Trong rất nhiều ngã rẽ khi rời cổng trường cao đẳng, đại học thì khởi nghiệp ở quê có lẽ hướng đi ít người lựa chọn nhất. Bởi những khó khăn trong tiếp cận vốn, cũng như cơ hội phát triển và thành công. Tuy vậy, đã có không ít người trẻ dám tiên phong và đạt được thành quả nhất định.
Dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới
Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (năm 2014), rồi làm quản lý tại một công ty chuyên về dược liệu tại địa phương, thế nhưng niềm đam mê với cây cỏ, hoa lá… đã thôi thúc Lục Thị Thanh Huyền (dân tộc Nùng, sinh năm 1992) về quê chồng ở xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh (Phú Lương) trồng sả để chưng cất tinh dầu. Theo lời kể của chị Huyền, đầu năm 2015, tình cờ trong một vài chuyến đi đến các tỉnh: Tuyên Quang, Lào Cai, Quảng Nam… tham quan mô hình trồng dược liệu, sản xuất tinh dầu, chị thấy người dân làm rất hiệu quả. “Lúc đó tôi nghĩ, người ta làm được thì mình cũng làm được” - chị chia sẻ. Vậy là chị quyết định xin nghỉ việc tại công ty dù chưa được sự ủng hộ của người thân, gia đình. Trên mảnh đất gần 1ha, chị Huyền xuống giống trồng sả. Nhờ chất đất phù hợp, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây phát triển rất tốt, hàm lượng tinh dầu cao (1kg lá sả cho từ 0,3-0,45% tinh dầu). Bã sả sau khi lấy hết tinh dầu được tận dụng rải dọc các luống mới trồng giúp hạn chế cỏ mọc nên giảm chi phí.
Khi đã khẳng định hiệu quả và tìm được một số đầu mối liên kết tiêu thụ thì khó khăn lại đến với chị Huyền do vùng nguyên liệu quá ít, việc nhập thêm khiến giá thành sản phẩm bị đội lên cao. Chị cho hay: Ngoài 6 lao động làm việc thường xuyên, tôi cần thêm nhân công và mở rộng diện tích sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện chưa từng có cơ sở sản xuất tinh dầu nào khiến người dân hoài nghi về tính lâu dài của mô hình. “Cái khó ló cái khôn”, chị nghĩ ra cách thuê lại gần 7.000m2 đất của người dân, thuê chính họ trồng, chăm sóc cây sả theo quy trình của mình để lấy nguyên liệu. Sau 6 lứa thu hoạch, người dân nhận thấy lợi nhuận nên đã chủ động trồng sả để cung cấp cho cơ sở. Dần dần, chị Huyền đã thu hút thêm nhiều hộ dân trong vùng trồng sả, tổng diện tích lên tới 1,8ha. Tháng 5 vừa qua, chị đã thành lập Công ty TNHH Thảo dược Henava, với nguồn vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng. Doanh thu ban đầu đạt 100 triệu đồng/tháng, dự kiến sẽ tăng gấp 5-6 lần khi công ty đi vào hoạt động ổn định và có đủ nguyên liệu. Không chỉ sản xuất tinh dầu, chị Huyền còn đang nghiên cứu và thử nghiệm các dòng sản phẩm khác như: Kem đánh răng, dầu gội thảo dược, kem dưỡng da… với mong muốn từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.
Một lựa chọn, nhiều hướng đi
Giống như chị Lục Thị Thanh Huyền, khát khao khởi nghiệp từ làng chính là động lực khiến anh Hoàng Minh Tịnh (sinh năm 1987), ở xã Bảo Cường (Định Hóa) từ bỏ công việc ổn định tại một doanh nghiệp xây dựng sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông - Vận tải (Hà Nội). Năm 2013, anh Tịnh trở về quê, san gạt gần 1ha đất đồi để trồng các loại cây ăn quả. Anh cho biết: Mặc dù sống xa nhà đã lâu nhưng không lúc nào tôi thôi nghĩ về quê hương, về gia đình. Chính vì vậy tôi đã quyết định trở về và thử nghiệm trồng 0,5ha thanh long (tương đương 700 trụ). Do phù hợp với thổ nhưỡng nên trung bình mỗi năm, thanh long cho thu hoạch khoảng 6 tấn quả với giá bán trung bình từ 25-35 nghìn đồng/kg.
Từ kết quả ban đầu, nhiều người dân trong xã thường xuyên tìm đến anh Tịnh để học hỏi kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, tháng 9-2017, anh Hoàng Minh Tịnh đã kêu gọi 21 hộ dân thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản Bãi Hội với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là trồng cây ăn quả. Vốn điều lệ là 1 tỷ đồng. Sau 1 năm, HTX do anh Hoàng Minh Tịnh làm Giám đốc đã có 2,5ha cây các loại (thanh long ruột đỏ, nhãn, bưởi Diễn, cam Vinh, ổi) và trên 1.000 con bồ câu. Doanh thu của HTX ước đạt 700 triệu đồng/năm. Mặc dù mới đi vào hoạt động, song HTX đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân, nông sản làm ra được HTX thu mua hết theo giá thỏa thuận. Trên đà mở rộng thị trường, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tháng 8 vừa qua, HTX đã phối hợp cùng 7 HTX nông nghiệp khác thành lập Liên hiệp HTX đầu tiên của tỉnh. Nói thêm về hoạt động này, anh Tịnh chia sẻ: Chúng tôi đang lập kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các HTX, đồng thời tạo sức lan tỏa để nhiều người biết đến và tham gia phát triển kinh tế tập thể. Từ đây, sẽ không còn nhiều người phải xa quê hương, gia đình mà có thể đóng góp trực tiếp vào kinh tế - xã hội địa phương…
Điểm chung của những người trẻ trở về quê hương lập nghiệp đó là ở họ có trí tuệ, kiến thức nền tảng đã qua đào tạo, nên lĩnh vực mà họ lựa chọn không bó hẹp ở một ngành nghề nào mà linh hoạt tùy thuộc vào thế mạnh, điều kiện của địa phương. Đó cũng là lý do mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Phương (sinh năm 1988) và anh Nguyễn Huy Hưng (sinh năm 1987), ở xã Kha Sơn (Phú Bình) chọn sản xuất viên nén mùn cưa từ phế phẩm tại các làng nghề mộc mỹ nghệ trên địa bàn. Với kiến thức được đào tạo từ Khoa Chế tạo máy (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên), anh Hưng đã nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy ép mùn cưa mini thay vì các loại máy ép nhập khẩu với công suất lớn, có giá từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng. Từ quy trình sản xuất được khép kín đã cho ra đời những viên chất đốt có kích thước nhỏ gọn song lại có khả năng cung cấp nhiệt lượng lớn và ổn định (4400 - 4600 kcal/kg). Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của vợ chồng anh chị xuất bán khoảng 40 tấn viên nén mùn cưa thành phẩm, thu nhập bình quân đạt 500-600 triệu đồng/năm.
Chúng tôi gặp lại chị Nguyễn Thị Thanh Phương tại buổi khai mạc Hội chợ Mỗi xã, phường một sản phẩm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức mới đây tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (T.P Thái Nguyên). Cầm trên tay Giấy chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, chị không giấu được niềm hạnh phúc: Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng và tin tưởng vào con đường mà mình đã chọn.
Để làng quê đón thêm nhiều tri thức trẻ
Chúng tôi xin được kết thúc bài viết này bằng những chia sẻ tâm huyết, cũng là băn khoăn của chính người trong cuộc. Chị Hoàng Thị Hiền, Trưởng xóm Đình Dầm, xã Nga My (Phú Bình) tâm sự: Dù được bà con tín nhiệm, nhưng bản thân tôi vẫn nặng lòng với nghề Sư phạm và tiếc kiến thức chuyên môn mà mình đã được đào tạo. Vậy nên, nếu xin được việc dù có đi xa chút thì tôi vẫn chọn đứng trên bục giảng. Anh Dương Văn Tuyển, Trưởng xóm Cây Thị, xã Bình Thành (Định Hóa) thì nói vui: Chắc chắn tôi chẳng thể làm cán bộ xóm từ nay đến già được, còn phải nhường vinh dự và trách nhiệm cho người khác chứ.
Điều anh Tuyển nói cũng là thực tế của những tri thức trẻ đang giữ trọng trách là cán bộ thôn, xóm - vị trí nhân dân tín nhiệm bầu lên. Họ có trình độ, sự năng động và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Thế nhưng, nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi thôn, xóm thì có thể coi đó là một sự lãng phí. Do vậy, các địa phương cần quan tâm đưa những cá nhân có trình độ, năng lực vào nguồn quy hoạch cán bộ xã, thậm chí cấp huyện. Trải nghiệm thực tế tại cơ sở sẽ là nguồn kinh nghiệm quý giá, giúp họ hoàn thành tốt công việc khi được giao phó ở vị trí cao hơn. Còn những thanh niên đã và đang quyết tâm khởi nghiệp từ làng, tuy đạt được những thành công nhất định nhưng chắc hẳn họ chưa thể bằng lòng và có ý định dừng lại. Điều họ mong muốn là được tạo điều kiện hơn nữa về vốn và các cơ chế thực sự đột phá. Chị Lục Thị Thanh Huyền nói với chúng tôi: Nếu tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, tích tụ được diện tích đất đủ lớn, chắc chắn mục tiêu mở rộng quy mô và đưa các sản phẩm chiết xuất từ cây sả đến nhiều thị trường của tôi sẽ được rút ngắn thời gian.
Làng quê đang rất cần những tri thức trẻ cùng chung vai để hiện thực hóa mục tiêu nông thôn mới. Những cá nhân trong bài viết này đã tiên phong, tạo dấu ấn trong trong lĩnh vực mình đảm nhận. Để họ không đơn độc, ngày càng có nhiều trí thức trẻ trở về đóng góp cho quê hương, rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa tới việc bồi dưỡng và giao việc để họ có thể phát huy năng lực. Cùng với đó là cơ chế tạo điều kiện đủ hấp dẫn để nhiều người tìm thấy cơ hội khởi nghiệp và làm giàu chính từ mảnh đất quê hương.