Người dân xã Bản Ngoại (Đại Từ) được đánh giá là năng động bởi bà con luôn khát khao vươn lên bằng việc tìm kiếm, đưa những giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. Có thể, sự khát khao vươn lên này của người nông dân đã “truyền lửa” cho con cái họ, để thế hệ trẻ ở Bản Ngoại hôm này dù đã thoát ly hoặc ở lại quê hương làm kinh tế đều chăm chỉ và khá năng động. Điển hình như thanh niên Trần Ngọc Anh…
Khu nhà Trần Ngọc Anh ở hiện được gọi là xóm Phố vì sầm uất nhất xã Bản Ngoại. Xóm Phố khác với các vùng quê miền núi khác bởi có nhiều nhà 2, 3 tầng, hàng quán dịch vụ đủ loại nên nhìn qua cũng biết dân cư nơi đây có cuộc sống khá giả, làm ăn năng động. Còn khi chúng tôi gặp thanh niên Trần Ngọc Anh sinh năm 1986 - một điển hình của tuổi trẻ xã Bản Ngoại lại ấn tượng hơn bởi sự dễ gần, tự tin nói chuyện sang sảng. Bố mẹ Ngọc Anh đều làm nông nghiệp nên kinh tế gia đình em trước đây cũng ở mức trung bình tại địa phương và phải tằn tiện mới đáp ứng được việc học hành của các con. Tốt nghiệp THPT, Trần Ngọc Anh không học tiếp mà xin bố mẹ cho đi học lái ô tô tải để tự tạo việc làm.
Chính những ngày tháng nắm vô-lăng chở gỗ thuê trên cung đường Thái Nguyên - Bắc Giang đã giúp Ngọc Anh tích luỹ được vốn sống, kinh nghiệm làm ăn và ý nghĩa hơn là em muốn làm chủ trong sản xuất, kinh doanh. Từ những kiến thức đã học, vốn tích luỹ, ước mơ của mình, Ngọc Anh đã mạnh dạn đề nghị bố mẹ cho thế chấp tài sản của gia đình để vay vốn ngân hàng, mở xưởng chế biến gỗ. “Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, lập thân, lập nghiệp nên em đã quyết tâm xây dựng mô hình chế biên lâm sản ngay tại quê hương. Phát triển kinh tế làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho người lao động, nhất là các bạn thanh niên tại địa phương là động lực thôi thúc em”. Trần Ngọc Anh chia sẻ.
Con đường đến với nghề chế biến lâm sản của Trần Ngọc Anh không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi có nhiều người cùng tham gia kinh doanh, thị trường thay đổi thất thường nên chàng thanh niên này vừa cẩn trọng, vừa quyết đoán để chớp lấy những cơ hội cho cơ sở sản xuất của mình. Ban đầu, Trần Ngọc Anh xây dựng cơ sở sản xuất nhỏ nên vừa làm chủ nhưng cũng vừa là thợ chính trong các công đoạn sản xuất. Khi đã vững quy trình sản xuất, sản phẩm có thương hiệu và có những đối tác tin cậy, Trần Ngọc Anh đã đăng ký thành lập công ty TNHH Thương Mại và Đầu tư Hải Anh, chuyên mua bán và chế biến lâm sản với số vốn ban đầu gần 1 tỷ đồng (năm 2009). Từ khi có pháp nhân, Ngọc Anh đã vay thêm vốn ngân hàng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng phục vụ sản xuất với sản lượng gần 1.000 m3 gỗ/năm (sản phẩm chính là răm phục vụ chế biến giấy và thanh gỗ xuất khẩu). Vượt qua những khó khăn, thửa thách, đến nay doanh nghiệp của Trần Ngọc Anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và gần 30 lao động mùa vụ với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Trong số lao động nêu trên có tới 14 người hiện là đoàn viên, thanh niên. Kinh doanh thuận lợi nên mỗi năm doanh nghiệp của Trần Ngọc Anh đã nộp ngân sách khoảng 400 triệu đồng và khoản lãi sau thuế đạt 150 triệu đồng. Ghi nhận những kết quả đó, trong những năm qua, Trần Ngọc Anh đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của; UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Ngoài làm kinh tế giỏi, Trần Ngọc Anh còn tham gia công tác đoàn tại địa phương với chức danh hiện tại là Phó Bí thư Đoàn xã. Lòng nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi công việc nên Trần Ngọc Anh được đoàn viên, thanh niên địa phương rất tin tưởng, coi là tấm gương sáng để học tấp.