui của người nghèo khi được giúp đỡ, sẻ chia. Dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, bà Tỵ đã quyên góp được 2 triệu đồng, bà bỏ ra 1 triệu đồng nữa để tặng 10 suất quà cho các gia đình đặc biệt khó khăn đón Tết. Hưởng ứng chương trình mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ từ thiện do Hội Chữ thập đỏ huyện phát động, bà Tỵ đã nhận giúp đỡ 15kg gạo/tháng cho 2 cá nhân. Một là em Nguyễn Thị Bạch Tuyết, hiện là học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú. Bố Tuyết mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 chị em, Tuyết bị ung thư tử cung nhưng rất ham học. Đầu năm học 2010-2011, Trường THPT Trần Phú tổ chức ra mắt bếp ăn nhân đạo để giúp đỡ 15 học sinh nghèo nhất, bà Tỵ đã nhận giúp đỡ gạo cho gia đình em Tuyết (trao 6 tháng 1 lần) từ tháng 9-2010 đến khi Tuyết tốt nghiệp THPT. Nếu em thi đỗ đại học bà sẽ tiếp tục giúp đỡ để em có điều kiện thực hiện ước mơ của mình. Người thứ hai là gia đình bà Lê Thị Hoài, 70 tuổi, xóm Làng Lường, thị trấn Đình Cả được bà Tỵ giúp đỡ gạo trong 2 năm (từ đầu năm 2012). Bà Hoài có 3 người con trai thì đã mất 2 người chỉ còn 1 người bị tâm thần và 2 đứa cháu nội (một đứa mắc bệnh tâm thần không đi lại được). Hàng ngày, 5 miệng ăn chỉ trông vào tiền lãi từ gánh thu mua đồng nát của cô con dâu. Được bà Tỵ giúp đỡ 15 kg gạo mỗi tháng cũng đủ lương thực cho cả nhà ăn trong khoảng 10 ngày. Bà Hoài xúc động: Tôi với bà Tỵ cũng chạc tuổi nhau, tôi biết bà Tỵ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn dành tiền giúp đỡ gia đình mình, tôi thấy rất tủi nên nhiều hôm nhà hết gạo mà ngại không đến lấy. Bà Tỵ lại nhắn tôi ra lấy gạo về ăn hoặc tiện đường lại mang đến tận nhà. Có gạo của bà Tỵ giúp đỡ, gia đình không còn bị đói đứt bữa như trước nữa. Nhiều hôm ăn cơm mà chan nước mắt, tôi rất xúc động bởi xung quanh tôi vẫn còn rất nhiều người tốt, nhiều tấm lòng hảo tâm với những người nghèo khó…
Trong khi trò chuyện với bà Tỵ, tôi cảm nhận được nỗi buồn trong đôi mắt của người phụ nữ một đời tần tảo. Tròn 20 tuổi, năm 1970, bà Tỵ từ Lạng Sơn về làm dâu ở phố Thái Long. Chồng đi bộ đội xa nhà, mọi công việc đều dồn lên đôi vai gầy của người phụ nữ cũng xuất thân từ nhà nông nghèo khó. Hàng ngày, bà mua bán rau ở chợ Đình Cả kiếm tiền nuôi 3 con ăn học. Lớn lên, 2 người con trai đã phụ công bà, sa vào nghiện ma túy rồi qua đời. Hiện, ông bà đang ở cô dâu và đứa cháu nội. Thấy buôn bán vất vả mà lời lãi chẳng được bao nhiêu, bà đã bàn với chồng mở hàng cơm tại nhà. Đã hơn 10 năm nay, hàng cơm của bà Tỵ lúc nào cũng đông khách. Bà cho rằng, buôn bán hàng hóa gì thì chữ tín cũng đặc biệt quan trọng, nhất là làm hàng ăn uống liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, vì thế vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, tiếp đến là chất lượng phục vụ, giá cả hợp lý, chấp nhận lãi suất thấp… để giữ khách ăn lâu dài. Giờ đây, đã ngoài 60 tuổi, lại đau ốm nên bà giao hàng ăn cho cô con dâu phụ trách, thuê thêm 4 người giúp việc, còn bà đứng sau hỗ trợ.
Bà Tỵ chia sẻ: Mình sinh ra trong gia đình nghèo, giờ lại bị ung thư phải điều trị thường xuyên và cũng chẳng biết sẽ sống được bao lâu nữa nên giúp được gì cho người nghèo trong điều kiện mình có thể thì nên làm. Bởi trong cộng đồng còn rất nhiều người nghèo, đặc biệt khó khăn rất cần sự hỗ trợ, sẻ chia của cộng đồng để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống ngày mai. Làm được những việc nhỏ bé ấy, tôi thấy tư tưởng rất thoải mái và có thêm niềm vui trong cuộc sống…