Trong những năm lãnh đạo kháng chiến, Bác Hồ đã từng nhiều lần ghé qua xã Phủ Lý, mỗi lần ghé qua, Bác đều căn dặn nhân dân các dân tộc trong xã cần phải thi đua lao động tăng gia sản xuất để diệt giặc đói. Năm 1962, khi về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, một lần nữa Bác đã nhấn vào nội dung này.
Theo lời kể của ông Nguyễn Quảng, sinh năm 1931, hiện trú tại xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương (Phú Lương) nguyên là Hiệu trưởng Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương: Khoảng 8 giờ ngày 31-12-1962, Bác Hồ đã đến thăm Trường. Trường được thành lập từ năm 1960 với nhiệm vụ đào tạo trình độ văn hóa và kiến thức về khoa học kỹ thuật cho con em đồng bào các dân tộc trong huyện để tạo ra đội ngũ trí thức cống hiến cho đất nước, từng bước phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo.
Lần đến thăm ấy, Bác đã vào thăm chuồng trại chăn nuôi, thăm bãi sắn, bãi ngô xem điều kiện ăn ở của thầy trò Nhà trường rồi Bác mới vào lớp học nói chuyện với mọi người. Trong câu chuyện, Bác căn dặn các học sinh Nhà trường phải học tập tốt, lao động tốt, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và lao động. Các thầy cô giáo phải dạy tốt. Khi Bác ra về, học sinh trong Trường đem biếu Bác sắn, chuối tiêu và 10 quả trứng. Nhưng Bác không nhận mà gửi lại Nhà trường, Bác dặn: Chuối tiêu, sắn các cháu chăm tiếp cho nhiều củ, còn 10 quả trứng, các cháu phải nhân nó lên thành 5 lần, 10 lần để phát triển thành đàn gà nhiều hơn nữa.
Ghi nhớ lời Bác dặn, những người con của xã trong suốt mấy chục năm qua đã tích cực lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Với đặc thù là vùng đất nhiều đồi núi, bà con trong xã đã tập trung phát triển kinh tế đồi rừng. Đồng chí Lưu Văn Thiết, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước đây, vùng đất này toàn là rừng nứa rậm rạp, ít người qua lại. Từ khoảng năm 1990 trở lại đây, bà con đã tích cực phát nứa trồng keo, mỗi năm nhân dân trong xã trồng được hàng chục ha keo. Đến nay, xã có trên 1.000ha keo, nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng keo, trong số đó phải kể đến gia đình ông La Đình Đệ, xóm Đồng Rôm, có hơn 20ha rừng keo. Hiện nay, diện tích keo này đã cho khai thác, mỗi năm gia đình ông Đệ thu hàng trăm triệu đồng từ cây keo.
Ngoài trồng rừng, trên diện tích hơn 100ha ruộng, bà con đã tích cực đưa các giống lúa cao sản, lúa lai có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy thay thế giống lúa thuần trước đây. Hiện nay, diện tích lúa lai của xã đạt gần 10ha, còn lại là lúa cao sản. Qua đó, năng suất bình quân tăng từ 3-5 tạ/ha so với năm 2008. Trong chuyển dịch cơ cấu giống lúa, năm 2011, xã còn đưa giống lúa nếp Vải vào gieo cấy với diện tích 10ha, đem lại thu nhập 2 triệu đồng/sào, cao gấp đôi so với lúa Khang dân, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mở ra hướng mới trong phát triển cây lúa. Đối với những diện tích đất cao không gieo cấy được, bà con đã đưa cây chè vào sản xuất, từ chỗ xã không có chè, hiện nay toàn xã có 121ha, trong đó diện tích chè thâm canh cao sản là 35ha, sản lượng búp tươi đạt trên 1.100 tấn/năm.
Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, từ năm 2007 đến nay, nhân dân xã Phủ Lý đã tập trung phát triển các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tích cực áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có hơn 10 mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi với quy mô lớn đem lại thu nhập cao.
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn ngoại của gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, xóm Tân Chính và không khỏi ngạc nhiên bởi sự đầu tư có quy mô về hệ thống chuồng trại cũng như các thiết bị phục vụ chăn nuôi lợn của anh. Anh Trọng cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng thuộc diện khó khăn của xã, không có vốn làm ăn, năm 2006, vợ tôi phải đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Sau 4 năm lao động nơi đất khách, kiếm được lưng vốn, gia đình tôi đã dồn cả vào xây dựng chuồng trại và thả 30 con lợn nái ngoại. Lợn đẻ ra, tôi lại nuôi bán lợn thịt với khoảng 100 con/lứa. Cứ như vậy lứa nọ tiếp lứa kia, mỗi năm tôi nuôi 3 lứa thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Đầu năm nay, tôi vừa xây dựng thêm khu chuồng trại này, hiện nay đã hoàn thiện phần xây dựng và đang lắp đặt các thiết bị, dự kiến sang tháng sau tôi sẽ bắt đầu thả lợn nâng quy mô chăn thả lên 60 đầu lợn nái và 300 con lợn thịt/lứa.
Nhờ tích cực tăng gia lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của bà con ngày càng được nâng cao. Toàn xã có 12 xóm, gần 800 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, đến nay còn 182 hộ nghèo, mỗi năm xã có khoảng 40 hộ thoát nghèo.