“Lòng con trong sáng hơn”

14:26, 13/05/2015

Khi cầm trên tay tờ Báo Thái Nguyên, đọc những tác phẩm dự thi về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,  nhiều bạn đọc ở mọi lứa tuổi, mọi giới chợt cất câu hát: Nhớ lời Bác lòng con trong sáng hơn. Bởi qua mỗi tác phẩm dự thi, bạn đọc tìm được ở đó bài học quý giá về kinh nghiệm sống, phấn đấu và cống hiến...

Đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi được phát động từ tháng 4-2014 đến hết ngày 30-4-2015. Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 100 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên từ các huyện, thị và thành phố gửi dự thi. 93 tác phẩm báo chí đạt chất lượng được Ban Biên tập lựa chọn đăng tải trên các ấn phẩm Báo Thái Nguyên thời sự; Báo Thái Nguyên Chủ nhật; Báo Thái Nguyên thời sự và Báo Thái Nguyên Điện tử, trong đó có 90 tác phẩm báo in và 3 tác phẩm truyền hình. Cuộc thi xuất hiện một số cây viết tích cực, có nhiều tác phẩm tham dự như nhà báo Thân Thị Mai Linh Lan (10 tác phẩm); Nguyễn Minh Phương (7 tác phẩm); Trần Nguyên (7 tác phẩm)... Đặc biệt, trong số 10 cộng tác viên có bài dự thi đạt chất lượng được đăng tải trên Báo, tác giả Thanh Nhạn (T.P Thái Nguyên) có 3 tác phẩm. Còn hầu hết các cộng tác viên chỉ tham gia dự thi với 1 bài viết mà tác giả thấy tâm đắc nhất.

 

Với tổng số 93 tác phẩm báo chí dự thi được đăng tải trong thời gian 1 năm, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng do chuyên mục phong phú, gần gũi với cuộc sống đời thường nên đã đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Điều trân trọng là trong quá trình tổ chức cuộc thi, Ban Biên tập Báo Thái Nguyên đã công tâm lựa chọn những tác phẩm thực sự có chất lượng mới cho đăng tải. Bởi mỗi tác phẩm viết về chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được ví như tấm gương sáng cho bạn đọc soi mình vào đó để tự hoàn thiện bản thân. Ví như tác phẩm: “Người đảng viên dân tộc Tày mẫu mực” của tác giả Dương Hưng, đăng trên số báo 4356, ra ngày 3-8-2014, viết  về 1 đảng viên người dân tộc thiểu số ở vùng quê Đức Lương (Đại Từ). Bài viết ngắn gọn, không lên gân, tác giả khéo léo kể lại với bạn đọc từng mẩu chuyện nhỏ mà nhân vật trong bài viết đã làm được, nhưng hiệu quả của bài báo mang lại là động viên, khuyến khích bạn đọc, nhất là với bạn đọc người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, miền núi học tập tinh thần khắc phục khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng và biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình cùng ổn định cuộc sống.

 

Mỗi tác giả có cách nhìn, cách tiếp cận nhân vật, riêng, và đồng thời có nghệ thuật chắp bút riêng, độc đáo, tạo cho chuyên mục thêm phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Tác gỉả Lưu Thị Bạch Liễu  (T.P Thái Nguyên) tham gia cuộc thi bằng bài viết: “Người nữ công nhân dũng cảm”, đăng trên Báo Thái Nguyên hằng tháng, phát hành tháng 12-2014. Tác giả có cách lựa chọn đề tài dự thi táo bạo. Nhân vật được viết trong bài là chị Ngô Thị Thuận, nhân viên bảo vệ của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng đã cùng anh chị em trong tổ bảo vệ của Công ty, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ cơ hội, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để rút ruột tài sản của Nhà nước. Bài viết như hơi ấm lan tỏa, và mang tính nhân văn sâu sắc với thông điệp: Những kẻ cơ hội, sống chà đạp lên nhân phẩm của người lao động chỉ vì lợi lộc riêng, trước sau đều bị pháp luật trừng trị đích đáng. Các tác phẩm: “ Điểm tựa nơi xóm núi” của tác giả Phương Thơm; “Xây dựng trường chuẩn Quốc gia trên núi” của tác giả Trinh An và tác phẩm: “Giám đốc trẻ với bí quyết 3 cùng” của tác giả Bùi Hiệp, Quân Khu 1 có chung lối viết hồn hậu viết theo lối kể chuyện, giúp bạn đọc dễ hình dung về cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật điển hình được phản ánh trong bài viết.

 

Vào Báo Thái Nguyên điện tử, xem phóng sự: “Tình người gieo chữ trên non” do Kim Ngân viết lời bình, Mạnh Hùng camera đăng trên Báo Thái Nguyên Điện tử, nhiều bạn đọc, nhất là đội ngũ các thế hệ cán bộ, giáo viên của tỉnh đều nể phục về tinh thần yêu trẻ, lòng đam mê nghề nghiệp và tận tụy của anh, chị em giáo viên đang công tác ở những bản người đồng bào Mông. Ở đó, các cô giáo Lường Thị Kim Oanh, Hoàng Thị Luyến, Đinh Thủy (Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, Đồng Hỷ) và cô giáo Đoàn Thị Bích Ngọc (Trường Mầm non Văn Lăng) và anh, chị em giáo viên trong Trường luôn bận rộn với nghiệp trồng người. Dù ở đó khó khăn chất chồng, nhưng tình yêu con trẻ đã thôi thúc, níu lòng anh, chị em giáo viên ở lại để dạy chữ cho con em đồng bào người Mông. Tác giả Kim Ngân đã làm người xem xúc động trào nước mắt khi: “Lớp học mầm non, các bé chiều nay vắng đến hơn một nửa. Lý do là mấy ngày trước mưa nhiều làm cho các con đường đến lớp đều rất khó đi...”. Rồi: “Có khi cô giáo bảo trẻ học bài, trẻ lại nằm xuống ngủ. Trẻ nọ nhìn trẻ kia, và thế là cả lớp nằm xuống trong giờ học”. Đề tài không mới, nhưng cái hay, cái thần trong bài phóng sự là tác giả đã khai thác được những chi tiết đắt và khéo léo sử dụng ngôn từ, làm tác phẩm trở nên sinh động.

 

Những cây viết là cộng tác viên tích cực của báo, như: Văn Giang (Phổ Yên) với tác phẩm: “Không chỉ nói suông”; Nguyễn Hồng Nhung (Phú Lương) với tác phẩm: “Người góp phần lưu giữ ngôn ngữ và chữ viết dân tộc Sán Chay”; tác giả Hoàng Thủy (Phú Bình), với tác phẩm: “Người thương binh tận tâm với nghề thuốc” đã khắc họa trên trang viết hình ảnh những con người yêu lao động, sống nhân ái, bao dung, luôn sẵn lòng sẻ chia, giúp đỡ mọi người.

 

Cuộc thi báo chí viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lần này đã thu hút được đông đảo mọi người, mọi giới tham gia. Nhiều tác giả đã thể hiện tác phẩm của mình bằng cách nhìn riêng, độc đáo, tạo ấn tượng hấp dẫn với bạn đọc. Cuộc thi không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nội dung tờ báo, mà còn tạo được một sân chơi, một diễn đàn dân chủ giữa Đảng bộ tỉnh với nhân dân Thái Nguyên. Đặc biệt những bài viết tham dự cuộc thi còn như một cẩm nang, một bài học kinh nghiệm để bạn đọc nghiên cứu, học tập và làm theo.