Đó là tâm sự của ông Vũ Văn Bang, thương binh hạng 4/4 trú tại xóm Bình Nguyên 1, xã Điềm Mặc (Định Hoá) khi nói về Cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trong ngôi nhà khang trang, thoáng mát, ông Bang vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi, ông cho biết: Tháng 12/1971, khi vừa tròn 19 tuổi, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 304 và được huấn luyện 6 tháng tại Trại Cau, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Đến tháng 6/1972, ông lên đường vào Nam và trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong trận đánh ở ngã ba Tăng Téo, Quảng Trị năm 1973 ông đã bị thương vào đùi và lưng và được chuyển ra điều trị, dưỡng thương tại bệnh viện Quảng Bình. Cũng trong thời gian đó, ông đã tham gia học lớp y tá 8 tháng và khi bình phục trở lại chiến trường, ông chuyển sang làm y tá tại Bệnh viện của Sư đoàn 304. Tháng 1 năm 1977 ông Bang phục viên trở về địa phương với chức vụ Thượng sĩ Quân y.
Từ khi trở về địa phương, ông tham gia công tác tại UBND xã Điểm Mặc với nhiều chức vụ khác nhau từ Phó Bí thư Đoàn xã đến cán bộ Văn hoá xã, cán bộ địa chính, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch HĐND xã. Trong suốt thời gian tham gia công tác, ông Bang là người luôn luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào. Năm 1987, khi đang làm cán bộ Văn hoá xã, ông cùng lãnh đạo xã vận động bà con xây dựng chợ. Được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo và bà con trong xã, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Quản lý chợ. Giai đoạn 1995-1996, với tư cách là Chủ tịch HĐND xã Điềm Mặc, ông cùng Đảng bộ, chính quyền xã vận động nhân dân xây dựng trường cấp 2; cùng nhân dân tham gia xây dựng trạm y tế, đường điện; chủ động tham mưu cho chính quyền xã vận động nhân dân làm đường liên thôn Đồng Vinh - Bản Bắc - Bình Nguyên… Cuối năm 2011 ông về nghỉ hưu sau 33 năm tham gia công tác.
Ông Bang tâm sự: Trong một lần đọc báo, tôi đọc được mẩu truyện ngắn viết về Bác Hồ khi đến thăm một trường học. Trường khi đó đang bị thiếu nước sinh hoạt do số lượng học sinh và giáo viên rất đông. Bác thấy vậy đã nhắc nhở học sinh, giáo viên trong trường: Tại sao trường có đông giáo viên, học sinh như vậy mà không tự đào giếng lấy nước sinh hoạt, các cháu còn trông chờ vào người khác thì đến bao giờ mới có nước uống? Đọc xong câu chuyện, tôi thấy rất thấm thía lời dạy của Bác, từ đó, tôi luôn tâm niệm, làm việc gì mình cũng nên chủ động, tự chủ thì công việc sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Khi nghỉ công tác xã hội, ông Vũ Văn Bang cũng đã thực hiện lời dạy của Bác trong phát triển kinh tế gia đình. Với diện tích đất rộng ông chăn nuôi gà ta, gà mía với trồng rau. Đầu năm 2010, ông Bang đầu tư 6 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi 50 con gà mía được lấy giống tại Trại giống thị xã Sông Công, ông nuôi gối vụ theo phương thức tận dụng thức ăn sẵn có trong gia đình như ngô, thóc gạo, rau xanh. Đến nay, đàn gà của gia đình ông đã tăng lên 200 con, mỗi năm ông suất bán được 3 lứa gà, mỗi lứa thu được từ 1 tạ đến 1,5 tạ cung cấp cho thị trường trongvà ngoài xã, trừ chi phí còn được lãi khoảng 25 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở mô hình chăn nuôi gà, ông Bang còn là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư nuôi chồn nhung đen. Tháng 9- 2011, ông đã mua 10 con chồn với giá 11 triệu đồng nuôi thử nghiệm. Ngay những lứa Chồn đầu tiên, ông đã bán được 40 con giống với số tiền thu được là 12 triệu đồng. Hiện trong chuồng của gia đình còn 50 con chồn bố mẹ và chồn con. Thời gian tới, ông Bang tiếp tục nhân giống chồn nhung đen để cung cấp cho thị trường. Khi thị trường ổn định, ông sẽ chuyển sang nuôi chồn thương phẩm. pCũng từ hiệu quả ban đầu từ mô hình nuôi chồn của ông Bang, đến nay trong xã Điềm Mặc cũng đã có thêm 6 hộ nuôi chồn để phát triển kinh tế gia đình.
Với tinh thần nhiệt huyết, tận tâm trong công tác xã hội; năng động, nhanh nhẹn, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, hình ảnh người lính cụ Hồ đầy nghị lực khiến chúng tôi thực sự khâm phục.