Với quan niệm đã nhận nhiệm vụ gì là phải làm hết trách nhiệm, từ khi được giao trọng trách làm chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Phú Bình, ông Ngô Văn Khoát luôn dành thời gian, tâm huyết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Khoát rất kiệm lời khi nói về mình và say sưa kể về các hoạt động Hội. Năm 1970, khi đó vừa tròn 22 tuổi và đang là sinh viên năm cuối Học viện Thủy lợi, ông Khoát đã xung phong vào sư đoàn 325 bộ binh, phòng không, không quân, chiến đấu tại các chiến trường của tỉnh Quảng Trị. Sau đó, ông được cử đi học và làm giảng viên, dạy tại Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ quốc phòng). Ông cũng từng làm chuyên gia chính trị cho quân đội Campuchia (1984-1987); làm công tác huấn luyện cán bộ tại Trường Quân sự (Quân khu I) cho đến khi về nghỉ hưu (2002) với quân hàm đại tá.
Về nghỉ hưu, ông được bà con ở khu dân cư tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ tổ 2, thị trấn Hương Sơn (từ 2002- 2006); rồi làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn. Đến năm 2008, ông được bầu làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/diôxin huyện. Ông nói, hoạt động Hội ngày càng phát triển là do đội ngũ cán bộ từ cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm chứ không phải của riêng cá nhân tôi. Được biết, hiện, Phú Bình là đơn vị duy nhất của tỉnh làm được cuốn album ảnh về các NNCCĐDC. Làm cuốn album này, vừa là một hình thức Hội lưu giữ tư liệu, vừa là để tuyên truyền tới các cá nhân, tập thể, đơn vị có lòng hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ các NN. Quá trình đi làm cuốn album với gần 100 bức ảnh về các NN có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt mất gần 3 tháng trời (đầu năm 2011). Cứ vào ngày cuối tuần, ông Khoát và đồng chí phó Chủ tịch Hội lại rong ruổi trên chiếc xe máy cũ đi khắp các xóm của 21 xã, thị trấn để gặp gỡ, chuyện trò và chụp ảnh các NN. Tiền xăng xe, ăn uống, hai ông phải tự bỏ tiền túi cá nhân ra.
Ông kể: Khi đi cơ sở, nắm được hoàn cảnh các NN chất độc da cam tôi vô cùng xúc động và nghĩ rằng trách nhiệm của mình cũng như tổ chức Hội càng phải nâng cao hơn nữa để giúp các NN vơi bớt những khó khăn. Mỗi lần đến thăm các NN, chứng kiến những đau đớn hành hạ thể xác và tinh thần của họ và con cháu họ tôi lại thấy lòng mình quặn lại, những giọt nước mắt không thể kìm nén cứ tuôn rơi. Đó là khi chúng tôi đến thăm gia đình một NN ở xã Thượng Đình, bố là NN trực tiếp, con trai năm nay ngoài 30 tuổi nhưng trí óc như một đứa trẻ. Thương tâm thay khi người bố phải dùng sợi xích to để xích con lại một chỗ nếu không con trai sẽ đập phá đồ đạc và đánh, chửi bới mọi người mà anh ta nhìn thấy. Hay một gia đình NN ở xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa. Người cha là NN đã mất, để lại người vợ bị viêm dây thanh quản, không nói được và một người con đã 40 tuổi nhưng chân tay co quắp phải nằm liệt giường từ bé. Mỗi khi có người vào chơi, bà mẹ lại lấy bức thư mà bà viết ra đưa cho đọc. Nội dung bức thư đó nói: tôi tuổi già, bệnh tật, sau khi tôi chết ai sẽ nuôi con tôi? Sau đó là lời gửi gắm mọi người chăm lo con mình...
Năm 2008, trong BCH lâm thời Hội NN Chất độc da cam/điôxin huyện, ông Khoát đã có công không nhỏ trong việc vận động thành lập Hội ban đầu với 584 hội viên. Đến nay Hội thu hút được 1.589 hội viên tham gia sinh hoạt ở 21 Hội cơ sở cấp xã và 163 chi hội NNCĐDC/diôxin của xóm. Nhằm giúp cho cuộc sống của các NNCĐDC ngày một tốt hơn, trong những năm qua, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp với các cấp, ngành, đoàn thể vận động nhân dân chung tay giúp đỡ các gia đình NN có hoàn cảnh khó khăn ổn định đời sống. Sau hơn 4 năm thành lập, Hội NNCĐDC huyện Phú Bình đã tham mưu, giới thiệu, tìm các nguồn lực từ nhiều đơn vị, nhà hảo tâm để hỗ trợ làm nhà mới cho 25 đối tượng NN có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 370 triệu đồng và trên 150 triệu đồng ngày công…
Hàng năm, Huyện hội cùng với Hội Chữ thập đỏ huyện kết hợp với ngành Y tế đều tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các NN nhân dịp ngày thảm họa Da cam Việt Nam (10-8). Từ khi thành lập đến nay, đã có 4.985 đối tượng được khám và cấp thuốc với tổng trị giá gần 315 triệu đồng từ Quỹ Bảo trợ NNCĐDC huyện; hỗ trợ gần 400 lượt NN mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền trên 600 triệu đồng; vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp thăm hỏi, tặng quà cho các NN với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng…
Tuy nhiên, trò chuyện với chúng tôi, ông Khoát vẫn thể hiện những trăn trở: Hiện còn gần 1.000 NN tham gia chiến đấu ở vùng Mỹ rải chất độc hóa học nhưng bị mất giấy tờ gốc, chưa được công nhận và hưởng chế độ. Bên cạnh đó, quyết định 09/2008/QĐ-BYT Ban hành Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin (17 loại bệnh) cũng gây một số khó khăn để họ hoàn thiện thủ tục… Rất mong các cấp, ngành, cá nhân, tập thể có lòng hảo tâm, quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ họ vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống….