Những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, bom đạn của kẻ thù đã cướp đi bàn tay trái và nửa bàn phải của chiến sĩ Đặng Quốc Việt. Khuôn mặt của ông cũng bị bom Na-pan thiêu cháy làm biến dạng và đen sạm. Đau đớn hơn với người chiến sĩ cách mạng này là một người con sinh ra bị tàn tật không thể đi lại, thần kinh mất ổn định nên hết khóc lại cười bởi di chứng của chất độc hóa học. Tiếp đến là người vợ hiền thảo của ông lại mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời khi đứa con tật nguyền vẫn còn bú mẹ. Là người bình thường, khi phải hứng chịu cả nỗi đau thể xác và tâm can đó chắc đã bị quật ngã, nhưng với bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ”, thương binh Đặng Quốc Việt đã vượt qua…
Khi chúng tôi tới nhà, thương binh Đặng Quốc Việt vẫn đang kẹp chặt cánh tay bị thương tật vào mạn sườn để giữ thúng cỏ, bàn tay thương tật còn lại vung từng bó cỏ nhỏ cho đàn cá dưới ao. Tôi hỏi thương binh Đặng Quốc Việt: Bác còn nhận ra cháu không?
- Anh là người làng trên, công tác tại Báo Thái Nguyên nên sao tôi lại không nhận ra.
Tiết trời mát mẻ, trong lành, cộng thêm tình cảm của người thương binh nặng dành cho các nhà báo lâu ngày gặp lại nên câu chuyện của chúng tôi say sưa và pha lẫn cả những tiếng cười. Chuyện trò chừng hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi đề nghị thương binh Đặng Quốc Việt đưa đi tham quan “dinh cơ” của gia đình và thấy khác xưa rất nhiều. Khi trước, ngoài căn nhà xây 4 gian từ tiền tích lũy của gia đình, tiền ủng hộ (các nhà báo ủng hộ 20 triệu đồng từ tiền vận động, đóng góp) của đồng đội, họ hàng, làng xóm thì đây vẫn là khu đất trống, bao quanh toàn ruộng sình lầy. Giờ khuôn viên đã có thêm gian bếp nho nhỏ nhưng được xây dựng chắc chắn, khu chăn nuôi bố trí khoa học, khoảnh ruộng trước nhà được nạo vét bùn và xây bờ bao giữ đất làm vườn, cây ăn quả trồng quanh nhà. Bác Việt chia sẻ:
- Những công trình này hầu hết là công sức của tôi và các cháu khái phá, xây cất, tôn tạo. Giá trị không lớn nhưng đó là sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình. Gia đình tôi được như hôm này là nhờ sự quan tâm của Nhà nước, anh em đồng đội, láng giềng.
Bác hàng xóm bên cạnh nói với chúng tôi, thời gian trước, khi còn khỏe, thương binh Đặng Quốc Việt vẫn cùng các con canh tác gần 1 mẫu ruộng, rồi lên rừng lấy củi đun nhưng giờ ở tuổi gần 80 nên các con đều khuyên nghỉ ngơi nhưng ông vẫn tự nhủ phải “sống khỏe, sống có ích” nên sáng dậy sớm dắt con trâu ra đồng cho ăn cỏ, tiện kiếm thêm bao cỏ về chăn cá, ngoài ra phụ giúp thêm việc nuôi gà, chăn lợn và trông cháu. Đồng chí Dương Quốc Sang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Yên cho biết thêm: Đồng chí Đặng Quốc Việt tuy mất tới 81% sức khỏe nhưng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn sống, trách nhiệm với con cháu, thân tình với đồng đội, hàng xóm.
Ngược thời gian, bác Việt kể: Năm 1967, tôi nhập ngũ khi cậu con trai đầu lòng mới chỉ bập bẹ 2 từ “ba…ba”, gia đình lại neo đơn nhưng vì nền độc lập vẫn vững bước lên đường vào Nam chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện 3 tháng, tôi được phân vào Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 246, chiến đấu tại tuyến đầu của chiến trường Quảng Tri. Tại Quảng Trị, đơn vị tôi có nhiệm vụ chốt chặn đánh các cuộc phản công của Mỹ, ngụy và làm nhiệm vụ trinh sát cho các đơn vị của ta tránh bị bọn biệt kích của địch đánh úp bất ngờ. Nơi chiến trường ác liệt giữa sự sống và cái chết nên chỉ có những ai trực tiếp cầm súng ở đó mới cảm nhận được sự ác liệt, thảm khốc, gian khổ của chiến tranh. Có lần chống địch phản công, kẻ thù áp đảo về lực lượng, vũ khí được trang bị hiện đại nên tiểu đội của tôi cố gắng chặn địch để cho đơn vị rút lui. Vì địch quá đông nên các đồng đội của tôi hy sinh gần hết, khi đêm khuya mới thoát khỏi vòng vây của kẻ thù nhưng cũng bị lạc. Tuy khốc liệt, gian khổ là vậy nhưng tôi và các đồng đội đã lập được nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong trận càn của địch vào cuối tháng 9/1968, tôi bị thương nặng và ngất lịm, khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở trạm quân y chiến trường, rồi được chuyển ra Hà Nội chữa trị. Sau hơn 1 năm điều trị, an dưỡng, tôi được xuất viện và làm thủ tục xuất ngũ trở về quê nhà.
Là thương binh hạng I, trở về địa phương trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, thương binh Đặng Quốc Việt sức khỏe lại yếu, tháng nào cũng phải nhập viện điều trị. Con nhỏ, chồng yếu nên vợ ông là lao động chính lo cho cuộc sống của gia đình nên cũng có lúc ông không tránh khỏi tâm trạng buồn chán. Khổ tâm hơn là đứa con sinh ra năm 1976 hình hài không bình thường do di chứng của chất độc da cam. Nén nỗi đau vào lòng, thương binh Đặng Quốc Việt càng quật cường để làm chỗ dựa cho người vợ hiền và đàn con nhỏ nên ông cố gắng làm tất cả những công việc của nhà nông có thể. Sức chịu đựng của thương binh Đặng Quốc Việt lại thêm một lần nữa bị thử thách khi người vợ hiền đảm đang mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi đứa con tật nguyền vẫn còn bú mẹ. Nỗi đau chồng lên nỗi đau khiến ông suy sụp hẳn, khuôn mặt vốn đã bị bom đạn của kẻ thù đốt cháy một bên nay càng hằn lên sự khắc khổ, đau thương.
Người dân xóm Đầm Gành vẫn còn ám ảnh về cảnh 3 đứa con nhỏ của ông Việt tự ở nhà bồng bế, trông nhau, còn ông vẫn bắt trâu đi cày ruộng. Bị thương tật nên bên bàn tay cụt ông Việt lấy dây chạc trâu buộc chặt lại để điều khiển, bàn tay còn lại 3 ngón dùng để cầm cày. Những ngày đầu lao động, cánh tay ông Việt dùng để buộc dây chạc thâm tím lại, tụ máu xưng mọng. Tiền trợ cấp thương binh hàng tháng của Nhà nước cũng chỉ đủ cho ông Việt và cậu con trai tật nguyền thuốc thang nên 4 miệng ăn của gia đình ông phải tự lao động kiếm sống. Khổ nhất là hàng ngày ông Việt phải chăm sóc cậu con trai tật nguyền to lớn kềnh càng nhưng không thể tự chủ được sinh hoạt của bản thân. Ông Dương Vũ Trụ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Mỹ Yên cũng là người bạn đồng ngũ của ông Việt cho biết: “Tôi có 2 người con tật nguyền do di chứng của chất độc hóa học nên thấu hiểu nỗi đau của ông Việt phải chịu đựng. Nhưng nghị lực vượt qua khó khăn của ông Việt khiến chúng tôi vô cùng cảm phục và là tấm gương sáng với đồng đội”.
Nghe câu chuyện về cuộc đời của thương binh Đặng Quốc Việt, chúng tôi thấy trong lòng nghẹn lại nhưng không biết làm sao để truyền tải hết được những điều đáng quý hơn cả ngọc sáng của người chiến sĩ cách mạng này. Khi chia tay chúng tôi, thương binh Đặng Quốc Việt vẫn những lời nói bình dị mà sâu sắc: “Chúng tôi lên đường cầm súng chỉ đăm đắm một điều là chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc, chẳng ai nghĩ mình hy sinh, để được vinh danh, ghi công hay nhận chế độ”. Xin nói thêm, cuộc sống hiện tại của gia đình thương binh Đặng Quốc Việt nay đã no đủ hơn nhờ chính sách trợ cấp thường xuyên của Nhà nước, nhưng qua câu chuyện, chúng tôi thấy người chiến sĩ kiên trung này còn có điều rất lo lắng đó chính là tương lai của cậu con trai út bị tật nguyền sẽ ra sao khi ông mất đi?.