Được dân tin là động lực lớn để cống hiến

15:27, 24/12/2018

Thượng Nung là xã vùng cao thuộc nhóm khó khăn nhất huyện Võ Nhai hiện nay với tỷ lệ hộ nghèo còn xấp xỉ 45%. Nhưng diện mạo của địa phương này vài năm gần đây đã có sự khởi sắc, lòng dân đồng thuận, đời sống mọi mặt của bà con ngày một nâng lên. Đó là niềm vui, là động lực để những cán bộ địa phương có tâm tiếp tục cống hiến, sát cánh cùng đồng bào vượt khó.

Dù đã cuối giờ chiều nhưng chị Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung vẫn nhiệt tình đưa tôi lên Lũng Cà (xóm có 32/42 hộ là đồng bào dân tộc Mông) để chứng kiến bà con làm đường bê tông. Đường lên Lũng Cà, Lũng Luông đã được đổ bê tông theo Đề án 2037 nhưng nhiều đoạn vẫn phải cài số 1 thì xe máy mới có thể bò lên vì dốc ngược. Khi chúng tôi đến nơi, trời Đông đã nhá nhem tối nhưng người dân Lũng Cà vẫn đang hăng say làm đường. Thấy Chủ tịch UBND xã đến, mọi người tạm ngừng tay chào hỏi và nói chuyện thân tình như thể người trong nhà. Ông Trương Văn Lý là người dân tộc Mông, bảo: Cán bộ xã lên vận động, giúp đỡ nhiều mới làm được con đường này đấy. Mỗi hộ phải góp triệu rưỡi để làm đường nhưng ai cũng vui, vì tương lai mà, cán bộ nói thế tôi thấy phải lắm!

Lũng Cà là xóm nghèo, phấn đấu mãi đến vừa rồi mới có 2 hộ thoát nghèo, nguyên nhân do điều kiện tự nhiên khó khăn, bà con thiếu đất canh tác, nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt. Vì thế, việc vận động hiến đất và đối ứng 1,5 triệu đồng/hộ để làm 300 mét đường bê tông không hề dễ dàng. Vậy nhưng khi cán bộ xóm, xã kiên trì vận động thì mọi người đều thông suốt và đồng thuận cao. Nói là một chuyện, quan trọng là cán bộ phải gương mẫu để bà con thấy, vậy là có những người như ông Trương Văn Sùng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm xung phong hiến đất trước khi đi vận động người khác.

Trưởng xóm Ma Hành Du, sinh năm 1983, nhưng đã có 11 năm liên tục được bà con tín nhiệm giao việc “vác tù và”. Đời sống kinh tế và nhận thức của người dân còn thấp, nhiều hộ ở biệt lập phải đi bộ gần 1 tiếng mới tới nơi. Nhưng bằng ấy năm, anh Du miệt mài tuyên truyền, vận động, đi bộ đến từng nhà để động viên bà con nỗ lực làm ăn, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, vậy nên anh được mọi người tin đến mức muốn “trốn” làm Trưởng xóm cũng không được.

6 xóm còn lại của xã Thượng Nung đều có những cán bộ gương mẫu, tận tâm với dân như vậy nên rất được bà con tin tưởng. Đơn cử như xóm An Thành, nơi vừa xây xong Nhà văn hóa trị giá hơn 400 triệu đồng, từ năm 2014 đến nay, xóm vận động nhân dân hiến đất và đối ứng làm được gần 3km đường bê tông nông thôn mới. Đời sống của người dân khá nhất xã và hiện chỉ còn 8/81 hộ nghèo, bà con luôn đồng thuận, đoàn kết tốt. Cùng với sự năng động, chịu khó làm ăn của người dân, nguyên nhân quan trọng đem đến những kết quả đó là xóm có đội ngũ cán bộ tốt. Hầu hết đảng viên và trưởng các đoàn thể đều là những tấm gương làm kinh tế, đi đầu trong mọi phong trào.

Gia đình chị Lương Thị Mến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm và  anh Nguyễn Văn Lợi (đảng viên) là trường hợp điển hình. Từ nhiều năm nay, anh chị luôn đi đầu trong phát triển chăn nuôi (trâu, bò, dê, gà) ở xóm, đồng thời phát triển cây ăn quả cho thu nhập khá. Không những vậy, gia đình anh chị còn luôn tiên phong đóng góp cho xóm, như việc hiến gần 3 sào ruộng để làm đường. Hay như gia đình ông Ngô Văn Tiêu, Phó Bí thư Chi bộ đã hiến hàng nghìn m2 đất cho phát triển hạ tầng nông thôn.

Đặc biệt là ông Nguyễn Đình Tâm, Bí thư Chi bộ xóm, người luôn năng động trong phát triển kinh tế và hết mình vì việc chung. Thấy người dân loay hoay tìm hướng làm ăn, ông đã nhiều lần đứng ra tổ chức hoặc đề nghị xã tổ chức cho mọi người đi học hỏi các mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi trong, ngoài tỉnh. Gia đình ông cũng đi đầu trong việc trồng chè, na, cam và chăn nuôi, khi thấy hiệu quả tốt, ông khuyến khích, hướng dẫn người dân làm theo. Ông Tâm nói: Mình là cán bộ nên phải đi đầu, nhiều khi chịu thiệt một chút để bà con theo.

Đó là ở các xóm, còn đối với cấp xã, đội ngũ cán bộ ở Thượng Nung hiện đã cơ bản được chuẩn hóa và làm việc trách nhiệm, chuyên nghiệp hơn nhiều so với vài năm nước. Nhiều người được nhân dân đánh giá cao như cán bộ Tư pháp Hà Thanh Hải, công chức Văn phòng Bùi Thanh Định… Nhất là Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, chị Lương Thị Mỹ Chải (sinh năm 1984), một cán bộ trẻ năng động, tận tâm và luôn sâu sát thực tế. Vì gần dân, thấu hiểu nỗi vất vả và niềm mong ước của bà con nên chị và tập thể lãnh đạo xã mới có giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong việc xây dựng Nhà văn hóa xóm An Thành; kịp thời đề nghị huyện hỗ trợ người dân xóm Lũng Hoài khi họ gặp khó khăn trong việc đối ứng xây Nhà văn hóa; đề xuất cấp trên triển khai và vận động nhân dân tham gia mô hình cánh đồng một giống lúa ADI28 chi hiệu quả cao; xây dựng Dự án Nuôi bò vỗ béo theo Chương trình 135…

Nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ để phục vụ nhân dân tốt hơn, từ ý tưởng và chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã Lương Thị Mỹ Chải, anh Bùi Thanh Định, công chức Văn phòng xã đã dầy công xây dựng phiếu đánh giá, phân loại cán bộ, công chức. Từ khi áp dụng sáng kiến này, tình trạng cán bộ xã đi muộn, về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính hoặc có thái độ không chuẩn mực với dân giảm hẳn, việc đánh giá cán bộ cũng chính xác hơn. Chị Chải tâm đắc: Mục đích cuối cùng là đem lại lợi ích cho người dân, như vậy bà con sẽ tin yêu và cũng tạo thêm động để người cán bộ phấn đấu, cống hiến.