Ra trường với tấm bằng cử nhân đại học, vì những lý do khác nhau mà nhiều tri thức trẻ chọn về quê hương thay vì xin vào làm việc tại cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp. Với kiến thức, sự mạnh dạn và lòng nhiệt huyết, họ đã không ngại khó, ngại khổ để đóng góp cho địa phương bằng sự khởi đầu rất thấp.
Bài 1: Cán bộ xóm 9X
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều cử nhân đại học đang làm trưởng, phó xóm hoặc trưởng các đoàn thể. Với đồng phụ cấp ít ỏi, chắc chắn họ đảm trách công việc này không phải vì mục đích kinh tế. Tuy tuổi đời, kinh nghiệm đều còn hạn chế, nhưng bù lại họ có kiến thức và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Những cán bộ cơ sở 9X dần chiếm được niềm tin, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Bỏ cơ hội hấp dẫn để về làm trưởng xóm
Được Huyện đoàn Đại Từ giới thiệu, tôi khá tò mò khi vào xem một nhóm kín trên trang facebook với tên gọi: “Họp xóm online - xóm Bãi Chè, xã An Khánh”. Nhóm có hơn 50 thành viên, với tiêu chí: “Cập nhật thông tin nhanh nhất đến từng hộ gia đình, đáp ứng với thời đại công nghệ 4.0”. Tại đây, tôi thấy có hướng dẫn chi tiết, kèm ảnh chụp mẫu phiếu điều tra dân cư; thông báo các gia đình lập danh sách con có thành tích học tập tốt để khen thưởng; lịch khám chữa bệnh miễn phí; thậm chí cả thời gian thanh niên trong xóm đi hộ gia đình có người qua đời… Thành viên quản trị nhóm, cũng là Trưởng xóm Bãi Chè, anh Hoàng Văn Lục nói: Giờ mọi người trong xóm, nhất là lớp trẻ hầu hết đều sử dụng mạng xã hội. Những nội dung thông báo lên đó vừa nhanh, trực quan, có thắc mắc gì có thể phản hồi được ngay. Chỉ cần một người trong gia đình là thành viên nhóm nắm bắt thông tin là có thể báo lại cho cả nhà. Ngoài ra, chúng tôi còn chia sẻ cả những kiến thức hữu ích trong sản xuất nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, các bài báo chính thống để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc”.
Hoàng Văn Lục, 25 tuổi có dáng dấp của một thư sinh, tốt nghiệp Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên và được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm đầu năm nay. Lục dùng máy tính xách tay, thành thạo kỹ năng văn bản, tổ chức các buổi họp xóm hay sinh hoạt cho thiếu nhi đều dùng máy để trình chiếu cho trực quan, sinh động. “Khi bắt đầu vào đại học, tôi không ở trọ mà đi về trong ngày. Lúc đó đang làm Bí thư Chi đoàn của xóm. Ra trường, đã có một số công ty ở Hà Nội gửi thư mời với mức lương hấp dẫn nhưng tôi từ chối. Quyết định về nhà một phần bởi bố mẹ đã già yếu, anh chị đều lập gia đình và ở xa. Quan trọng hơn là tôi mong muốn đóng góp sức trẻ và những kiến thức mình có cho địa phương” - Lục tâm sự. Tuy ở nhà nhưng anh vẫn làm việc trực tuyến, viết phần mềm và các ứng dụng online với thu nhập khoảng chục triệu đồng mỗi tháng. Tiền lương có thể ít hơn so với làm toàn thời gian tại công ty nhưng bù lại Lục có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong xóm. Từ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; hướng dẫn kê khai và làm văn bản, thậm chí kèm cặp kiến thức cho một vài em nhỏ… Nói về quãng thời gian làm Trưởng xóm chưa đầy một năm, Lục bảo: “Tuổi đời còn trẻ, chưa lập gia đình, kinh nghiệm công tác ít là những khó khăn, nhất là khi giải quyết các mâu thuẫn, xích mích ở cơ sở. Những lúc đó, tôi không tiếp cận với vai trò là trưởng xóm mà tự nhận mình là người em, người cháu để lắng nghe từ đó tìm cách hòa giải cho phù hợp. Mình làm việc công tâm, trách nhiệm nên bà con tin tưởng”.
Làm việc trách nhiệm, ắt được dân tin
Chia sẻ của Hoàng Văn Lục ở trên cũng là điều chị Hoàng Thị Hiền (sinh năm 1990), Trưởng xóm Đình Dầm, xã Nga My (Phú Bình) luôn tâm niệm. Chị Hiền là người dân tộc Tày, cử nhân Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Quê gốc tận huyện Hòa An (Cao Bằng), sau khi ra trường thì theo chồng về Nga My sinh sống. Từng về Hà Nội dạy hợp đồng, rồi làm ở trung tâm giáo dục một thời gian, việc được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng xóm khiến chị hoàn toàn bất ngờ bởi thời điểm đó đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Điềm Thụy. Chị kể: Khi về làm dâu ở Đình Dầm, tôi có tham gia các hoạt động phong trào của phụ nữ và chi đoàn thanh niên. Có lần đi họp xóm thay bố chồng, tôi đứng lên nêu ý kiến về việc làm sao để công khai, minh bạch các khoản quỹ cùng giải pháp hợp lý và được xóm áp dụng thực hiện ngay. Những lần sau đó, tôi đều phát biểu về các vấn đề của địa phương và được nhiều người tán thành.
Hơn 3 năm làm trưởng xóm, chị Hiền đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn xóm Đình Dầm. Dễ thấy nhất là các tuyến đường giao thông lầy lội trước kia giờ cơ bản được bê tông. Nhà văn hóa tuy chưa hẳn khang trang nhưng đã được sửa chữa, tôn tạo kiên cố. Hệ thống điện sinh hoạt đã nâng cấp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn ở top đầu của xã. Theo chị Hiền, khó nhất là tạo được lòng tin của nhân dân. Do vậy, chế độ chính sách, nhất là đánh giá tiêu chí hộ nghèo ở cơ sở phải thực sự minh bạch, không thể có chuyện ưu tiên người nhà hay thân quen. Với công trình tập thể, cần họp toàn thể nhân dân để bà con thống nhất phương án, mức và hình thức đóng góp. Mọi sự ủng hộ đều được thông báo trên loa truyền thanh và dán ở nhà văn hóa xóm để mọi người tiện theo dõi. Hỏi về khó khăn khi làm trưởng xóm, chị Hiền nói: “Tuổi trẻ, lại không phải người gốc ở địa phương nên lúc đầu có chút trở ngại. Nhưng tôi nghĩ việc gì đúng, có lợi cho tập thể thì cứ thế mà làm. Có gì vướng mắc sẽ trao đổi trực tiếp với bí thư chi bộ và ban công tác Mặt trận. Tôi từng bị đơn kiện liên quan đến việc xét hộ nghèo. Lúc đó bà con chưa hiểu cách chấm điểm mới theo tiêu chí đa chiều, đang ở hộ nghèo bị xét ra, mất nhiều quyền lợi nên ý kiến. Thế nhưng khi có sự trao đổi, giải thích lại thì họ đã vui vẻ rút đơn”.
Nhiệt tình, trách nhiệm cũng là những điều dễ thấy ở anh Dương Văn Tuyển, Trưởng xóm Cây Thị, xã Bình Thành (Định Hóa). Tốt nghiệp Trường Đại học Lao động xã hội (Hà Nội), anh không xin việc tại cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp mà về địa phương. “Nói là lý tưởng tuổi trẻ đóng góp cho quê hương thì vĩ mô quá, tôi nghĩ đơn giản với kiến thức được học thì dù ở cơ sở cũng có thể phát huy” - Tuyển nói. Sinh năm 1992, nhưng anh đã làm Trưởng xóm Cây Thị được nhiệm kỳ thứ 2. Ngoài ra còn đảm nhiệm cả vai trò Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng khuyến học và Chữ thập đỏ của xóm. Cương vị nào anh cũng được bà con đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Dương Văn Tới, một người dân xóm Cây Thị nhận xét: Tuyển còn trẻ nhưng chững chạc lắm, điều hành công việc đâu ra đấy. Tiện nhất là khi có vướng mắc gì về giấy tờ, hay thủ tục hành chính đến hỏi là cậu ấy giúp đỡ nhiệt tình”. Với cá nhân Tuyển, những kiến thức về công tác xã hội giúp ích anh khá nhiều trong quá trình tiếp xúc, trao đổi với bà con và tổ chức các công việc tập thể. Không chỉ tích cực với phong trào, anh còn gương mẫu phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi lợn rừng trung bình 60 con/lứa, kết hợp trồng chè cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm. Hỏi về dự định sắp tới, Tuyển khẳng định: “Chắc chắn tôi không ly hương và sẽ cố gắng làm thật tốt công việc hiện tại đến khi nào còn được bà con tín nhiệm”.
(Còn tiếp)
-------------------------