Nhắc đến môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông, không ít học sinh cảm thấy ngại và nản, vì đó là môn học thuộc, phải ghi nhớ quá nhiều sự kiện, số liệu. Phải làm gì để môn Lịch sử gần gũi với đời sống, thắp lên niềm hứng thú, đam mê cho các em? Đó là điều luôn thôi thúc cô giáo vùng cao Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai) trăn trở để đem đến cho học sinh những giờ học môn Lịch sử hấp dẫn.
Sau tiếng trống báo hiệu, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà bước vào lớp 12 và mở đầu bằng câu nói nhẹ nhàng: “Hôm nay chúng ta ôn tập để củng cố kiến thức môn Lịch sử với bài: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954).” Máy chiếu bât lên, kèm theo lời cô giảng về vị trí chiến lược Ðiện Biên Phủ lúc bấy giờ- Pháp xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Ðông Dương với 16.200 quân. Ðến phần diễn biến trận đánh, đoạn phim 3D với hình ảnh bất chấp đạn rít bom gầm, những chiến sĩ của ta lấy thân mình bịt kín lỗ châu mai, làm giá súng...
Cả lớp im phăng phắc, gương mặt ai cũng bồi hồi xúc động trước những hình ảnh thiêng liêng ấy. Dừng máy chiếu, cô Hà trầm giọng đọc đoạn thơ: ...Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí, thân chôn làm giá súng/ Ðầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, mắt nhắm, còn ôm/... có những giọt nước mắt học trò lăn xuống, còn giọng cô nghẹn lại...
Ðể rồi cả lớp lại chuyển sang trạng thái phấn khởi, hân hoan trước những thước phim tư liệu. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ với hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Quang cảnh ký Hiệp định Geneve. Ðất nước tạm thời chia cắt hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn xây dựng XHCN, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng miền Nam. Cầu Hiền Lương với hơn bảy lần sơn cũng được cô sưu tầm đưa lên màn hình.
Cứ vậy đan xen giữa đoạn phim, truyện ngắn, kết thúc bài, cô chốt lại bằng những câu thơ: Chín năm làm một Ðiện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng.
Ánh mắt cả lớp lại say mê dõi theo những thước phim về Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã lãnh đạo thắng lợi chiến dịch Ðiện Biên Phủ Lừng lẫy năm châu/chấn động địa cầu... Rồi cô liên hệ rộng ra: “Nước ta có hai vị tướng được xếp vào 10 vị tướng giỏi nhất thế giới. Ðó là Hưng Ðạo vương Trần Quốc Tuấn và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp...”.
Cứ vậy, chỉ một tiết học nhưng cô đã cung cấp cho học trò những ấn tượng khi đã sử dụng nhạc, phim, thơ văn, câu chuyện lịch sử... Tiếng trống hết giờ vang lên, lớp “ồ” lên tiếc nuối...
12 năm từ T.P Thái Nguyên lên vùng cao và gắn bó với mảnh đất Tràng Xá-nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II, năm 1941(Tiền thân Quân đội Nhân dân Việt Nam), cô Hà luôn hướng đến những điều mới mẻ trong mỗi bài giảng môn Lịch sử. Cô tâm sự: “Muốn học sinh học tích cực, trước hết, giáo viên phải dạy tích cực, tức là phải có sự đầu tư thích đáng cho từng tiết dạy bằng tri thức và tài liệu… Bác Hồ từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trách nhiệm người giáo viên là giúp học sinh học đến đâu tường đến đó. Nghèo vật chất thì có thể lo được, chứ nghèo tư duy, nghèo sáng tạo thì thuần túy là một sự nhàm chán và vô nghĩa, vô cảm mà điều này thì người máy đã làm được hết”.
Nếu như trong sách giáo khoa nói về ý nghĩa của Khởi nghĩa Bắc Sơn và sự ra đời của Đội Cứu quốc quân II thì khi soạn bài, không thể là sự liệt kê số liệu khô khan, mà phải để học sinh thấy được hào khí tinh thần cách mạng của quê hương mình. Vì vậy bài giảng có thể gây ấn tượng bằng tiêu đề “Tiếng vọng từ rừng Khuôn Mánh”…
Cô Hà nhớ lại những ngày đầu mới đến trường, học sinh chỉ lo học thuộc lòng theo sách giáo khoa. Nhiều em học vất vả mà học trước, lại quên sau. Cô đã mạnh dạn tổ chức chương trình diễn kịch sân khấu theo chủ đề: "Anh hùng đất Việt". Các em đã hóa thân vào các nhân vật lịch sử, như: Trần Quốc Toản, công chúa An Tư, Nguyễn Trãi, vua Quang Trung, chị Võ Thị Sáu. Ngoài giải thưởng cho các tiết mục, Ban Giám khảo đã quyết định trao thêm 2 giải "Diễn viên xuất sắc" cho em Hoàng Đức Tiến và em Trần Văn Đức, học sinh lớp 12A1. Trong đó, vai tướng giặc Ô Mã Nhi của Đức Tiến trong vở "Nỗi lòng công chúa An Tư" được nhiều khán giả và Ban Giám khảo khen ngợi.
Em Trần Văn Đức, học sinh thì chia sẻ: "Nhiều năm học Lịch sử nhưng em vẫn chưa biết gì về công chúa An Tư. Việc tìm hiểu về cuộc đời công chúa An Tư đã giúp em hiểu thêm về bối cảnh lịch sử, ý chí, tinh thần của dân quân thời Trần trong kháng chiến chống quân Mông - Nguyên".
Khi nói về tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, lên án tội ác và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, cô Hà sử dụng đoạn thơ sau của nhà thơ Tố Hữu:“...Nhân danh ai bay mang đến đất này/Những Na-pan, hơi độc/Bay đến từ đảo Guam, từ tòa Bạch ốc/Để ám sát hòa bình, tự do dân tộc/Giết những người con chỉ biết yêu thươn/Giết những trẻ em chỉ biết đi trường/Giết những đồng xanh của bốn mùa hoa lá/Và giết cả những dòng sông của thơ ca, nhạc họa".
Sau mỗi bài giảng, cô Hà thường tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm. Phương pháp này giúp học sinh mở rộng, đào sâu thêm những vấn đề học tập trên cơ sở nhìn nhận vấn đề một cách có suy nghĩ, phân tích có lý lẽ, có dẫn chứng minh họa, phát triển được tư duy khoa học. Ngoài ra, còn giúp cho học sinh phát triển kỹ năng nói, giao tiếp tranh luận....Từ đó giúp cho giáo viên nắm được hiệu quả giáo dục về các mặt nhận thức, thái độ, quan điểm, xu hướng hành vi của học sinh.
Mỗi cử chỉ, lời nói của cô Hà như một kho tàng kiến thức văn học, lịch sử, khiến cho người nghe như đặt mình trong bối cảnh của lịch sử. Chính điều đó đã cho cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà gặt hái được nhiều thành công trong chuyên môn. Liên tục từ năm 2011 đến nay, cô đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và năm 2017 cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Tại các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô Hà đều đạt giải cao và đạt danh hiệu Giáo viên dạy Giỏi cấp Quốc gia năm 2017. Bên cạnh đó, sự đam mê nghiên cứu môn Lịch sử đã đem đến cho cô giải Nhì cấp Quốc gia trong cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Viêt Nam-Lào năm 2017”; giải Đặc biệt tại cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 – 2016”) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức. Từ năm học 2007 – 2008 đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà đã ôn luyện, hướng dẫn 55 lượt học sinh đạt giải Học sinh Giỏi cấp tỉnh và 02 giải Quốc gia.