“Vàng càng luyện càng trong”

16:42, 17/09/2018

Từ tuổi “thất thập”, có thể gọi là tuổi vàng, an nhàn, nghỉ ngơi bên con cháu. Nhưng nhiều cụ mỗi ngày vẫn hăng hái luyện tập thể thao, tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình, xã hội. Ông Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng Ban Đại diện Hội Người Cao tuổi (NCT) của tỉnh cho biết: Cuộc sống đời thường, nhiều người cao tuổi đã có những thành công và đóng góp xứng đáng cho gia đình và xã hội. Các cụ là những người dám nghĩ, dám làm, đạt được nhiều thành công trong lao động, sáng tạo, trở thành tấm gương mẫu mực trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Đức Điểm, tổ 28, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) là một minh chứng về NCT làm kinh tế giỏi của tỉnh. Hiện mô hình kinh doanh vận tải, thương mại vật liệu xây dựng do ông phụ trách, tạo việc làm cho 140 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 3 triệu đến 15 triệu đồng/người/tháng (tiền công trả theo năng lực người lao động). Mô hình kinh tế của ông đạt doanh thu hơn 2.125 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1,7 tỷ đồng/năm. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ông Điểm nói vui: So với các cụ thì… tôi còn trẻ lắm, mới 70 tuổi, nên còn phải học hỏi nhiều kinh nghiệm của người đi trước.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh: Hiện toàn tỉnh có hơn 142.000 hội viên, 70% hội viên còn sức khỏe tham gia các loại hình kinh tế, trong đó có hơn 1.300 NCT được cơ sở suy tôn làm kinh tế giỏi. Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam cho biết: Cùng cả nước, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Thái Nguyên đã triển khai có hiệu quả Phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”; “Nêu gương sáng xóa đói giảm nghèo”, vươn làm giàu chính đáng. Kết quả Phong trào góp phần ổn định cuộc sống về vật chất, tinh thần cho NCT, ổn định an sinh xã hội; đồng thời góp phần không nhỏ cùng các ngành, cấp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Không vì cao tuổi mà nản chí làm giàu, cụ Nguyễn Văn Sực, 94 tuổi, ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) đã cùng con, cháu đầu tư, chăm sóc đồi cây ăn quả, đắp đập ngăn nước làm hồ nôi cá. Từ mô hình kinh tế này, gia đình cụ đạt thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Cùng ở thị trấn Trại Cau, gia đình cụ La Văn Thuận, 84 tuổi, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn. Từ 5 năm gần đây, gia đình cụ đạt thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm… Là hộ có nhiều “của ăn, của để”, nhưng cụ Sực, cụ Thuận sống hòa nhã, khiêm tốn, tích cực giúp đỡ hộ nghèo trong vùng vốn vay đầu tư cho sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu.

Đang mùa Na, lên huyện Võ Nhai, hỏi chuyện NCT làm giầu, chúng tôi được nhiều người dân nói vui: Ông cứ về La Hiên, mua na, hỏi đường đến gia đình cụ Phạm Hồng Tráng, 82 tuổi, xóm Hiên Minh, xã La Hiên là gặp. Và đúng như lời chỉ dẫn của người dân địa phương, cụ Tráng được nhiều người biết đến không phải vì tuổi cao, mà vì cụ là một nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực giúp đỡ người nghèo. Nhìn một khoảng đồi rộng đầy nhãn, na khép tán, tôi hỏi: Cụ có bao nhiêu gốc cây ăn quả? Cụ ôn tồn, bảo: Gốc cây nhiều đếm sao xuể, cụ chỉ nhớ việc làm vườn, lúc nào thì cây cần được làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại. Đến mùa quả chín thì cùng các con cháu đi thu hoạch, mang bán… Cụ dừng lời nhìn quả na vừa nứt mắt, rồi bảo: Đồi cây ăn quả này mang lại cho gia đình tôi gần 200 triệu đồng/năm.

Chuyện làm giàu, cụ Trịnh Xuân Uyển, 80 tuổi, xóm Tân Khê, xã Tức Tranh (Phú Lương) nói khẳng khái: Mỗi người mỗi cách, nhưng không phải làm giàu bằng mọi giá, mà trước hết là phải đúng quy định của pháp luật, được Nhà nước cho phép. Bản thân tôi cũng một thời có cuộc sống khó khăn, nhưng tôi đã vươn lên bằng chính sức lao động của mình để thoát nghèo, từng bước ốn định cuộc sống và nhiều năm nay đạt tiêu chí hộ giầu ở địa phương... Qua trò chuyện với cụ chúng tôi biết: Để có được một cuộc sống khả giả như hôm nay, cụ phải bươn trải qua rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Và cụ đã chiến thắng khó nghèo bằng chính sự sáng tạo trong lao động sản xuất, bằng đức tính cần cù, siêng năng. Trong 5 năm gần đây, mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng cây cảnh, nuôi cá của cụ đạt tổng thu nhập hơn 2 tỉ đồng, trong đó năm 2017 đạt thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Về T.P Thái Nguyên, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của ông Phạm Đắc Suất, 70 tuổi, xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn. Ông Suất gầy, nhỏ nhưng có nghị lực. Tôi nói như vậy vì thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông bị 7 mảnh đạn pháo găm vào người, hiện còn 2 mảnh nằm sát với buồng phổi. Năm 1985, ông về nhà thấy mẹ ăn thiếu, mặc rách. Ông rơi nước mắt, nói: Con là thương binh, nhưng con còn có đủ chân, tay. Con sẽ không để mẹ phải ăn đói, mặc áo vá… Giây lát dừng lời vì xúc động, ông tiếp tục câu chuyện: Bố mất sớm, nhà chỉ có 2 mẹ con. Hơn 10 tuổi, tôi đã biết cầm dao đốn cây, dọn bãi, trước lúc đi bộ đội (18 tuổi), tôi đã phát dọn bãi trổ mố, trồng màu được 5.600 m2 đất. Và khu đất này được tôi cuốc bới nát nhừ để trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau, như mơ lai, hồng không hạt, nhãn, vải, mỗi đợt trồng, chăm bón, thu hoạch bán không được lại chặt phá, trồng cây khác, cuối cùng mới là cây thanh long. Hiện tôi có hơn 400 trụ, trong đó có 200 trụ thanh long ruột đỏ. Mỗi năm vườn thanh long cho thu hoạch gần 5 tấn/vụ, tương đương với số tiền 150 triệu đồng.

Còn nhiều nữa các cụ, những tấm gương sáng trong phong trào vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Các cụ, những người thuộc thế hệ tuổi vàng, càng luyện, càng trong, luôn là những tấm gương cho con cháu soi chung. Ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tâm đắc: Ở mọi thời đại, NCT luôn có cống hiến to lớn với đất nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, NCT đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; tích cực tham gia vào những phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tội phạm, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động văn hóa - thể thao, bảo vệ môi trường.