Một trái tim luôn đồng cảm, sẻ chia

09:20, 18/08/2012

Mỗi năm, gia đình ông Chu Văn Lợi, thương binh hạng 3/4, nạn nhân chất độc da cam xóm Hạ, xã Nam Tiến (Phổ Yên) ủng hộ cho công tác nhân đạo từ thiện 25-30 triệu đồng. Ông tâm niệm, trên đời này còn có nhiều người khó khăn, bất hạnh hơn mình cần được giúp đỡ, chia sẻ để họ vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt là đối với những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc da cam càng phải được quan tâm nhiều hơn.

Tâm sự với chúng tôi, ông nói: Là người lính may mắn hơn nhiều đồng đội được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, sống trong hoà bình, hưởng những thành quả đổi mới của đất nước tôi thấy mình thật hạnh phúc. Nghĩ đến biết bao đồng đội đã sự hy sinh, bị thương tật nặng, bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày trong lòng tôi đau đáu không yên. Năm 1971, cũng như bao thanh niên thời đó, tôi lên đường kháng chiến chống Mỹ. Là lính bộ binh, thuộc Sư đoàn 304 chiến đấu trực tiếp tại Thượng Nguyên, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Trong một lần kế hoạch phục kích địch bị lộ, tiểu đoàn chúng tôi bị địch bắn trả quyết liệt. Tôi đã bị thương ở đầu, chân, tay, được đưa vào trạm xá, sau đó chuyển ra miền Bắc điều dưỡng. Đất nước thống nhất, tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê. Đến năm 1979, tôi tái ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tại Lạng Sơn) và đến cuối năm thì rời quân ngũ trở về địa phương.

 

Là thương binh hạng 3/4 vẫn còn sức để làm việc nhưng ngày mới xuất ngũ, trở về cuộc sống đời thường, lo "chuyện cơm áo gạo tiền" cho cả gia đình một vợ 5 con ông Lợi cũng thấy thật chật vật. Gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng ông luôn nghĩ mình còn may mắn so với nhiều đồng đội nên quyết tâm vươn lên, giữ vững bản lĩnh của người lính xông pha mọi mặt trận, không ngại khổ. “Cũng may vợ tôi luôn cảm thông, chia sẻ, động viên, rồi cùng với sự cố gắng của cả gia đình nên cuộc sống khấm khá hơn”- ông vui vẻ nói. Những ngày bần hàn ấy, ông Lợi phải xoay xở đủ thứ nghề từ thợ mộc, thợ xây, làm máy xát, sửa chữa cơ khí... để nuôi gia đình. Nhưng cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn chứ kinh tế không khá hơn được. Năm 1988, vợ chồng ông sinh con út (con gái thứ sáu). Không may, bé bị hở hàm ếch sâu, không có khả năng ăn uống. Nhiều người nói đó là ảnh hưởng của chất độc da cam mà ông cũng như bao đồng đội khác đã mắc phải khi chiến đấu nơi chiến trường Quảng Trị, phải mang về Trung ương may ra chữa được nhưng chi phí chắc là mất hàng tấn thóc. Người lại nói là bệnh này chỉ còn chờ chết chứ không cứu được. Vợ chồng ông rất hoang mang.

 

Do kinh tế khó khăn nên sau khi đưa con từ bệnh viện huyện về, hai vợ chồng đau đớn như đứt từng khúc ruột nhìn con gái mới một tháng tuổi đã mãi mãi ra đi vì căn bệnh quái ác. Những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ ở đầu lại tái phát, chân tay nhức buốt rời rã không thể làm gì được cũng thấy nản nhưng lại nghĩ khi còn trong quân ngũ gặp bao khó khăn, vất vả và nguy hiểm mình còn vượt qua thì cớ gì chùn bước. Vậy là lại quyết tâm lao động, sản xuất để nguôi quên đi nỗi đau thân thể. Năm 1994, học kinh nghiệm sản xuất gạch bên Phúc Yên (Vĩnh Phúc), ông Lợi đã mua máy móc và xe công nông để mở xưởng gạch. Đến nay, xưởng sản xuất gạch của gia đình ông đã được mở rộng 5ha tại vùng đồi Rõng Bò, với 8 lò gạch thủ công cải tiến ống khói không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi năm, trừ chi phí cơ sở sản xuất cho thu lãi gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 160 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

“Xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế gia đình trước đây khó khăn, kinh tế eo hẹp, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có các đồng đội nên khi làm có của ăn của để, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là chia sẻ khó khăn với những người nghèo, những nạn nhân chất độc da cam và người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình”- Ông Lợi tâm sự về động cơ làm việc thiện của mình. Cũng chính vì vậy mà ông Lợi không trao trực tiếp cho hộ nào, chỉ thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội cựu chiến binh, hội nạn nhân chất độc da cam, hội chữ thập đỏ... để họ tìm địa chỉ trao tặng. Ông cũng không muốn người được giúp biết mình là ai... Tôi được biết thêm điều ấy qua lời kể của các cán bộ Hội, đoàn thể xã Nam Tiến. Nhìn người đàn ông dáng nhỏ bé, làn da rám nắng, đôi mắt sáng và giọng nói cương trực ấy, tôi cảm nhận được những điều ông tâm sự đều rất chân thành và mỗi việc tốt ông làm đều xuất phát từ cái tâm chứ không phải để nhiều người biết đến.

 

Không chỉ là thương binh gương mẫu, giàu lòng nhân ái, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Đã 7 năm nay ông được người dân trong xóm tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm Hạ. Ông còn được các hội viên trong Ban Liên lạc sư đoàn 304 Phổ Yên (gồm 47 hội viên) bầu làm Trưởng Ban Liên lạc. Khi tham gia công tác xã hội, ông thấy đây là điều kiện để vận động các cá nhân và tập thể cùng làm từ thiện thuận lợi hơn. Năm nào nhân dịp 27-7, Ban Liên lạc cũng họp mặt, vào thăm chiến trường Quảng Trị xưa và đặc biệt là hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình hội viên là đối tượng người nhà liệt sĩ...

 

Nhận xét về ông Lợi, đồng chí Nguyễn Trọng Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Nam Tiến cho biết: Không chỉ là một thương binh làm kinh tế giỏi, ông Lợi còn là một trưởng xóm gương mẫu, tích cực trong công tác. Không những vậy, ông còn quan tâm, chăm lo dạy dỗ 5 người con của mình ngoan ngoãn, chăm chỉ phát triển kinh tế và đồng thời là một người có tấm lòng rộng mở, thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương... Tháng 7 vừa qua, ông được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBD tỉnh vì đã có thành tích tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên trong thời kỳ đổi mới.