Tin cháu Đặng Duy Hảo, con trai ông Đặng Xuân Tích - nạn nhân chất độc da cam, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, ở tổ dân phố 36, phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên (học sinh lớp 12A2, Trường THPT Chu Văn An) thi đỗ cả 2 trường Đại học Bách Khoa (22 điểm) và Đại học Sư phạm Hà Nội (21 điểm, chưa tính điểm cộng ưu tiên) đã khiến không ít người dân trong khu vực ngưỡng mộ và vui lây. “Kết quả ấy có được là sự nỗ lực của không chỉ bản thân em mà của cả bố mẹ và thầy cô đã dành cho em”: Hảo nói trong xúc động.
Sinh ra trong gia đình có 2 anh em, Hảo tuy may mắn hơn người anh bị bại não của mình, nhưng so với bạn bè cùng trang lứa, Hảo chịu khá nhiều thiệt thòi. Anh trai Hảo bị bệnh từ lúc sinh ra do nhiễm chất độc da cam từ bố nên không thể tự làm được bất cứ việc gì, dù chỉ là vệ sinh cá nhân. Chính điều đó đã khiến gia đình Hảo trở nên vô cùng khó khăn. Trước đây, bố Hảo làm công nhân Công ty Gang thép Thái Nguyên, còn mẹ là giáo viên dạy mầm non. Vì bệnh tật của con nên cả bố và mẹ Hảo đã phải xin về một cục để vừa có tiền, vừa có thời gian điều trị, chăm sóc con. Cứ nghe tin ở đâu có thầy thuốc giỏi, bố mẹ Hảo lại bồng bế con đến chữa. Nhưng tất cả các thầy thuốc đều phải lắc đầu trước căn bệnh của anh Hảo.
Chán nản và mệt mỏi, bố Hảo từ bỏ hẳn ý nghĩ sinh thêm con, nhưng mẹ Hảo thì vẫn nuôi niềm tin và hi vọng. Bà động viên chồng sinh thêm 1 đứa, nếu chẳng may có mang bệnh cũng cam chịu chăm sóc 2 con. 7 năm sau, bố mẹ sinh Hảo. May mắn thay, Hảo là 1 đứa trẻ bình thường và khá thông minh. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đã quá vất vả vì anh nên Hảo sớm hình thành được tính tự lập, biết vâng lời, chăm chỉ học tập để bố mẹ vui lòng. Những năm học tiểu học và trung học cơ sở, Hảo thường bị phân tán tư tưởng bởi sự phá phách và những cơn la hét inh ỏi suốt cả ngày của anh. Từ khi bước vào lớp 10 cho đến nay, Hảo đã quen dần với cuộc sống không một ngày bình lặng trong gia đình. Mặc dù được bố mẹ tạo những điều kiện tốt nhất trong học tập, nhưng Hảo rất hạn chế việc xin tiền để học thêm hay mua sách, vở. Ngoài sách giáo khoa, ở mỗi môn học, Hảo chỉ có 1-2 quyển sách nâng cao.
Trước năm 2011, gia đình Hảo liên tục thuộc diện hộ nghèo của tổ dân phố. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào tiền lương làm bảo vệ cho tư nhân của bố và xe bán hàng rong “bữa đực, bữa cái” của mẹ (bố, mẹ Hảo phải thay nhau ở nhà chăm sóc anh trai Hảo). Nhưng từ hơn 1 năm nay, bố và anh trai Hảo được Nhà nước hỗ trợ tiền chất độc da cam (tổng cộng được 2,9 triệu đồng/tháng) nên cuộc sống gia đình Hảo bớt đi phần nào cực nhọc. Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, được sự quan tâm của chính quyền, các ngành, đoàn thể, gia đình Hảo được hỗ trợ 25 triệu đồng để tu sửa lại ngôi nhà tập thể vốn cũ kỹ.
Hàng ngày, ngoài giờ học ở trường, Hảo dành mọi thời gian có thể để phụ giúp bố mẹ công việc nhà và chăm sóc anh. Hảo thường bắt đầu ôn bài từ 8 giờ đến 10 hoặc 11 giờ khuya. Nhìn bố mẹ mỗi ngày một sạm đi, Hảo luôn tự nhủ sẽ cố gắng học thật tốt, học thêm cả phần của anh để bố mẹ có thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống. Suốt 12 năm học, chỉ có năm học lớp 10 là Hảo không được học sinh Giỏi (do môn Văn được 6,4), còn lại Hảo đều là học sinh giỏi toàn diện. Năm học lớp 12, Hảo được chọn tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh 2 môn: Vật lý và máy tính cầm tay, Hảo đều giành được giải (giải Ba và giải Khuyến khích).
Hảo tâm sự: Trong các môn học, em thích nhất là môn Vật lý, vì môn học này giúp em phát triển tốt tư duy, hiểu thêm được nhiều sự vật, hiện tượng trong tự nhiên cũng như có điều kiện để học tốt hơn môn Toán học. Cũng vì thế, em đã chọn thi vào khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa. Em mong muốn sau này sẽ trở thành kỹ sư chế tạo máy giỏi, có điều kiện làm điểm tựa vững trãi cho bố, mẹ và anh trai.
Tấm gương vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập cùng những suy nghĩ của em Đặng Duy Hảo thật đáng để các bạn học sinh học tập. Chúng tôi tin, những nỗ lực của em chắc chắn sẽ được đền đáp.