Những ngày tháng Bẩy, mưa - nắng thất thường khiến đôi chân ông Nguyễn Hải Âu, xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương như có triệu triệu mũi kim đâm vào xương tủy. Sau từng chặp nhức nhối, trong đôi ống chân chuyển sang buồn bực như có đàn lươn, rắn cù cựa trong ống tủy. Lúc như thế, bà Trần Thị Hảo - vợ ông lại mềm mại xoa nhẹ đôi tay vào vết sẹo thâm đen trên cơ thể của người bạn đời.
Đau đớn, nhức mỏi đến dã rời bởi vết thù thương còn nguyên trên thân thể. Nhưng ông Âu luôn tự động viên mình phải đứng vững trên đôi chân. Câu chuyện bắt đầu từ những năm 70 của thể kỷ trước, nghe tiếng gọi hòa bình, anh cùng nhiều bạn bè đồng lứa tình nguyện lên đường nhập ngũ. Khi đó, Âu 19 tuổi, đang học năm thứ nhất Đại học Y. Đời binh nghiệp hiển vinh cũng lắm mà hiểm nguy cũng nhiều. Sau 6 tháng huấn luyện ở huyện Phú Bình, anh cùng đồng đội Nam tiến. Ông mở cuốn sổ tay, kể: Mất 22 ngày đi ô tô, tàu hỏa mới đến được cửa Nẫm (Quảng Bình), lại tiếp tục hành quân trên đường biển. Tôi không biết tàu cập mạn bến nào, nhưng cánh lính chúng tôi vai đeo ba lô, chân đạp núi hơn 50 ngày nữa mới đến được nơi đơn vị tập kết ở một vùng rừng núi Kon Tum.
5 năm binh lửa, ông tham gia nhiều trận đánh ở Gia Lai, Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột và đuổi giặc sang cả nước bạn Cam - Pu - Chia. Ông kể: Đầu năm 1975, khi tham gia trận cửa mở vào thị xã Buôn Mê Thuột, đánh sang ngày thứ 3, tôi vấp vào bom định hướng của địch, bị phang nát 2 chân. Khi tỉnh lại, đồng đội đứng xung quanh, trào nước mắt, reo lên: Sống rồi. Trận đánh này đại đội tôi có gần 70 người, chỉ có 3 đồng chí còn lành lặn. Tôi thì bị dập nát đôi chân, được các thầy thuốc quân y cứu chữa.
Vì là thương binh nặng ¼, ông được đưa về sống ở trại điều dưỡng thương binh của tỉnh. Ở đây, ông đã ôn thi đại học, rồi đỗ Đại học Pháp lý (Đại học Luật bây giờ) trong triền miên của đau nhức vết thương tái phát. Nhưng rồi, ông đã không được đi học vì lý do sức khỏe yếu. Buồn, song ông luôn nhớ tới lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Cuối năm 1982, ông xin Trại điều dưỡng tỉnh cho về nhà. Sống bằng tiền trợ cấp thương binh, vợ có suất lương trợ cấp người nuôi dưỡng. Khó khăn túng thiếu, ông nén từng cơn đau buốt tới óc để cùng vợ con lo chuyện đồng áng. Ông bảo: Sống thì phải có lao động, chứ ngồi không, đợi chế độ Nhà nước chu cấp thì mình dễ hư.
Ngoài 1 mẫu ruộng, 1 mẫu chè, ông Âu đã dành tiền mua bò kéo, xe bánh lốp về làm dịch vụ vận tải. Công việc nặng nhọc, những chiếc đinh ghim giữ xương trong ống chân như muốn chồi ra ngoài, đau đớn, nhưng ông Âu cắn răng chịu đựng, làm lụng kiếm thêm tiền cho vợ, con bớt khổ. Gom góp dần, vợ chồng ông Âu mua được mảnh đất ở ngay ngã ba Bờ Đậu (Cổ Lũng, Phú Lương). Nhưng phải mất mấy năm gánh đất đổ vào, mảnh đất mới cao được lên bằng mặt đường. Và cũng mất gần 3 năm sau, vợ chồng ông Âu mới trả được hết nợ mua đất.
Đau yếu nhiều, ông Âu không đi xe bò kéo nữa, ở hẳn nhà cùng vợ bán nước, bán bánh chưng. Năm 2000, ông Âu bàn với vợ chuyển hẳn 1 mẫu đất chè sang trồng keo, hơn 1 mẫu ruộng ông để lại cho người khác làm. Vợ chồng ông tập trung vào làm dịch vụ gói bánh chưng và bán các loại bánh gai, bánh dày… Ông cho biết: Từ hơn 10 năm nay, trung bình mỗi ngày gia đình tôi bán được 100 cái bánh chưng loại to hoặc 400 cái bánh chưng loại nhỏ (Còn vào dịp trước Tết nguyên đán hằng năm, trong 7 ngày, gia đình tôi sử dụng hết 2 tấn gạo, 5 tạ đỗ xanh, 2 tạ thịt lợn để làm bánh chưng, tạo việc làm cho 5 lao động). Trừ chi phí đầu tư, tiền công cho người làm, gia đình tôi để ra được hơn 15 triệu đồng/tháng.
Qua trò chuyện với ông Âu, tôi còn được biết thêm: Cuộc sống đời thường kể cả khi khó khăn nhất, ông vẫn là một “mạnh thường quân”. Nhiều trẻ em nghèo ở địa phương được ông mua sách, vở, bút, mực tặng. Công việc nhà bận rộn, bản thân luôn đau đớn vì vết thương tái phát, song ông luôn dành thời gian đến với người nghèo để bày cho cách làm kinh tế, đồng thời cho vay vốn không lấy lãi. Nhiều hộ nhờ được ông giúp đỡ đã có cuộc sống kinh tế ổn định hơn, như gia đình ông Nguyễn Văn Khương, xóm Bãi Nha; gia đình ông Đào Văn Phóng, xóm Cây Lám… Làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu Quân nhân; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thương binh của xã từ nhiều năm nay, ông luôn gần gũi, gắn bó với hội viên, động viên mọi người yên tâm sản xuất, tích cực tham gia các phong trào do Nhà nước phát động. Khi hội viên bị ốm đau hoặc nhà có việc buồn, ông và các thành viên trong Ban Chủ nhiệm đến thăm hỏi, động viên kịp thời. Một số người nghiện ma túy, ông đến phân tích, động viên và giúp đỡ họ cai nghiện thành công. Ông tâm sự: Tôi là người bước ra từ lửa đạn chiến tranh, dù bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn động viên các đồng đội cũ phải vượt lên chính mình, xứng đáng với hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong trái tim người dân. Còn với những thanh niên bị sa ngã vào tệ nạn xã hội, tôi khuyên họ hãy từ bỏ một tật xấu để hoàn lương, sống có ý nghĩa cho chính mình và xã hội.
60 tuổi, ông Âu vẫn lạc quan, yêu đời và luôn là tấm gương sáng trước các phong trào sản xuất, kinh doanh và xây dựng đời sống văn hóa. Đầu năm 2012, ông được bà con Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu bầu làm Trưởng ban. Sau nhiều đêm trăn trở, ông đã xây dựng được một Quy chế làm việc của Làng nghề, quy định bà con làm ăn bảo đảm chất lượng sản phẩm, được UBND xã phê duyệt. Đầu tháng 6 vừa qua, UBND xã Cổ Lũng còn giao cho ông làm công tác quản lý môi trường. Vậy là trên đôi vai người thương binh Nguyễn Hải Âu được chính quyền địa phương, bà con nhân dân và đồng đội cũ đặt lên nhiều trọng trách, toàn công việc có tên mà không có lương bổng. Ông bảo với tôi: Mình phải biết hy sinh, biết cố gắng để đóng góp cho xã hội những gì tốt nhất mình có thể.