Những người “ôm rơm” trân quý

10:21, 03/12/2018

Họ là trưởng xóm, là cán bộ gần dân, hiểu dân và biết chăm lo cho lợi ích thiết thực của người dân. Họ sống giản dị, chân thành và làm việc không phải vì… tiền phụ cấp hay danh lợi. Bởi lẽ ấy trong xã hội có không ít người gọi họ là những người “ôm rơm”. Nhưng là “cái ôm” trân quý.

Ông Phùng Minh Khai, Trưởng xóm Ao Cống, xã Phú Đô (Phú Lương) tự hào: Từ 20 năm nay, xóm Ao Cống liên tục đạt danh hiệu Làng Văn hoá. Xóm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2000-2010”; xóm được tỉnh 2 lần trao Bằng công nhận Làng Văn hoá tiêu biểu.

Như để minh chứng lời mình nói, ông dẫn chúng tôi đi trên đường bê tông chạy dọc xóm, qua các nương chè, bãi ngô và mấy thẻo rừng keo khép tán. Điều dễ nhận thấy là chính người dân xóm Ao Cống đã chung sức làm thay đổi diện mạo quê hương mình. Đóng góp làm nên sự đổi thay ấy có công lao không nhỏ của những người như ông Khai. Từ năm 2002 đến nay, liên tục làm Trưởng xóm, ông tích cực vận động nhân dân hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, như giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Cũng vì hăng hái, nhiệt tình, ông được người dân trong vùng nể mến, nhà ai có công việc gì cũng gọi đến ông.

Chuyện ông Phùng, bà Bế Thị Cảnh, người dân xóm Ao Cống chia sẻ: Nhiều lúc nhà bận việc, nhưng khi có ai gọi, ông cũng có mặt. Chỗ nào xảy chuyện rắc rối, có sự “hiển diện” của ông Phùng thì mọi việc đều trở nên đơn giản. Như  công chuyện vận động nhân dân đóng góp xây cổng làng, làm Nhà văn hoá, làm đường bê tông, giúp bà con kinh nghiệm làm chè an toàn, trồng rừng…, thậm chí là vợ chồng nhà nào cãi mắng nhau, ông Phùng có mặt, “cơm sôi nhỏ lửa”, gia đình trở lại êm ấm.

Câu chuyện về ông Phùng cứ hồn nhiên thân thiện, và theo tôi trên suốt dọc đường về T.P Thái nguyên. Để khi vào thăm gia đình bà Trần Thị Quý, xóm Cây Si, xã Phúc Xuân, ngồi trà nước lại được nghe chuyện tình nghĩa làng xóm. Bà Quý cho biết: Nhờ có tiền hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo của Thành phố và sự ủng hộ giúp đỡ của bà con, gia đình tôi mới có ngôi nhà chắc chắn để ở…

Tay nâng chén trà, vẻ mặt suy tư, ông Đinh Ngọc Minh, Trưởng xóm kể: Cách đây ít tháng, khi tôi đến nhà bà Quý thu tiền các loại quỹ theo quy định của Nhà nước, vừa đứng dậy bước chân ra đến cửa thì… cả một mảng ngói cũ, mục rơi xuống chỗ ngồi, xuýt chết. Sau vụ đó, xóm đề nghị với chính quyền địa phương giúp đỡ cho gia đình bà Quý làm lại nhà ở. Ông Bùi Xuân Trường, chồng bà Quý kể: Làm Trưởng xóm, ông Minh chẳng quản ngày đêm, luôn gần gũi và sẵn lòng giúp đỡ mọi người cùng có cuộc sống ổn định.

Không ai muốn mình phải sống trong nghèo khổ. Nhưng khó nhất ở mỗi người là phải làm như thế nào để vượt được lên chính mình. Hôm đầu tháng 11, chúng tôi về xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn (T.P Sông Công), ông Bùi Thanh Sen, Trưởng xóm cho biết: Xóm có 120 hộ, 480 nhân khẩu, bình quân thu nhập đạt 30 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, xóm có 93,3% gia đình đạt văn hoá. “Hành trình” phấn đấu trở thành xóm nông thôn kiểu mẫu, 18 hộ có đất bên tuyến đường từ ngã ba Bình Phong đến nhà văn hoá của xóm đã tự nguyện hiến hơn 1.500 m2 đất để mở rộng đường. Điển hình là các hộ: Trần Văn Cảnh, Dương Như Trình, Dương Văn Hùng, Nguyễn Văn Phúc… Là một trưởng xóm nhiều năm liên tục, nên hầu hết các công trình xây dựng, như: Nhà văn hoá, kênh mương dẫn nước, đường bê tông đều có sự tham gia của ông.

Nói như vậy vì từ nhiều năm nay, ông Sen và các ông bà thành viên Ban Công tác Mặt trận luôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp đối ứng cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Ông là người vận động bà con mua đất, đổi đất xây dựng nên công trình Nhà văn hoá của xóm. Mới đây, ông và các thành viên Ban Công tác Mặt trận tiếp tục vận động nhân dân đóng góp đổ bê tông toàn bộ khu vực sân Nhà văn hoá, làm tường rào bảo vệ.

Khi được hỏi về kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông nói hiền khô: Nhiệm vụ bà con đặt lên vai, tôi làm hết sức. Hơn thế, tôi luôn coi việc của xóm như việc của nhà mình. 

Là người gần dân nhất, bất cứ nhà ai có công việc gì, bà con đều nghĩ ngay đến trưởng xóm. Ông Phạm Trịnh, Trưởng xóm Làng Hỏa, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) chia sẻ: Xóm có 202 hộ, 878 nhân khẩu, bình quân thu nhập đạt 17 triệu đồng/người/năm 2018, tăng 2 triệu đồng so với năm 2017. Tuy đời sống riêng của mỗi nhà chưa có nhiều dư dả, nhưng người dân trong xóm tích cực tham gia đóng góp đối ứng cùng Nhà nước xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, như làm đường dân sinh, xây dựng Nhà văn hoá và tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Xóm vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2009-2013; xóm 10 năm liên tục đạt danh hiệu Làng Văn hoá cấp huyện.

Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm khu Nhà văn hoá xóm, ông Lê Hữu Đoàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận cho biết: Xóm Làng Hỏa từng 2 lần xây dựng Nhà văn hoá. Lần 1, do diện tích chật hẹp nên bà con nhường lại cho Trường Mầm non sử dụng. Lần 2, xóm xây dựng Nhà văn hoá trên khu đất rộng gần 2.000m2. Liên tục những năm gần đây, ngoài làm Nhà văn hoá còn làm đường bê tông và rất nhiều công việc khác.

Để các công trình của xóm được xây dựng hoàn thiện, ông Trịnh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp tiền của, công sức. Nhiều trường hợp ông lên tận đồi chè để gặp gỡ, trao đổi, thông báo “chủ trương” chung của Chi bộ Đảng, rồi khéo léo vận động gia đình hiến đất mở rộng mặt đường, tham gia đóng góp tiền, công sức lao động làm đường bê tông. Có trường hợp ông phải đến nhà vận động đóng góp tiền xây dựng nhiều lần, song chưa bao giờ ông nổi nóng. Ông bảo: Người dân chưa tham gia, có nghĩa việc tuyên truyền của mình chưa thông suốt. Vì thế tôi cùng các ông bà trong Ban Công tác Mặt trận động viên nhau: Bình tĩnh, kiên trì, phải tuyên truyền đầy đủ cho dân hiểu, dân tin và để dân làm, dân kiểm tra.

Cũng trong thời gian làm việc ở xã Văn Hán, chúng tôi được biết thêm: Nhờ người dân vào cuộc tích cực, đến nay Làng Hỏa là một trong số các xóm của xã đạt19/19 tiêu chí nông thôn mới. Và đường bê tông đã được làm về đến hầu hết các ngõ xóm.

Thành công trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở  xóm Làng Hỏa, cũng như hầu hết các cơ sở xóm, tổ dân phố của tỉnh đều do có sự vào cuộc tích cực của đội ngũ những người làm trưởng xóm. Họ được ví như những người “ôm rơm”; hoặc “người vác tù và hàng tổng” đáng trân quý.