Đã từng làm Bí thư Chi bộ gần 9 năm, nên khi trao đổi với tôi về những chuyển biến tích cực mà Tổ dân phố 7, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên đạt được trong những năm qua, ông Cao Văn Tôn, Bí thư Chi bộ đúc rút một kinh nghiệm từ thực tiễn: “Tôi luôn thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng; tư tưởng thông suốt thì công việc trôi chảy; tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”.
Chính từ nhận thức ấy, nên Cấp ủy và Chi bộ rất coi trọng công tác tư tưởng. Tư tưởng luôn phải đi trước một bước, thống nhất và xuyên suốt từ Chi bộ, chính quyền, các đoàn thể đến người dân mới tạo sự đồng thuận cao để triển khai mọi việc được thuận lợi. Ông Tôn kể, từ năm 2005 trở về trước, con đường vào tổ dân phố rất khó đi, mưa thì lầy lội, nắng lên thì bụi. Tối đến không ai muốn ra đường vì trời tối om, cây cối um tùm, an ninh trật tự không nghiêm, trộm cắp vặt không tránh khỏi. Vệ sinh môi trường không đảm bảo vì người dân không có chỗ vứt rác tập trung, cứ búi cây, rãnh nước là quẳng rác thải xuống. Nhiều hộ nghèo nhà tranh, vách nứa xiêu vẹo. Thực tế ấy ai cũng biết, nhưng do đời sống người dân còn khó khăn (tổng số có 168 hộ, trên 600 nhân khẩu; trong đó 80% số hộ làm nông nghiệp; địa bàn lại rộng trên 1km2) nên chưa ai nghĩ đến những việc làm thay đổi tình hình.
Tuy nhiên, qua nắm bắt tư tưởng của bà con, Chi ủy nhận thấy, nguyện vọng của người dân là rất mong mỏi thoát khỏi tình cảnh trên, vấn đề còn lại là có quyết tâm làm hay không. “Việc gì có lợi cho dân, khổ mấy cũng làm; việc gì có hại cho dân dễ mấy cũng phải tránh”. Câu nói ấy của Bác Hồ lại một lần nữa như “kim chỉ nam” định hướng cho chúng tôi nêu cao quyết tâm thực hiện ý nguyện của dân. Thế là, qua nhiều lần trao đổi bàn bạc, chúng tôi nghĩ: nếu làm ngần ấy công việc một lúc mà phải huy động hoàn toàn bằng sức dân thì rất khó thực hiện, vì vậy, phương châm đề ra là cần triển khai từng việc để thay đổi bộ mặt khu dân cư và giãn sức dân.
Với điều kiện của các hộ dân còn nghèo nên cái khó nhất vẫn là huy động kinh phí để làm. Trong “cái khó, ló cái khôn”, Chi ủy đề xuất “sáng kiến”: việc gì cần thiết nhất thì làm trước, sau đó lựa chọn mỗi năm làm một việc để người dân có điều kiện đóng góp. Cùng với đó là tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư làm các công trình. Rất may, với truyền thống đoàn kết, thống nhất cao, nên các đảng viên trong Chi bộ đều đồng tình. Khi triển khai đến người dân cũng được hưởng ứng tích cực. Thế là, con đường là ước mơ lớn nhất của người dân, được ưu tiên làm trước.
Đường có 3 loại: ngõ, nhánh, trục chính, Tổ đã chọn ngõ làm trước; sau đó làm đường nhánh và đường trục chính. Trong 6 năm (từ 2005 - 2011), Tổ đã làm được 7 nhánh đường dài 2.380 m; trục đường chính Đông Tiến - Trại Bầu dài 1.100 m (trong đó riêng nhân dân đóng góp 533 triệu 400 nghìn đồng, còn lại Nhà nước hỗ trợ). Cùng với đó, Chi bộ đã đề ra Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh phong trào xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, nhằm giúp các hộ hòa nhập cộng đồng. Với tinh thần “tương thân tương ái” vốn có, các hộ dân đã đồng lòng chung sức đóng góp; cùng với các nguồn vốn huy động, hỗ trợ khác để xây dựng, sửa chữa nhà dột nát cho các hộ nghèo.
Chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2011, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã vận động nhân dân, các doanh nghiệp, các dòng họ, các cơ quan, đoàn thể xây dựng được 9 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và hộ chính sách, với tổng trị giá trên 470 triệu đồng. Trong đó có nhà được hỗ trợ 100% kinh phí để hoàn thiện (40 triệu đồng). Tổ được đánh giá là đơn vị làm được khá nhiều nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo trong những năm qua.
Năm 2011, nhân sự kiện ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc; hưởng ứng thực hiện Luật môi trường, Chi bộ tiếp tục có Nghị quyết về triển khai làm đường điện chiếu sáng và các thùng chứa rác công cộng, lập thành tích chào mừng các sự kiện trên. Dẫn tôi đi thăm tuyến đường bê tông giữa một ngày tháng tám “nắng rám quả bòng”, nhưng tôi không cảm thấy nóng bức mà thay vào đó là cảm giác khoan khoái, dễ chịu bởi nơi đây chỉ cách con đường Quốc lộ có vài trăm mét nhưng không khí thật trong lành. Con đường bê tông uốn lượn len lỏi vào từng ngõ nhỏ, hai bên đường sạch sẽ, thoáng mát; điểm xuyết là những thùng rác công cộng. Trên cao, hàng cột điện với 87 bóng đèn cao áp song hành cùng con đường đi vào từng ngỏ nhỏ.
Ông Phạm Trường Thi, Chi ủy viên, Tổ phó Tổ dân phố 7, Trưởng ban công tác Mặt trận tâm đắc chỉ vào những thùng rác khoe với tôi: “Mỗi người dân chỉ đóng góp 5 đến 10 nghìn đồng, chúng tôi đã làm được 11 thùng chứa rác công cộng (trị giá hơn 4 triệu đồng) để bà con ở các ngõ đổ rác vào, cuối ngày có người mang rác ra bãi tập trung, chuyển rác đi; với cách này, vừa không còn cảnh rác vứt bừa bãi hoặc trước mỗi cổng nhà lại có một túi rác treo trông mất mỹ quan, lại làm đẹp cảnh quan môi trường”.
Chỉ trong 6 năm (2005- 2011), 4 việc lớn của tổ đã được giải quyết do có sự đóng góp không nhỏ của người dân. Vì thế, diện mạo khu dân cư đổi thay đáng kể: đường xá phong quang, sạch đẹp; tối về điện sáng lung linh, người già, trẻ nhỏ không còn ngại ra đường như trước, an ninh thôn xóm đã bình an. Nhờ có đường bê tông, giá trị đất đai tăng nơi đây lên gấp bội; những ngôi nhà tranh tre đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà ngói vững chãi; nhiều biệt thự đã mọc lên khang trang tô điểm thêm bộ mặt khu dân cư.
Không riêng gì việc lớn mà ngay cả từ những việc làm nhỏ như: tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu thiếu niên, nhi đồng; công tác khuyến học; huy động đóng góp các quỹ và thuế theo quy định; giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế (năm 2005 còn 38 hộ nghèo, năm 2011 còn 5 hộ)… do có sự đồng thuận giữa sự lãnh đạo của Chi bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhân dân nên mọi việc đều trôi chảy; góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ những việc làm cụ thể đó đã đem lại niềm tin trong nhân dân. Chẳng thế mà, trong đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp năm 2011, Tổ dân phố 7 có 2 người trúng cử vào HĐND phường là minh chứng thể hiện sự tin tưởng của người dân với đội ngũ cán bộ Tổ.
Qua trao đổi chúng tôi được biết, để đạt được kết quả trên, đi đôi với coi trọng công tác tư tưởng, Ban Chi ủy và Chi bộ đã thực hiện phương châm: lãnh đạo phải bằng nghị quyết, muốn có nghị quyết phải sinh hoạt đều. Vì thế, Chi bộ đã duy trì được sinh hoạt hàng tháng theo quy định. Trong các cuộc họp, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ để mọi người cùng bàn bạc, thống nhất cao rồi mới ban hành nghị quyết. Mỗi năm, Chi bộ đều đề ra được nghị quyết để thực hiện. Khi có nghị quyết, đối với những việc lớn chính quyền đều họp dân để : “dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra”; các tổ chức đoàn thể vào cuộc tích cực vận động người dân tham gia hưởng ứng. Trong quá trình triển khai, Chi ủy đều phân công đảng viên phụ trách đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện nghị quyết. Kết thúc mỗi công việc đều có tổng kết, thông báo kết quả công khai đến dân.
Điều đáng nói là, Chi bộ có 22 đảng viên, trong đó có 8 đảng viên tuổi cao, sức yếu nên không phân công vào các chức danh của Tổ, còn lại, đã là đảng viên thì mỗi người đều phải tham gia giữ một chức danh nào đó nhằm phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu của đảng viên. Trong các phong trào, đảng viên luôn thể hiện vai trò người đi đầu. Ví dụ như trong việc làm đường, Trưởng ban công tác Mặt trận phải vận động được bà con trong ngõ nhà mình làm điểm trước để “làng nước đi sau”; công tác thu gom rác thải được phân công cho một nữ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn đảm nhiệm, vừa tạo thêm thu nhập cho gia đình, vừa thể hiện được trách nhiệm cao trong công việc. Đối với một số khoản đóng góp như: quỹ khuyến học, hoạt động hè cho các cháu, các đảng viên (kể cả đảng viên sinh hoạt theo Quy định 76 của Bộ Chính trị) đều gương mẫu đóng góp cho quỹ, hạn chế sự đóng góp của người dân.
Chính sự gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc của các đảng viên trong mọi phong trào đã tạo động lực định hướng cho mọi người và tạo niềm tin để người dân làm theo. Những kết quả trên của Ban Chi ủy, Chi bộ đã được các cấp ghi nhận bằng phần thưởng xứng đáng: Chi bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh; những năm gần đây, Tổ được công nhận Khu dân cư văn hóa.