Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, ông đã vinh dự được kết nạp Đảng trong chiến trường. Đến khi bị địch bắt, giam từ nhà tù này sang nhà tù khác, người đảng viên ấy luôn nêu cao tinh thần kiên cường, giữ lập trường tư tưởng vững vàng, cùng các đảng viên, quần chúng đấu tranh trong nhà tù, trại tạm giam.
Người chúng tôi nói đến là ông Mưu Thanh Hữu, đảng viên Chi bộ xóm Lát Đá, Đảng bộ xã Bình Sơn (T.X Sông Công).
Dù chết cũng không làm lộ bí mật
Kể về trận đánh ác liệt, sau đó mình bị thương và bị địch bắt làm tù binh, giọng ông Hữu trầm xuống: Đầu tháng 3-1973, đơn vị ông thực hiện nhiệm vụ ở khu vực núi Dài (Tây Ninh). Trên đỉnh núi có khu vực treo cờ, nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa ta và địch. Khi đó, địch đã đánh chiếm được cột cờ, đơn vị của ông Hữu nhận lệnh của cấp trên phối hợp cùng một số đơn vị đặc công khác giành lại vị trí và treo cờ cách mạng. Bước sang ngày thứ 5, trận chiến giữa hai bên càng trở nên ác liệt khi địch huy động nhiều phương tiện hiện đại để trấn áp quân ta. Ngày cũng như đêm, tiếng xe tăng chạy, tiếng pháo bắn ầm ào gầm rú liên tục. Khi ông Hữu đang trực thông tin trong hang đá thì bị giặc bắn đạn DK xối xả, nhiều người bị thương, riêng ông Hữu bị trúng đạn ở chân. Mất nhiều máu nên ông ngất đi và chỉ nhớ loáng thoáng sau đó được đồng đội cõng ra ngoài. Sáng hôm sau, khi tỉnh lại, ông thấy mình nằm dưới chân núi, xung quanh đất đá lấp kín. Đúng lúc địch dồn quân vào thu dọn thương binh và bắt tù binh. Chúng đưa ông và nhiều chiến sĩ về chữa trị tại nơi tập kết của quân Ngụy, dùng nhiều thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn dã man nhưng không khai thác được thông tin gì từ ông và đồng đội.
Ông Hữu bảo: Bị bỏ đói, đánh đập dã man, nhưng tôi luôn xác định, mình là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, bộ đội cụ Hồ dù có chết cũng không được hé răng để lộ bí mật cách mạng.
Với tinh thần đó, trong suốt hơn 1 tháng ở nhà tù Tây Ninh, sau đó là Biên Hòa, mặc cho địch tiếp tục dùng nhiều chiêu bài từ dụ dỗ đến đòn tra khảo, hỏi cung các tù binh, nhưng người cộng sản kiên trung Mưu Thanh Hữu vẫn không khai thông tin gì về cách mạng. Khi ở nhà tù Biên Hòa cũng vậy, ông Hữu đã nêu cao tinh thần đảng viên, cùng hơn 100 người tuyệt thực 3 ngày nhằm yêu cầu địch thực hiện đúng chế độ ăn uống với tù binh; chống lại quản giáo khi chúng đánh đập dã man đồng đội.
Ông Hữu người dân tộc Sán Dìu, sinh năm 1942, tại xã Phúc Thọ (Đại Từ). Tháng 4-1968, ông lên đường nhập ngũ, được cấp trên phân vào Trung đoàn 246 (Đại Từ). Sau thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Tây Ninh. Làm nhiệm vụ trực máy thông tin của đơn vị, ông luôn được cấp trên đánh giá cao vì tinh thần trách nhiệm, cần mẫn trong công việc. Tháng 5-1971, với những thành tích xuất sắc trong đơn vị, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi đang ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 26 (Cục Tham mưu). Nhớ lại ngày kết nạp Đảng trong chiến trường ông nói: Trang trí, khánh tiết đơn sơ khi tuyên thệ trước cờ Đảng, tôi cảm động vinh dự và tự hào. Lúc ấy tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ hừng hực một quyết tâm sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, không tiếc xương máu vì độc lập của nước nhà.
Và đảng viên trẻ Mưu Thanh Hữu đã sống gần 2 năm trong nhà tù Cần Thơ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975). Ông kể: Thời điểm ấy khoảng 800 cán bộ, chiến sĩ của ta bị địch bắt làm tù binh, giam giữ ở 12 buồng giam. Anh em đã nhanh chóng thành lập Chi bộ buồng giam số 7 với 6 đảng viên tham gia sinh hoạt (mỗi buồng giam đều có chi bộ, trực thuộc Đảng bộ toàn nhà tù). Hôm nào các đảng viên cũng tận dụng thời gian họp mặt, cùng động viên, khuyến khích cùng giữ vững ý chí của người đảng viên, không làm ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng. Chi bộ cũng giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách việc tuyên truyền một nhóm cán bộ, chiến sĩ của ta trong phòng giam không khai báo thông tin về cách mạng, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ. Nhận sự chỉ đạo của Đảng bộ, trong thời gian ở nhà tù Cần Thơ, các chi bộ đã nhiều lần đấu tranh giành quyền lợi cho tù binh. Cụ thể như có lần biết địch cắt tiêu chuẩn gạo, đường, nước của anh em, các cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã thống nhất biểu tình, không đi lấy gạo, không nấu cơm, tuyệt thực trong nhiều ngày. Sau đó, địch phải chấp nhận nấu cháo mang vào buồng giam và gọi anh em nhận gạo, nước để nấu ăn bình thường.
Tiên phong làm kinh tế, giúp đỡ người nghèo
Ngày 30-4-1975, nghe thông tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, tất cả anh em trong nhà tù Cần Thơ vỡ òa trong niềm vui sung sướng. Nhận lệnh của Đảng bộ, các chi bộ chỉ đạo anh em xông vào kho vũ khí, lương thực, cùng phá nhà tù về đơn vị. Cuối năm 1975, sau khi về đơn vị, ông Hữu lại được cử ra đảo Phú Quốc làm nhiệm vụ giữ đảo cho đến tháng 12-1975 được ra miền Bắc. Cảm phục người đảng viên, tù binh, thương binh trẻ mà sau đó bà Nguyễn Thị Kiệm, giáo viên trường tiểu học Bình Sơn đã đồng ý nên vợ nên chồng với ông Hữu, về sinh sống tại xóm Lát Đá, xã Bình Sơn.
Sau khi vợ chồng ông Hữu dọn đến, họ ngày đêm phạt cây, cỏ, san mặt bằng đất để trồng rừng và chè. Với bàn tay hay lam, hay làm, vợ chồng ông Hữu đã gieo màu xanh, gieo sự sống trên mảnh đất cằn. Giờ, nơi đó là 10ha keo lai xanh tốt, hơn 6 sào chè cành búp mơn mởn. Ngoài trồng rừng, chè, gia đình ông nuôi vài lợn nái và 40 con lợn thịt trở lên mỗi lứa, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ có tinh thần kiên định, quả cảm, không sợ khó, không ngại khổ của người lính - đảng viên gương mẫu, ông còn có tấm lòng thương yêu, chia sẻ với những mảnh đời, số phận không may. Khi có kinh tế ổn định, ông đã hỗ trợ nhiều về vật chất, tinh thần cho những gia đình neo đơn, có công với cách mạng. Bất cứ xóm, xã, thị xã phát động phong trào vận động ủng hộ gia đình khó khăn, giúp đỡ hội viên cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam khi họ gặp hoạn nạn, xây nhà tình nghĩa; địa phương xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng… ông đều tham gia tích cực. Vì vậy, ông đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, trong đó có Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận thành tích xuất sắc của trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2012. Nhiều năm liền gia đình ông được Chủ tịch UBND thị xã Sông Công tặng Giấy khen là gia đình văn hóa tiêu biểu…