Mắc nợ với… dân ca

16:47, 27/08/2016

Bí thư Đảng ủy xã Định Biên (Định Hóa), anh Ma Khánh Huân nói với tôi: “Cần tìm hiểu những thông tin về lịch sử, văn hóa của xã và cả vùng này, chú nên gặp bác Hoàng Luận. Bác ấy là người nắm rõ nhất”. Tôi tìm gặp người đàn ông người dân tộc Tày 72 tuổi ấy để rồi tâm phục: Ông thực sự tâm huyết và am hiểu văn hóa Tày - Nùng!

Nhà ông Hoàng Luận (nhà văn Hoàng Luận) ở xóm Khau Diều, xã Định Biên, gần Di tích lịch sử cấp Quốc gia - địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên. Cách đó không xa là khu rừng Thàn Mát và ngôi đình Làng Quặng gắn với sự kiện thành lập Đội Việt Nam Giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Luận say sưa giới thiệu về những di tích, về các sự kiện quan trọng của dân tộc đã diễn ra tại địa phương với niềm tự hào lớn lao. Lịch sử vẻ vang và bề dày truyền thống văn hóa dân tộc hòa quyện vào nhau trở thành cảm hứng bất tận cho ông sáng tác văn học - nghệ thuật.

 

Ở ông có sự tâm huyết và say mê kỳ lạ với những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc Tày - Nùng. Được khơi chuyện, bao ký ức đẹp trong người đàn ông có khiếu văn chương và “nghiện” văn hóa dân tộc ùa về. Thuở chưa đến 10 tuổi, cậu bé Hoàng Văn Luận (tên “cúng cơm” của ông) còn cởi trần đã trốn nhà theo đàn anh, đàn chị đi hát then, sli, hát lượn ở các lễ hội. Miệng nhẩm theo lời ca đến mê mải. Khoảng 12-13 tuổi, cậu bắt đầu lân la tìm gặp những người hát giỏi trong vùng để được nghe họ hát và chép lại lời của các làn điệu dân ca… Giờ ngẫm lại, ông Luận bảo chả hiểu sao lúc đó mình đã biết nghĩ và làm vậy, có lẽ vì quá yêu những lời then, câu lượn ngọt ngào.

 

Xuất ngũ năm 1971, ông Hoàng Luận về công tác tại địa phương, làm Bí thư Đảng ủy xã Định Biên hơn 10 năm trước khi nghỉ hưu. Bận công tác xã hội và làm kinh tế gia đình, nhưng hễ có chút thời gian rảnh là ông lại cắp sổ, bút đi khắp nơi tìm gặp những người biết hát, còn nhớ lời và nhớ các làn điệu dân ca Tày - Nùng, để học hát, để ghi chép lại cẩn thận từng lời ca, tích truyện cổ. Chẳng ai giao việc, tự tâm ông thấy mình có trách nhiệm phải đi nhanh, đi nhiều, gặp nhiều và chép lại thật nhiều vốn cổ trước khi chúng theo các cụ “về” với tổ tiên.

Ông Hoàng Luận và các cháu nhỏ bên bia đá trong khuôn viên Di tích lịch sử đình Làng Quặng.

 

Kiên trì, miệt mài gần cả đời cùng tình yêu bất tận với dân ca nói riêng và văn hóa Tày - Nùng nói chung, ông Hoàng Luận tạm hài lòng với những gì đang có: Sưu tầm được khoảng 500 bài dân ca các loại với hàng nghìn câu ca bằng lời cổ, đặt lời mới cho hơn 300 bài then, sli, lượn; tập hợp, biên soạn thành những tài liệu có giá trị như “Các làn điệu dân ca sli, lượn của người Tày - Nùng, Định Hóa”, “Hát ví người Tày, Định Hóa”… Ông cũng cất công sưu tầm được khá nhiều tích truyện cổ trong vùng như: Nàng Kim quế, Lưu đài hán xuân, Đình quân - Đình cờ, Giooc cọt (tạm dịch là hoa mồ côi)…

 

Các thể loại dân ca Tày - Nùng ở Định Hóa (then, pụt, sli, lượn thương, lượn cọi, lượn lồng tồng, lượn nàng hai, hát ví, thơ lẩu…), ông Hoàng Luận đều thuộc và hiểu rõ ý nghĩa. Giới thiệu đến mỗi thể loại, ông lại hát vài câu bằng tiếng Tày, lúc vui tươi, rộn rã, lúc da diết buồn thương. Tiếng đàn tính trên tay ông ngân nga trầm bổng, thánh thót vang cùng lời hát, vọng vào không gian của vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Ông bảo, mỗi khi cất lời ca là lòng mình dâng lên niềm tự hào, đắm say khó tả. Rồi ông nói như một nhà lý luận thực thụ: Bản sắc văn hóa là linh hồn của mỗi dân tộc, phải giữ gìn, phát huy song hành với quá trình hòa nhập và giao thoa. Tôi tự đặt ra nguyên tắc khi sưu tầm, biên soạn là phải tôn trọng vốn cổ, ghi chép chính xác từng chữ, từng lời, chỉ chỉnh sửa những chỗ thực sự không còn phù hợp.

 

Những bài hát cổ đã sưu tầm được, trước hết ông hát cho thỏa lòng, hát cho gia đình, bạn bè nghe, hát tại các hội nghị, tại nhiều diễn đàn văn hóa - văn nghệ do chính ông khởi xướng. Từ năm 1993, khi còn trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã, ông Hoàng Luận đã thành lập và đích thân làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa - Văn nghệ xã Định Biên. Là “linh hồn” của CLB, ông trực tiếp truyền dạy những bài dân ca cổ cho các thành viên, đặt lời mới rồi phổ biến cho mọi người cùng hát. CLB hoạt động đều đặn đến nay là nhân tố quan trọng để xã Định Biên trở thành địa phương tiêu biểu của huyện về phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng. Bà Dương Thị Thái ở xóm Làng Quặng, một thành viên CLB bày tỏ: Sự nhiệt huyết và tài năng của ông Luận khiến chúng tôi rất cảm phục. Ông ấy có công lớn với các phong trào của địa phương…

 

72 tuổi nhưng ông Hoàng Luận có tâm hồn trẻ, dễ cười, dễ hát và yêu đời thiết tha. Ông thích gặp gỡ, giao lưu với những người trẻ để nói với họ về truyền thống, kể những tích truyện cổ, và đặc biệt là để hát, truyền dạy cho họ những điệu dân ca đằm thắm chở nặng tâm tình bao thế hệ người Tày - Nùng. Nhiều người mê hát then, mê tiếng đàn tính tìm đến nhà, ông sẵn sàng phục vụ, nhiều nơi xa có nhu cầu truyền dạy, ông cũng chẳng quản công. Hàng chục năm tự nguyện sưu tầm và truyền dạy những làn điệu dân ca cổ truyền, ông Hoàng Luận không nghĩ mình sẽ được vinh danh. Cuối năm trước, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì “Đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”.

 

Ông Hoàng Luận là một nhà văn, hội viên tích cực của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và huyện Định Hóa. Chẳng được học gì liên quan đến văn chương nhưng khả năng viết lách của ông thật đáng nể: Đã xuất bản 12 đầu sách, trong đó có 7 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn và 1 tập thơ; chuẩn bị xuất bản 2 tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn và nhiều công trình văn hóa đã sưu tầm. Nhiều tác phẩm văn xuôi như: “Thao thức vùng đồi”, “Cây không lá”, “Làng một người”, “Hơi ấm Bác Hồ”… được ông lấy cảm hứng từ chính mảnh đất quê hương, đã nhận được giải thưởng cao về văn học. Không chỉ thế, ông đã kiên trì suốt 10 năm (2005-2015) một mình sưu tầm tư liệu và biên soạn hoàn chỉnh cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Định Biên. Chẳng vì kinh tế, ông tự thấy mình có trách nhiệm phải làm, bỏ tiền túi ra làm khi xã nghèo chưa có kinh phí tạm ứng.

 

Hiện, ông Hoàng Luận vẫn miệt mài viết, tích cực sưu tầm và truyền dạy dân ca, như cánh chim không mỏi. Bản thân được gì, ông không quan tâm nhiều bằng những thứ có thể để lại cho đời, từng lời then, câu lượn…/